Hà Nội:

Phần lớn công trình trên đất quy hoạch làng nghề Vạn Phúc vi phạm xây dựng

(Dân trí) - Tình trạng vi phạm nghiêm trọng TTXD đang diễn ra tại các lô đất quy hoạch phát triển làng nghề ở phường Vạn Phúc đã được xác định rõ tại Văn bản của Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp, gửi UBND quận Hà Đông phản ánh hiện trạng và kiến nghị phương án xử lý.

Để làm rõ tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) “xé nát” quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, ngày 10/6/2015, PV báo Dân trí tiếp tục có buổi làm việc với đại diện Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp (UBND quận Hà Đông). Theo những tài liệu PV thu thập được, sau khi tiếp nhận việc quản lý - giám sát hoạt động sản xuất và kinh doanh tại 4 lô đất nằm trong quy hoạch tỷ lệ 1/500, Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp đã có báo cáo gửi UBND quận Hà Đông và các đơn vị chức năng.

Hầu hết các công trình trên đất quy hoạch làng nghề Vạn Phúc vi phạm TTXD

Hầu hết các công trình trên đất quy hoạch làng nghề Vạn Phúc vi phạm TTXD

Báo cáo số 25/BC-TTPTCCN, ngày 14/5/2015, của Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp xác định, “...hiện có 154 hộ/261 nhóm hộ được giao thuê đất đã và đang xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp. Qua kiểm tra, rà soát cho thấy hầu hết các nhóm hộ đều xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt và giấy phép đã được cấp với các lỗi vi phạm: Không xây dựng hết diện tích lô đất; bố trí các khu chức năng trong lô đất được giao không theo hồ sơ được cấp phép; chiều cao tầng 1; chiều cao xây dựng; số tầng xây dựng...”. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ hiện có nhiều diện tích quy hoạch làm vườn hoa, cây xanh chưa được đầu tư dẫn đến việc bị đổ trộm chế thải gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Liên quan đến việc hàng nghìn m2 đất quy hoạch làng nghề nằm ở vị trí “vàng” được “biến hóa” thành chuỗi nhà hàng - quán bia vốn không nằm trong quy hoạch, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp cho biết: “Do là đất quy hoạch phát triển làng nghề, sau khi được giao đất các hộ gia đình đều phải đăng ký loại hình hoạt động sản xuất và kinh doanh. Trường hợp không thực hiện đúng loại hình đăng ký hoạt động, chủ hộ buộc phải làm hồ sơ xin điều chỉnh. Từ khi Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp bắt đầu quản lý cụm công nghiệp cho đến nay chưa có hộ gia đình nào đến nộp hồ sơ xin thay đổi loại hình hoạt động...”.

Quy hoạch tỷ lệ 1/500 bị xé nát trong sự thờ ơ của chính quyền địa phương

Quy hoạch tỷ lệ 1/500 bị xé nát trong sự thờ ơ của chính quyền địa phương
Quy hoạch tỷ lệ 1/500 bị "xé nát" trong sự thờ ơ của chính quyền địa phương

Trao đổi với PV báo Dân trí ngày 10/6/2015, ông Đặng Tất Đạt,Đội trưởngĐộiThanh tra Xây dựng quận Hà Đông cho biết đã nắm được thông tin về tình hình vi phạm TTXD trên đất quy hoạch làng nghề. Ông Đạt khẳng định, hiện Đội Thanh tra xây dựng đã giao cho bộ phận chuyên môn phối hợp với UBND phường Vạn Phúc kiểm tra và báo cáo, từ đó Đội sẽ lên phương án xử lý báo cáo cơ quan chức năng ra quyết định xử lý vi phạm. Quan điểm của ĐộiThanh tra là kiên quyết xử lý vi phạm, không bao che cho các chủ đầu tư vi phạm TTXD.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, năm 2003, UBND tỉnh Hà Tây trước đây đã phê duyệt quy hoạch dành 4 lô đất chuyên sản xuất tiểu thủ công nghiệp gồm: Sản xuất dệt may; Đất sản xuất cơ khí, mộc; Đất chuội nhôm, sản xuất ni lon; Cung ứng vật tư, thu gom và giới thiệu sản phẩm. Trong số này, chỉ lô đất có mục đích “Cung ứng vật tư, thu gom và giới thiệu sản phẩm” chiếm gần 10 % diện tích đất quy hoạch tiểu thủ công nghiệp được phép xây công trình cao 3 tầng, những lô đất còn lại bị giới hạn chiều cao 1 tầng.

