Bạn đọc viết:

Phản hồi bài viết: Máu nhân đạo cần minh bạch (2)

(Dân trí) - Tôi cũng là người đã từng hiến máu nhiều lần, bản thân cũng đã được bác sĩ tư vấn về cho máu an toàn và nhiều vấn đề xung quanh việc hiến máu và nhận máu, tôi xin trao đổi với bạn Thạch và các bạn như sau:

1.      Về thông tin hiến máu:

Việc thiết lập mạng lưới với tình nguyên viên để họ cung cấp máu cho từng đối tượng trực tiếp là hoàn toàn không nên. Vì việc này sẽ tiết lộ danh tính của người hiến máu và người nhận máu. Trong nhiều trường hợp, thông tin này sẽ tạo ra những bất lợi cho người nhận máu, nhiều khi không chỉ là sự hàm ơn. Hơn nữa, bạn Mai Văn Bằng đã nói rất đúng về quan điểm, thái độ của những người hiến máu nhân đạo “đã hoàn toàn tự nguyện đi HMNĐ thì không bao giờ cần sự hàm ơn  và cũng không bao giờ muốn người nhận nó phải chịu sự hàm ơn. Sự hàm ơn khi nhận máu là một gánh nặng đối với bệnh nhân và chắc chắn nó nặng hơn gánh nặng vật chất rất nhiều”.

Việc hiến máu nhân đạo không chỉ có ở Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều có hoạt động này và tất cả đều tuân thủ nguyên tắc bí mật thông tin về người cho máu và người nhận máu.

Để tri ân những con người có nghĩa cử cao đẹp là hiến máu cứu người không vì bất cứ mục đích vụ lợi nào, hàng năm, trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam đều tổ chức kỷ niệm ngày ‘Thế giới tôn vinh người hiến máu – The World Blood Donor Day’ là ngày 14 tháng 6.

Việt Nam còn có một ngày riêng là “Ngày toàn dân hiến máu” vào 07/4 hàng năm. Các bạn quan tâm đến các hoạt động và ý nghhĩa của các ngày này có thể gõ từ khóa trên và tìm kiếm thông tin trên Google để cùng tích cực hưởng ứng.

2.      Việc tại sao người bệnh phải mua máu?

Bạn Nguyễn Quang Thạch đưa ra ví dụ ở bệnh viện Thái Bình chuyện chồng bệnh nhân có cùng nhóm máu với vợ nhưng phải tuân theo thủ tục “chồng nó phải ký vào giấy bán máu cho bệnh viện rồi vợ lại phải mua lại máu đó’ và cho rằng “Nghịch lý này có  lẽ không chỉ ở một bệnh viện và chính nghịch lý này sẽ là yếu tố tiêu cực ít nhất sẽ ngăn chặn những người trực tiếp được nghe câu chuyện này đến bệnh viện hiến máu. Cuối cùng, người không được hưởng lợi là bệnh nhân. Biết đâu, bệnh nhân đó lại là họ anhh em họ hàng chúng ta”…

Tôi nghĩ, bạn Thạch - cũng như nhiều người khác - đã chưa thực sự hiểu về qui trình từ khi máu được rút ra khỏi cơ thể người cho, cho đến khi nó được truyền cho người bệnh cần nhận  máu:

Máu của bất cứ người cho nào cũng chỉ là một loại “nguyên liệu thô” đầu vào của cả một qui trình “sản xuất” phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao với những xét nghiệm nghiêm ngặt để có được túi máu an toàn trước khi truyền cho người bệnh.

“Nguyên liệu thô” đó cũng cần túi đặc chủng để chứa đựng, trải qua rất nhiều các qui trình xét nghiệm để sàng lọc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường truyền máu, được bảo quản trong những điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt vì máu là sinh phẩm, rất dễ bị nhiễm khuẩn và dễ bị phân hủy.

