Phát biểu hay đọc bài phát biểu
Rõ ràng được mời lên để phát biểu nhưng không ít vị bước lên sân khấu đọc bài phát biểu chứ không phải lên phát biểu. Nhiều trong số họ không chuẩn bị kỹ, không đọc trước nên đọc không trôi chảy, chỗ ngắt, ngừng bất hợp lý, nghe khá phản cảm.
Mấy bữa nay báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng nói và viết nhiều về đại hội Hội nhà văn Việt Nam. Tôi chú ý nhất đến con số mà chủ tịch đoàn thông báo: Có tới hơn 100 đại biểu đăng ký đọc tham luận. Và cuối cùng chỉ có 18 tham luận được đọc. Đây cũng là 1 góc của vấn đề mà tôi trăn trở suy nghĩ.
Có hẳn 1 bài viết và phân tích về những tràng pháo tay liên tục từ hội trường. Có tác giả không hiểu rằng tiếng vỗ tay này là khen ngợi và cổ vũ hay phản đối và mời các diễn giả xuống! Nói vậy thôi chứ đây chỉ là câu hỏi cho vui chứ chắc các nhà văn bị tra tấn bằng các bài “đọc” quá dài nên mệt. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ ai còn muốn nghe nữa nên các nhà văn vỗ tay mời xuống. Có báo cũng viết rằng nhiều nhà văn mệt mỏi quá bỏ ra ngoài hội trường đại hội.
Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến hàng chục, mà có lẽ là hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị mà tôi đã từng tham dự. Phải chân thành thú tội rằng cá nhân tôi cũng không ít lần bỏ ra ngoài để nghỉ ngơi nếu thấy người phát biểu lên đọc mà tập giấy của diễn giả nhiều trang quá. Đôi khi vì lý do tế nhị hay để tập trung cho công việc riêng tôi ngồi mở máy tính ra viết báo, đọc tài liệu, chuẩn bị bài giảng, nhắn tin, hay đọc sách. Đây là cách sử dụng quãng thời gian vô bổ để làm những việc có ích. Tôi cũng khuyên mọi người tập được thói quen sử dụng thời gian “thừa” này một cách hiệu quả. Ít nhất là nên thủ theo 1 cuốn sách khi đi hội nghị.
Trong các hội thảo, hội nghị mà tôi hay tham dự, trừ bài đầu tiên của các vị quan chức có được giới thiệu lên để đọc diễn văn khai mạc. Khi đó những khách mời như tôi hiểu rằng vị đó sẽ đọc, ngắn thi 1 trang, dài thì vài trang. Biết như vậy để chuẩn bị tinh thần nghe. Còn lại sau đó phần lớn các diễn giả được mời lên để phát biểu.
Rõ ràng được mời lên để phát biểu nhưng không ít vị bước lên sân khấu đọc bài phát biểu chứ không phải lên phát biểu. Nhiều trong số họ không chuẩn bị kỹ, không đọc trước nên đọc không trôi chảy, chỗ ngắt, ngừng bất hợp lý, nghe khá phản cảm.
Nhiều hội thảo lớn, chuyên nghiệp đều có hạn mức thời gian. 5, 10 hay 15 phút. Tuy nhiên do khâu chuẩn bị không kỹ, không tính được thời lượng nên nhiều bài tham luận vượt giờ, đôi khi là vượt gấp rưỡi, gấp đôi. Những hội nghị nghiêm túc thì có chuông reo hay sự nhắc nhở của chủ tịch đoàn hoặc ban tổ chức. Tuy nhiên một số hội thảo tính chuyên nghiệp không cao hoặc vì nể nang nhau nên họ mặc kệ cho bài phát biểu dài chừng nào cũng được. Điều này làm cho thời lượng chương trình kéo dài, gây mệt mỏi cho người nghe, làm bất lợi cho các diễn giả tiếp theo.