Năm 2012, UBND phường Vạn Phúc và quận Hà Đông tổ chức chia đất thực địa cho 261 nhóm hộ, tương đương 261 lô đất tại Điểm tiểu thủ công nghiệp dệt lụa Vạn Phúc. Cho đến thời điểm này đã có trên 200 hộ được giao đất tiến hành xây dựng, nhưng trong quá trình người dân xây dựng có nhiều diện tích không được sử dụng đúng mục đích, xây vượt số tầng được duyệt quy hoạch.

Nhà hàng - quán bia vô tư mọc trên đất vàng

Nhà hàng - quán bia vô tư mọc trên đất "vàng"

Ghi nhận tại Điểm tiểu thủ công nghiệp cho thấy nhiều hộ gia đình nhận giao đất ở các lô bị giới hạn chiều cao gồm: Sản xuất dệt may; Đất sản xuất cơ khí, mộc; Đất chuội nhôm, sản xuất ni lon (chiếm hơn 90% đất Điểm tiểu thủ công nghiệp) xây nhà cao 2-3 tầng, trong khi quy hoạch giới hạn 1 tầng. Những hộ không xây vượt tầng rõ ràng cũng tạo dựng một kiến trúc kỳ lạ nhằm gia tăng diện tích sử dụng lên 1,5 tầng, khiến nhiều người dân trong khu vực đặt dấu hỏi về năng lực quản lý - xử lý của UBND quận Hà Đông, phường Vạn Phúc, cùng các cơ quan quản lý TTXD.

Làm việc với PV báo Dân trí ngày 26/5/2015, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc xác nhận, trên diện tích đất Điểm tiểu thủ công nghiệp có tình trạng các hộ dân xây nhà vượt chiều cao giới hạn trong quy hoạch. Theo giải thích của ông Thủy, xảy ra tình trạng trên có phần nguyên nhân do quy hoạch cũ không còn phù hợp tình hình thực tế, trong khi các hộ dân lại có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất và sinh hoạt. Mặt khác, ông Thủy cho rằng, việc người dân nộp nghĩa vụ tài chính như nhau nhưng không được xây dựng bằng nhau về số tầng cũng khiến việc quản lý phức tạp và khó khăn hơn.

Văn bản đề nghị xét điều chỉnh quy hoạch do UBND phường Vạn Phúc gửi các cơ quan chức năng

Văn bản đề nghị xét điều chỉnh quy hoạch do UBND phường Vạn Phúc gửi các cơ quan chức năng

Được biết, ngày 22/5/2015, UBND phường Vạn Phúc ban hành Công văn số 89/BC-UBND gửi Sở Công thương và UBND quận Hà Đông, đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh lại mục đích sử dụng đất, cho phép nâng số tầng được phép xây dựng tại Điểm tiểu thủ công nghiệp từ 1 lên 3 tầng. Cho đến nay kiến nghị của UBND phường Vạn Phúc chưa được các cấp có thẩm quyền xem xét, đồng nghĩa quy hoạch tỷ lệ 1/500 phê duyệt trước đây vẫn có hiệu lực pháp luật, chính quyền phường Vạn Phúc và cao hơn là UBND quận Hà Đông vẫn chịu trách nhiệm giám sát - quản lý các công trình đúng theo quy hoạch. Để vi phạm TTXD diễn ra tràn lan và công khai suốt thời gian dài, chắc chắn không thể không nhắc đến năng lực quản lý, giám sát, xử lý của các cấp chính quyền.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Ngọc Cương