Phải thận trọng trong việc đánh giá người Thầy

(Dân trí) - Nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, nền giáo dục phải đổi mới toàn diện từ chương trình, sách giáo khoa, trang thiết bị, phương pháp, nhất là việc nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất cần thiết của người Thầy.

Những ngày qua, trên diễn đàn Dân trí đã có khá nhiều các bài viết, trao đổi của các thầy giáo, cô giáo trong nước và các giáo sư Việt kiều  bàn luận và chia sẽ về những quan điểm, thái độ, cách nhìn nhận của mình về việc tổ chức cho“Trò chấm điểm Thầy”.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trước hết, là người trong ngành, tôi thực sự hoan nghênh và đồng tình với những quan điểm, cách phân tích, lí giải của nhiều tác giả đã phân tích, đánh giá  những ưu điểm, những lợi ích cũng như hạn chế, khó khăn, thậm chí những sai lầm có thể mắc phải khi triển khai vội vã chủ trương này. Với kinh nghiệm bản thân, gần 10 năm gắn bó với nghiệp “trồng người”, và cũng chừng ấy năm được làm công tác chủ nhiệm, có điều kiện gần gũi với các em học sinh, chứng kiến và lắng nghe nhiều tâm tư, tình cảm, chia sẽ của nhiều thế hệ học sinh về thầy cô giáo đã từng tham gia giảng dạy mình, chúng tôi nhận thấy rằng, chủ trương này là hết sức cần thiết để đảm bảo được tính khách quan cho hoạt động dạy – học, nhưng cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp để chủ trương đó không  xẩy ra “Tác dụng phụ” của nó, tránh những hiệu ứng bất thường gây hại cho mối quan hệ Thầy-Trò, đặc biệt là vấn đề danh dự, uy tín cho nhà giáo, không để cho tinh thần “tôn sự trọng đạo, một chữ cũng là thầy, nửa chử cũng là thầy”  bị biến dạng, méo mó, bởi nếu có sự sai sót thì cực kỳ tai hại.

 

Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” xưa nay ở nước ta, chỉ có Thầy (cô) đánh giá chấm điểm trò, còn việc đánh giá, chấm điểm thầy cô thì đã có Hội đồng sư phạm, qua thăm lớp dự giờ, qua thao giảng, qua các Hội thi giáo viên giỏi các cấp, mỗi thầy cô giáo đều được bạn bè, đồng nghiệp nhận xét, đánh giá tỉ mỉ từng khâu từng mục theo phiếu đánh giá giờ dạy. Cuối mối học kỳ, mỗi năm học, hội đồng nhà trường cũng đã thực hiện việc đánh giá xếp loại cán bộ giáo viên, đây là công việc thường niên. Còn việc Trò đánh giá, “chấm điểm” thầy thì việc làm này chưa có tiền lệ, vì thế chúng ta phải hết sức thận trọng. Một quyết định có thể thay đổi nhiều điều, với nhiều những tác động khó lường trước.

 

Thực tế, trước khi viết bài gửi cho diễn đàn Dân trí, để tham khảo ý kiến cũng như nắm bắt tình cảm và tâm tư nguyện vọng của các em HS, bản thân tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ bằng việc phát phiếu thăm dò, với quy mô gần 650 học sinh khối lớp 12 mà tôi trực tiếp giảng dạy (Tôi dạy 13 lớp 12), thì  điều làm tôi không khỏi bất ngờ là có đến  gần 90% số học sinh đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT bởi các em lí giải rằng: Nếu Trò chấm điểm Thầy, có nghĩa là dân chủ hóa trong trường học ngày càng được quan tâm mở rộng, làm cho người dạy và người học ngày càng có “quyền bình đẳng”. Đồng thời cũng nhiều ý kiến các em mạnh dạn cho rằng, việc tạo điều kiện cho học sinh đánh giá chấm điểm thầy còn đem lại những lợi ích nhất định như: Thầy (cô) sẽ nhận ra được những ưu và khuyết điểm của mình trong từng tiết dạy, từng bài dạy, trong lời ăn tiếng nói, trong cách ứng xử, trong giao tiếp hằng ngày, qua đó Thầy (cô) sẽ có điều kiện để phát huy những mặt mạnh, những ưu thế, những sở trường của mình có cơ hội trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tự học tập tu dưỡng và nâng cao sự giác ngộ, phấn đấu nhiều hơn để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, qua đó nhà giáo cũng rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế khiếm khuyết của bản thân, làm cho mình ngày càng hoàn thiện mình hơn, mẫu mực hơn, “chín” hơn cả về phương pháp, kiến thức, kỷ năng, cách ứng xử, lối sống, đạo đức  và nghiệp vụ sư phạm…bởi cha ông ta thường vẫn nói “Cột đèn thường tối chân”.  Và vì thế đây cũng là một khâu quan trọng để thực hiện Chỉ thị 40, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cũng từ nhận xét, “chấm điểm”, đánh giá của Trò, thì đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để giúp các nhà quản lí giáo dục, Ban giám hiệu các nhà trường có cái nhìn đa chiều, chính xác hơn về đội ngũ  cán bộ giáo viên của đơn vị mình, qua đó kịp thời uốn nắn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên, để “Mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng về tự học và sáng tạo”.

