Vụ án "huỷ hoại tài sản" có dấu hiệu oan sai:

Phán quyết trớ trêu của TAND TP Hải Dương

Với bản án 27 tháng tù giam dành cho bị cáo Nguyễn Duy Sơn, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hải Dương đã bênh vực cho phía vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng. Phán quyết sơ thẩm khiến số đông người tham dự phiên tòa ngày 25-3 thất vọng…

Hồ sơ tài liệu trong vụ án, cũng như diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25-3 cho thấy rất rõ rằng: Ông Nguyễn Duy Sơn, trú tại Cầu Cốn, phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, là người có đầy đủ giấy tờ mua bán để quản lý sử dụng hợp pháp thửa đất số 120 và 121 tại khu 2 phường Nhị Châu, TP Hải Dương. Thời điểm ông Sơn mua đất vào năm 2011, chủ cũ đã xây tường bao theo sự cho phép bằng văn bản của UBND phường và bàn giao tường bao kèm đất cho ông. 

Trong các năm 2011, 2012 và 2013, ông Sơn cũng đóng thuế đất đầy đủ. Bất ngờ, vào tháng 3-2012, ông Đinh Bá Vượng tự xưng được con trai là Đinh Bá Thuấn ủy quyền, tiến hành xây dựng nhà tôn trên thửa đất này. Theo kiến nghị của ông Nguyễn Duy Sơn, UBND phường Nhị Châu 2 lần lập biên bản yêu cầu dừng thi công, phá dỡ, nhưng phía ông Vượng không chấp hành mà tiếp tục hoàn thiện công trình vi phạm. Sự chậm chạp, thiếu quyết liệt của UBND phường đã gián tiếp tạo điều kiện cho phía ông Vượng ngang nhiên vi phạm.

Để bảo vệ tài sản của mình, ngày 4-5-2012 ông Nguyễn Duy Sơn đã cho người dỡ mảng tường bao mà chính mình đã mua cùng với đất từ năm 2011. Việc tháo dỡ tường bao làm nghiêng nhà tôn (kèo nhà tôn gá vào tường bao) khiến bên vi phạm không thể tiếp tục hoàn thiện công trình.

Chờ đợi sự công minh ở phiên phúc thẩm.  
Chờ đợi sự công minh ở phiên phúc thẩm.    

Sau thời điểm xảy ra sự việc trên khoảng nửa tháng, CA TP Hải Dương mới tiến hành lập biên bản, chụp ảnh hiện trường, trưng cầu giám định rồi quy cho ông Sơn tội danh “Hủy hoại tài sản”. Trớ trêu thay, đây là công trình vi phạm, buộc phải tháo dỡ, vậy mà cơ quan chức năng lấy cả chi phí về tiền công xây dựng, chi phí mua xi măng,… để kết tội ông Sơn “Hủy hoại tài sản”. Sự ngang trái này đã được luật sư Đặng Văn Cường (VPLS Chính Pháp) chỉ rõ tại phiên tòa: “Đây là tài sản bất hợp pháp, phải tháo dỡ nên không phải là quan hệ sở hữu mà pháp luật hình sự bảo vệ. Dù phía ông Vượng, phía UBND hay ông Sơn tháo dỡ thì thiệt hại tất nhiên phải xảy ra và phía vi phạm phải chịu, chưa kể họ còn phải mất cả chi phí cho việc tháo dỡ… Việc buộc tội ông Sơn chẳng khác nào công nhận nhà tôn đó là tài sản hợp pháp, đó là hành động bảo vệ, đứng về phía sai trái”. 