Tôi cứ suy nghĩ, tại sao đã có từ phát biểu mà nhiều diễn giả vẫn lên bục đọc bài phát biểu! Người ta mời anh lên phát biểu thì anh phải nói những gì trong đầu anh, từ trái tim anh chứ không thể là đọc 1 bài viết khô khan chuẩn bị sẵn. Phát biểu tức nói không cầm giấy, có chăng chỉ là mảnh giấy ghi các ý chính để “phát biểu” kẻo quên chứ không phải là đọc. Nếu người dẫn chương trình giới thiệu lên đọc bài phát biểu ta mới được quyền đọc chứ. Đọc bài phát biểu và phát biểu là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, 2 cụm từ với 2 nghĩa hoàn toàn khác biệt.
Chuyện tiếu lâm kể rằng có diễn giả kia cắm cúi đọc bài phát biểu của mình. Khi ngẩng lên thấy mọi người bên dưới hoặc ngủ gục hoặc ngáp. Ông buồn quá và hỏi trợ lý đi theo. Trợ lý nhận lỗi. Người trợ lý đã soạn bài diễn văn này, nhưng do máy in trục trặc, anh phải nhấn nút 2 lần, hóa ra thành ra 2 bản, mỗi bản 3 trang. Ông sếp cứ thế đọc tưởng rằng 6 trang giấy là nội dung bài phát biểu được anh ta chuẩn!
Khảo dị 2 của câu chuyện trên là trợ lý soạn sẵn, in sẵn 2 bài phát biểu để sếp đọc trong 2 hội nghị. Sếp đã để riêng 2 túi cho 2 bài. Túi bên phải cho hội nghị 1, túi bên trái cho hội thảo 2. Tuy nhiên lúc lên diễn đàn rút lộn. Đọc hết gần 1 trang mới phát hiên ra nhầm. Thế là lại phải xin lỗi, cất bài này đi, lấy bài kia ra đọc từ đầu!
Trong rất nhiều hội thảo hội nghị, mỗi khách mời đã được phát đầy đủ 1 bộ tài liệu trong đó có tất cả các bài tham luận của các diễn giả. Ấy vậy mà các diễn giả lên bục vẫn đọc nguyên si bài tham luận. Tôi thiết nghĩ, nên chăng diễn giả chỉ cần nói tóm tắt ý chính, phân tích các nét căn bản hay nói cái đáng nhấn mạnh vì bài tham luận đã được in thành tài liệu. Nếu đọc nguyên văn sẽ tốn thời gian của hàng trăm khách mời ngồi bên dưới và nó thật sự không cần thiết.
Có những hội nghị cần một khoảng thời gian để kiểm phiếu hay làm biên bản. Thế là lại là các phát biểu. Các phát biểu lại vẫn là “đọc bài phát biểu”. Tôi thiết nghĩ, nếu không có ai có thể thật sự phát biểu thì nên thay các bài “đọc phát biểu” vô hồn, ít nghĩa này bằng văn nghệ là hay nhất.
Những tràng pháo tay ai cũng mong khi phát biểu. Đó là sự tưởng tưởng xứng đáng và cao quý. Những tràng vỗ tay đột ngột giữa chừng càng vậy. Tuy nhiên đôi khi đó lại là điều làm cho diễn giả lo lắng. Nếu đó là những tràng vỗ tay vổ vũ, khen ngợi thì thật sướng và tự hào biết bao. Còn nếu mà đó là tràng vỗ tay mời diễn giả xuống thì đáng buồn. Hơn nữa nếu bị vỗ tay mời xuống, diễn giả dễ luống cuống và đọc nhầm, đọc sai, đọc vô hồn để rồi càng gây phản cảm. Một diễn giả bình thường nhìn vào thái độ, nét mặt, cách vỗ tay của khán giả sẽ hiểu ngay họ vỗ tay với ý gì.
Tôi rất thích nghe các bài phát biểu, nhất là những bài trút từ tâm diễn giả. Tôi rất sợ nghe những người đọc bài phát biểu. Và để rút kinh nghiệm, tôi hầu như chưa bao giờ đọc tại các hội nghị. Tôi không muốn gây sự khó chịu cho người nghe. Và cả chính mình nữa.
Nguyễn Mạnh Hùng