 

Tuy nhiên, bên cạnh việc đồng tình với chủ trương này, nhiều em còn tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, dù việc làm này đưa lại nhiều lợi ích, nhưng nó cũng sẽ để lại những “hạn chế” khó tránh khỏi như: học sinh sẽ đánh giá Thầy (cô) rơi vào ý thức cảm tính, chủ quan nhiều hơn, thậm chí, sẽ có những học sinh lợi dụng cơ hội này để đã kích, nói xấu thầy (cô), đánh giá sai lệch là điều có thể lường trước.Ví dụ: một Thầy nào đó dễ giãi, xuê xoa với học sinh, thậm chí chấm điểm “thoáng” hơn cho học sinh(Ý kiến của thầy Bùi Minh Tuấn)biết đâu lại giành được nhiều tình cảm, và ngược lại Thầy nghiêm khắc “thái quá” với học sinh (Ý kiến của thầy giáo Trần Quang Đại) sẽ nhận được những sự đánh giá, chấm điểm “rắn” hơn từ người học. Nhưng đó cũng chỉ là thiểu số của một vài cá nhân.

 

Thiết nghĩ, việc Bộ GD&ĐT có chủ trương này để thực hiện dân chủ hóa trong trường học là điều cần thiết, nhưng phải có lộ trình, có những quy định cụ thể, chi tiết, đồng thời có những văn bản hướng  các tiêu chí đánh giá rõ ràng, chính xác, khoa học, làm sao cho HSSV thấu hiểu được rằng chủ trương này là để góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà chứ không đơn thuần là “chấm điểm”, là “Trò đánh giá Thầy” theo kiểu “Cá  mè một lứa”! Chính điều này sẽ góp phần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về phẩm chất, năng lực của đội ngũ giáo viên.

 

Vậy nên, theo chúng tôi, chủ trương này chưa nên áp dụng một cách phổ biến. rộng rãi ngay mà cần làm thí điểm ban đầu ở một số địa chỉ, như có thể lựa chọn một số trường có chất lượng giáo dục cao và một số trường có chất lượng giáo dục thấp để tiến hành làm thí điểm, sau đó các Bộ, ban, ngành đơn vị liên quan sẽ thu thập và xử lí thông tin, để kiểm tra tính trung thực của vấn đề, sau đó nếu thực sự hữu ích mới áp dụng đại trà cũng chưa muộn!

 

 Phan Anh Tú

                                             Trường THPT Hà Huy Tập, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Nhiều ý kiến tham gia thảo luận về chủ đề này, kể cả ý kiến  của các Thầy Cô giáo đang giảng dạy ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đều khẳng định việc tổ chức cho trò đánh giá Thầy là cần thiết và nên làm, vì điều đó không chỉ có ý nghĩa “dân chủ hóa giáo dục” mà còn là một kênh thông tin rất quan trọng được phản hồi từ đối tượng được trực tiếp thụ hưởng sự giáo dục, dạy bảo của Thầy Cô giáo.

 

Tuy nhiên, việc đánh giá đó muốn thu được kết quả tốt và không gây ra những phản tác dụng thì phải hết sức thận trọng và có bước đi phù hợp với tình hình thực tế. Cho nên cũng như tác giả viết bài trên đây, rất nhiều ý kiến đóng góp khác, kể cả Giáo sư kiều bào ở nước ngoài đều khuyên chúng ta nên tổ chức làm thí điểm ở một số đại học trước, sau đó rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng việc thực hiện. Hơn nữa việc tổ chức cho “Trò đánh giá Thầy” cũng chỉ là một kênh thông tin cần thiết chứ không thay thế những cách đánh giá và xếp loại giáo viên đã được áp dụng phổ biến từ trước đến nay.