Phạt đến 3 triệu đồng, lỗi thuộc hết về “thủ phạm” tiểu bậy?

(Dân trí) - “Cần phải trang bị các nhà vệ sinh công cộng dọc các tuyến phố trước đã rồi mới tính đến chuyện phạt. Lẽ dĩ nhiên, những người tiểu bậy là đáng trách, đáng xấu hổ, đáng bị lên án... Thế nhưng trong số tiểu bậy, có những người bị bệnh lý về thận chẳng hạn thì sao? Vì không có chỗ để giải tỏa, cho nên họ mới làm vậy. Không thể đổ hết lỗi lên người dân được”, bạn đọc Dân trí bày tỏ.

Từ ngày 1/2/2017, Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn có quyền phạt tiền từ 1-3 triệu đồng với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Sau khi Báo Dân trí đăng tải phân tích của luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định này khó khả thi và mức phạt cao bất hợp lý, nhiều bạn đọc Dân trí đã bày tỏ quan điểm của mình.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Bình: "Phạt đến 3 triệu đồng liệu có chữa được chứng “tè bậy” nơi công cộng?". Xin thưa là... KHÔNG! Bởi lẽ người dân không thể học cụ Trạng Quỳnh, đeo "vỏ dừa" khi ra phố... Khi có "nỗi buồn" thì họ phải... GIẢI. Nếu ở nơi ấy lại không có nhà vệ sinh, thì họ ắt phải... GIẢI BẬY! Vì thế, để triệt tận gốc tệ nạn này không chỉ cần phạt nặng, mà còn phải làm nhiều nhà vệ sinh đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, thuận tiện cho mọi người có nhu cầu và cũng phải rất vệ sinh nữa”.


Nhà vệ sinh công cộng quá hiêm hoi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu bậy.

Nhà vệ sinh công cộng quá hiêm hoi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu bậy.

Bạn đọc Hungdao: “Nực cười, cái gì cũng phạt mà trong khi đó nhà vệ sinh công cộng thì chẳng thấy đâu. Cho tôi hỏi giờ mỏi quá không có chỗ vệ sinh thì tè luôn ra quần à”.

Bạn đọc Lechung: “Chữa được ngay! Nếu phạt triệt để và sử dụng chính tiền phạt đó xây nhà vệ sinh công cộng miễn phí, chỉ hy vọng số tiền phạt không chuồn vào túi "ai đó" và "ai đó" không gặm nhấm nhà vệ sinh. Đi WC ở 1 số nước xong (Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc..) về WC Việt Nam chỉ muốn khóc thét: ít, bẩn, thu tiền thô lỗ, bán hàng ngay khu WC bẩn thỉu... Chẳng hiểu các vị có thẩm quyền đi nhiều mà chẳng chịu học gì cả. Ôi quê tôi! (Trăn trở của người từng tè bậy- dù rất có ý thức)”.

Bạn đọc Nguyễn Thế Xuân: ‘Đành rằng giáo dục là chính, nhưng phải xem lại các công trình vệ sinh công cộng có hay không, từ đầu phố đến cuối phố không có nhà vệ sinh công cộng, khi quá" muốn tiểu" thì đi đâu hả ông??? Thôi thì tìm đại chỗ nào kín kín mà xả cái bầu tâm sự. Lấy ví dụ đàn bà ít "tè" bậy hơn đàn ông là có nhưng không chuẩn, phải nói rằng đàn bà "nín" giỏi hơn đàn ông, mặt khác cái "van" nín mỗi người một khác. Có người uống bia suốt buổi không đi "tè", nhưng có người trong buổi nhậu, bạn bè đang uống, nhưng mình thì phải đứng lên "đi tè" nhiều lần, Vì sao vậy. Vì cái van nín kém thưa ông. Đành rằng phạt là đúng nhưng không thể nói một chiều như ngài luật sư này”.

Bạn đọc Lê Văn Toàn: “Nguời lái xe ôm hay bán hàng rong suốt ngày ở ngoài đường thì họ đi tiểu ở đâu??? Ông có xây nhà vệ sinh công cộng cho họ đi tiểu miễn phí không??? Hay xây xong thu phí 5.000đ/ 1 lần đi??? Mà dân xe ôm họ đi kiếm cơm khổ cực mà 1 ngày vô nhà vệ sinh công cộng 7 lần thì tốn bao nhiêu tiền???”.