Luật sư cũng chỉ rõ, bản ảnh do chính CA TP Hải Dương chụp tại hiện trường cho thấy nhà tôn chỉ nghiêng dựa vào đống gạch chứ không hề hư hại. Sự thiếu khách quan, thiếu tin cậy của “chứng cứ về thiệt hại” còn thể hiện ở chỗ, biên bản hiện trường, rồi thống kê về cái gọi là “tài sản thiệt hại” chỉ được tiến hành sau khoảng thời gian khá dài, mà công trình nghiêng này lại không được niêm phong, bảo vệ. Việc tài sản hư hỏng (nếu có) hoàn toàn có thể xảy ra sau sự kiện ngày 4-5-2012 bởi tác động của ai đó, chứ không phải từ phía ông Sơn; ông Sơn cũng không được tham gia thống kê số tài sản, vật liệu này;…

Theo hồ sơ vụ việc, thì nguồn gốc đất là của ông Trần Thế Trường. Sau đất được chuyển nhượng, người đứng tên trên bản đồ địa chính là ông Trần Đình Thái (em rể ông Thuấn). Thế nhưng, vợ chồng ông Thái đã viết giấy nhượng đất này cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Hà với giá 595 triệu đồng. Cuối năm 2011, ông Sơn mua lại thửa đất này từ vợ chồng bà Hà sau khi bà Hà đã xây tường bao. Vợ chồng ông Thái cũng có mặt tại phiên tòa ngày 25-3. Bà Thủy (vợ ông Thái) thừa nhận trước tòa việc vợ chồng bà đã bán đất cho bà Hà (còn nhờ ông Trần Thế Trường viết giấy bán trực tiếp), sau này muốn mua lại nhưng không được. Bà Hà cũng xác nhận tại phiên tòa việc bà mua đất này từ vợ chồng ông Thái, bà Thủy và bán đất kèm tường bao cho ông Sơn.

Như vậy, có thể thấy ở đây phía ông Vượng đã có hành vi xây dựng công trình không phép trên đất mà ông Sơn đã mua hợp pháp. Đồng thời, những chứng cứ về việc ông Nguyễn Duy Sơn “hủy hoại tài sản” lại non yếu, thiếu tin cậy, không được xác lập theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, tức là không chứng minh được về hậu quả.
Quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại tòa đã phơi bày sự thật, về vi phạm đáng phê phán nghiêm khắc của phía ông Vượng, đồng thời cho thấy hành động “tự” bảo vệ tài sản một cách có chừng mực của ông Nguyễn Duy Sơn. “Hành động của ông Sơn là để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Đây là một vụ hình sự hóa quan hệ dân sự”, luật sư Đặng Văn Cường phát biểu trước tòa.

Dù sự việc đã được làm sáng tỏ, rất dễ hiểu với những người tham dự phiên tòa và cũng thấy rõ những lập luận buộc tội kiểu quy chụp, loanh quanh, khiên cưỡng của đại diện VKS trước phản bác của luật sư, nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn ra phán quyết đầy bất ngờ: 27 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Duy Sơn. Đồng thời toà buộc ông Sơn phải bồi thường cho công trình vi phạm này...!

Dư luận đành chờ sự công minh ở phiên tòa phúc thẩm.

Có yếu tố giả mạo, lừa dối?

Ở vụ án này, phía bị hại là ông Thuấn, ông Vượng không xuất trình được giấy tờ hợp pháp chứng minh họ có quyền lợi trên thửa đất này, ngoài một tờ “Giấy chuyển nhượng” photo có chữ ký tên “Trường” bán đất cho ông Thuấn. Tuy nhiên, ông Trần Thế Trường luôn khẳng định không hề ký giấy bán đất nào cho con ông Vượng.

Thậm chí, trong Bản tường trình (ngày 19-8-2011) gửi UBND phường Nhị Châu, ông Trường còn khẳng định: Chữ ký ghi tên “Trường” trên “Giấy chuyển nhượng” của ông Vượng xuất trình là giả mạo, không phải là chữ ký của ông. Thời điểm ghi trên “Giấy chuyển nhượng”, ông không có ở địa phương (đang ở TP HCM thăm con gái). 


Theo H.Đăng - Lê Hoàng
Pháp luật xã hội