Rồi trước khi truyền cho bệnh nhân cần rất nhiều các xét nghiệm để đảm bảo sự hòa hợp giữa nhóm máu của người cho và người nhận… tránh các phản ứng bất lợi cho quá trình điều trị…

Máu của người chồng có thể cùng nhóm với vợ, nhưng để truyền được cho vợ cần qua rất nhiều qui trình xét nghiệm (là qui định bắt buộc) và cần có thời gian. Hơn nữa có thể cùng nhóm nhưng máu của chồng có thể chứa các kháng thể bất thường không có lợi đối với vợ nên cũng không thể truyền cho vợ mình… Nếu người vợ đang cần truyền máu mà chờ đến khi túi máu của người chồng đã qua đủ các xét nghiệm cần thiết thì có thể nguy hiểm đến tính mạng của vợ rồi…

Mẹ tôi đã từng nằm viện chờ phẫu thuật, bác sĩ cũng đã tiên lượng có khả năng cần truyền máu và thông báo cho người nhà để chuẩn bị. Mẹ tôi cũng từng có mong muốn được truyền máu do chính các con mình hiến chứ không dùng máu ở ngân hàng máu của bệnh viện vì “đằng nào các con cũng hiến máu nên mẹ muốn được truyền máu của con mình cho yên tâm, máu của người khác - chẳng biết có an toàn không?”. Và tôi cũng đã phải giải thích để thuyết phục mẹ yên tâm dùng máu của bệnh viện - của một người hiến máu vô danh nhân nghĩa nào đó - đã qua các xét nghiệm để đảm bảo an toàn, còn máu của chúng tôi, có thể lại hữu ích cho các bệnh nhân khác.

Trường hợp chúng tôi hiến máu theo hình thức tình nguyện, không nhận tiền bồi dưỡng nhưng chúng tôi hiểu vẫn cần phải trả tiền cho túi máu mà bệnh viện đã truyền cho mẹ mình vì đã được giải thích về qui trình cho và nhận máu.

Việc nhiều người như bạn Thạch còn thắc mắc về việc tại sao có nhiều người hiến máu nhân đạo nhưng người bệnh vẫn phải trả tiền khi được truyền máu… thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần tuyên truyền nhiều hơn, các bệnh viện cần có biện pháp hợp lý để giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để tránh các thắc mắc và hiểu lầm trên.

Có thể thiết kế, lắp đặt các pano, dán các áp-phích mô tả qui trình này tại các địa điểm phù hợp trong bệnh viện, các ngân hàng máu, các địa điểm thu gom máu, bao gồm các thông tin này trong các tờ rơi kêu gọi hiến máu, cung cấp đầy đủ thông tin cho các tuyên truyền viên để giúp người dân hiểu rõ và ủng hộ phong trào hiến máu tình nguyện nhiều hơn.

Nhiều bạn còn thắc mắc về việc ở một số quốc gia khác, người bệnh cần truyền máu được nhận máu hoàn toàn miễn phí dù rằng máu ở các nước đó, trước khi truyền cho bệnh nhân, cũng phải qua các qui trình xét nghiệm rất tốn kém, chi phí rất cao nên phong trào hiến máu nhân đạo ở các quốc gia đó rất phát triển…

Có lẽ bạn quên mất một điều là việc này không phụ thuộc vào các bệnh viện, các ngân hàng máu mà phải dựa trên điều kiện kinh tế và quĩ phúc lợi xã hội dành cho y tế của mỗi quốc gia mà người bệnh khi điều trị sẽ được miễn phí hoàn toàn hay miễn một phần viện phí và miễn những gì.

Chi phí mà bệnh nhân phải chi trả cho mỗi túi máu được truyền hiện nay ở Việt Nam cũng mới chỉ là một phần chi phí để có được một đơn vị máu an toàn, một phần còn lại đã được trả từ quĩ phúc lợi xã hội dành cho y tế.

Điều kiện kinh tế của chúng ta chưa đủ để miễn phí hoàn toàn với mọi loại dịch vụ y tế dành cho người dân. Nhưng Nhà nước, Chính phủ cũng đã rất cố gắng và cũng cần có sự đóng góp của người dân để cùng chi trả và như bạn Mai Văn Bằng viết “Đó cũng là thể hiện tính ưu việt trong chính sách y tế của nhà nước: Người bệnh chỉ phải trả một phần chi phí y tế mà thôi”.