Bạn đọc Hoàng Nghiêm: “Không có nhà vệ sinh công cộng thì đi ở đâu hả các bác, lỡ vỡ bàng quang thì sao, còn nói để bảo vệ môi trường thì lại càng khó hiểu hơn, người dân cứ vứt rác bừa bãi, rác công nghiệp, rác sinh hoạt vứt luôn suống sông kênh mương có thấy ai phạt đâu”.

Bạn đọc Sao Băng: “Phạt tiền nặng có thể chưa đủ để chữa chứng tiểu bậy, song chắc chắn một điều là sẽ hạn chế được tật xấu này.Vì xót khoản tiền 3 triệu, người dân sẽ mất một ít tiền để đi nhờ ở một khách sạn hay một nhà hàng nào gần nhất”.

Bạn đọc Hoainamcie1@Gmail.Com: “Trước hết phải xây nhiều nhà vệ sinh công cộng ở ngoài đường, vỉa hè đã rồi hãy làm luật xử phạt chứ người dân đang đi đường mà muốn đi vệ sinh không lẽ lại chạy vào nhà dân xin đi nhờ như vậy có tiện không. Vậy họ phải đi vệ sinh ở đâu?”.

Bạn đọc Trương Anh Tuấn Trương: “Chỉ nên nhắc nhở, không nên phạt tiền khi nhà vệ sinh công cộng còn chưa có đầy đủ trên mọi tuyến đường. Tiểu tiểu không thể nhịn lâu vì thế khi có nhu cầu mà không được đáp ứng sẽ mắc bệnh "đái đường" là lẽ tự nhiên”.

Bạn đọc Nguyen Hoc Hai: “Theo tôi, tại chúng ta bố trí quá ít nhà vệ sinh công cộng nên không chịu nổi đành tè bậy thôi. Nên chăng quy hoạch đô thị cũng nên dành diện tích xứng đáng để xây dựng nhà VSCC. Chí ít thì mỗi điểm dừng xe buýt phải có một cái và một số nơi công cộng khác. Vì mình không bố trí chỗ thì sao lại phạt được”.

Bạn đọc Dương Quốc Hùng: “Vấn đề là ai phạt. Bàn cho lắm vào cũng vậy thôi. Theo tôi giành nhiều vị trí thuận tiện xây nhà vệ sinh công cộng trên các đường phố đông người sẽ giải quyết được vấn đề”.

Bạn đọc Vũ Đình Tùng: “Tôi nghĩ chẳng ai muốn đi vệ sinh "bậy" cả. Nếu có hệ thống nhà vệ sinh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh và đó thực sự là công trình công cộng phục vụ người dân theo "đúng nghĩa" thì chẳng có ai đi "bậy" đâu. Lấy ví dụ: ngay trong bến xe, khách vào đó đi xe là đã có đóng góp phí cho bến xe rồi, nhưng khi đi vệ sinh vẫn mất tiền. Hay ở các nơi công cộng trên thành phố, đi vệ sinh cũng mất tiền. Với người có tiền thì không sao, chứ như mấy ông xe ôm, cả ngày kiếm được mấy đồng, mỗi lần đi mất toi 2K-3K. Mỗi ngày đi 3 đến 4 lần rồi thì nhân với 1 tháng (30 ngày) xem số tiền phí vệ sinh là bao nhiêu?. Thử hỏi họ liệu có không đi "bậy" được không?

Rồi thì có chỗ nhà vệ sinh không thu phí thì vào trong đó "buồn" cũng chẳng dám vào giải quyết, có hỏi thì họ bảo "không thu phí" thì không có người dọn lên nhà vệ sinh như vậy "vẫn còn tốt chán". Luật ra thì phạt, nhưng để người dân phục và chấp hành luật nghiêm chỉnh, tạo lên nét văn hóa thì hỏi xem phía nhà nước đã làm gì để đạt được mục tiêu là "văn hoá, văn minh", hay cứ đặt ra luật rồi thì phạt tùm lum cả?”.

Anh Thế (tổng hợp)