3. Có hay không sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trong việc được truyền máu khi cần điều trị?

Về việc này tôi hoàn toàn đồng ý với bạn Mai Văn Bằng và xin nói thêm: Máu là loại dược phẩm đặc biệt, mà đã là dược phẩm, là thuốc để điều trị thì chỉ có thể dùng khi thực sự cần thiết và phải dùng theo sự chỉ định của bác sĩ bởi truyền máu, ngoài tác dụng chữa bệnh, thì cũng như bất cứ loại thuốc nào đều có thể có những tác dụng phụ, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng lây qua đường truyền máu.

Không quốc gia nào có thể đảm bảo các đơn vị máu sử dụng truyền cho bệnh nhân là 100% an toàn bởi vì dù có áp dụng các xét nghiệm tiên tiến nhất, thì vẫn có những tác nhân nhiễm trùng không phát hiện được vì đang nằm trong giai đoạn “cửa sổ”.

Chính vì vậy mà chính các bác sĩ cũng hạn chế tối đa việc chỉ định truyền máu cho bệnh nhân khi còn có thể áp dụng các biện pháp điều trị thay thế khác. Đôi khi người bệnh không hiểu, cứ nghĩ thay cho bác sĩ là mình cần truyền máu và khi không được chỉ định lại tự kết luận là do mình nghèo, mình bị đối xử bất bình đẳng.

4. Đối với quan điểm “nếu… người nghèo được ưu đãi từ nguồn máu hiến tặng thì số người cho máu sẽ nhiều hơn”.

Đây là quan điểm xuất phát từ lòng nhân ái dành cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Tuy nhiên nó cũng thể hiện sự phiến diện, thiếu sự hiểu biết toàn cảnh trong quan điểm này: Người nghèo cần được xã hội và mọi người quan tâm giúp đỡ trên nhiều phương diện.

Ngay trong chính sách về chăm sóc y tế, người nghèo cũng cần quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ điều trị ở nhiều căn bệnh mà họ mắc phải, không chỉ mỗi các bệnh về máu hoặc các bệnh cần truyền máu. Đã có Sổ bảo hiểm y tế trích từ Quĩ vì người nghèo cấp cho người nghèo để họ được bảo hiểm chi trả khi điều trị trong đó có cả điều trị bằng truyền máu.

Như trên đã nói, bảo hiểm chi trả ở mức nào cho các căn bệnh nào là chính sách áp dụng chung, không thể chỉ áp dụng riêng cho truyền máu.

Những hiểu biết phiến diện trên có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào hiến máu nhân đạo, làm gia tăng tình trạng khan hiếm máu và càng làm khó khăn hơn cho ngành y tế, cho các bệnh viện và cho chính những người bệnh cần có nguồn máu an toàn và đầy đủ.

5. Việc thành lập một cách tự phát các “ngân hàng máu di động” của một số tình nguyện viên:

“Ngân hàng máu sống” hay nhiều người gọi nôm na “ngân hàng máu di động” là một khái niệm chỉ nhóm người đã được xét nghiệm máu có kết quả an toàn, đủ điều kiện hiến máu, đã được lưu hồ sơ với đầy đủ thông tin về người hiến máu tại các ngân hàng máu hoặc các khoa truyền máu của các bệnh viện lớn có thu gom máu.

Những người này vẫn thường xuyên hiến máu, được xét nghiệm định kỳ để đảm bảo máu của họ là an toàn đối với người nhận và đăng ký sẵn sàng hiến máu khi cần thiết. Hoạt động này đã được thực hiện nhiều nước trên thế giới và đang phát triển tại Việt Nam.

Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa đối với việc dự phòng cho các thảm họa bất thường và vô cùng hữu ích với những người có nhóm máu hiếm (chỉ nhận được từ người cho có cùng nhóm máu hiếm đó).

Do là sinh phẩm, nên máu sau khi rút ra khỏi cơ thể người chỉ có một khoảng thời gian sống nhất định tùy theo thành phần máu. Nếu ngân hàng máu trữ quá nhiều hoặc trữ các đơn vị có nhóm máu hiếm, không sử dụng hết trong khoảng “lifetime - thời gian sống” của máu, máu sẽ không sử dụng được và phải bị hủy, gây tốn kém tiền của và lãng phí nguồn máu quý báu.

Chính vì vậy, giải pháp lập các ‘ngân hàng máu sống’ là một giải pháp ưu việt để giải quyết tình trạng trên. Đặc biệt những người có nhóm máu hiếm khi cần truyền máu, ngân hàng máu sẽ căn cứ vào thông tin lưu trữ để tìm được người cho phù hợp và an toàn.  

Việc một số tình nguyện viên tự lập các “ngân hàng máu di động” để “ủng hộ trực tiếp cho nạn nhân khi được bạn bè hay người thân liên lạc” như trong bài viết của bạn Nguyễn Quang Thạch có nhiều mặt tích cực, đáng khen ngợi về tinh thần nhân đạo.

Hoạt động này cũng góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm máu cục bộ tại một số bệnh viện vào một số thời điểm trong năm nhưng cũng có nhiều mặt trái cần lưu ý:

(i)                 Việc lập ‘ngân hàng máu di động’ một cách tự phát với phương thức hoạt động như vậy sẽ không đảm bảo được “bí mật thông tin” giữa người cho và người nhận là một nguyên tắc đạo đức cần tuân thủ trong hiến máu nhân đạo và truyền máu;

(ii)               (ii) ‘Ngân hàng máu di động’ tự phát này không giải quyết được việc người nghèo được nhận máu miễn phí – máu của họ vẫn chỉ là “nguyên liệu thô” và bệnh viện vẫn phải tuân thủ các qui trình xét nghiệm trước truyền máu và người bệnh vẫn phải chi trả (một phần theo qui định) cho các xét nghiệm này;

(iii)             việc hiến máu tình nguyện, phong trào hiến máu nhân đạo cần một tiếng nói chung, một ngọn cờ chung, một tinh thần đoàn kết chung thì mới tạo ra đủ sức mạnh đi đến thắng lợi. Các bạn tình nguyện viên đã có tấm lòng cao cả, xin hãy phối hợp cùng với các cơ quan chuyên môn, có chức năng để việc làm của mình phát huy được tối đa tác dụng và thực sự hữu ích vì cộng đồng, vì mục tiêu chung.  Những hoạt động tự phát, nhỏ lẻ dù với tinh thần tốt xuất phát từ lòng nhân ái nhưng có những hiểu biết phiến diện sẽ có thể gây ra những tác động tiêu cực đến phong trào chung do sự thể hiện thiếu niềm tin vào chủ trương, chính sách chung; chưa kể, nhiều người cho máu chuyên nghiệp (bán máu) là những người có nhiều nguy cơ về an toàn máu có thể nhân danh hình thức này để hoạt động.

 

Trên đây là một số hiểu biết và chia sẻ của tôi với các bạn về các vấn đề liên quan đến hiến máu nhân đạo, đặc biệt là vấn đề chi phí cho truyền máu của bệnh nhân nói chung và người nghèo nói riêng đã làm ảnh hưởng đến phòng trào hiến máu cũng như một số hoạt động tự phát của các tình nguyện viên. Hiểu biết của tôi có thể còn hạn chế, rất mong được lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn và các cơ quan có chức năng về vận động hiến máu nhân đạo và các bạn đọc khác.

Hy vọng càng ngày có càng nhiều người, nhiều thành phần xã hội hiểu biết và hiểu đúng hơn về hiến máu nhân đạo, nhiều cơ quan đoàn thể cùng tham gia hiến máu nhân đạo và vận động hiến máu tình nguyện, để bệnh viện và bệnh nhân không còn phải khổ vì thiếu máu cho điều trị.

Nguyễn Phương Lan - Hà Nội

Dòng sự kiện: Hiến máu nhân đạo