Phải chấn chỉnh thái độ nhân viên xe buýt

“Văn hóa xe buýt” là câu chuyện đụng chạm đến nhiều người, cần được quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của thủ đô.

1. Tôi hoan nghênh Diễn đàn Dân trí đã tổ chức trao đổi ý kiến về “văn hóa xe buýt” và đồng tình với ý kiến của anh Bui Hoang Hai trong bài viết Rầu lòng về “văn hóa xe buýt”. Đây là câu chuyện đụng chạm đến nhiều người, cần được quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của thủ đô.

Sống trong những đô thị lớn, hầu như chúng ta đã quen thuộc với những chiếc xe buýt chật ních người, không có điều hòa nhiệt độ và thiếu nhiều thiết bị an toàn nhưng hầu như vẫn thi nhau lao vun vút trên đường. Tại thủ đô Hà Nội đã xảy ra không ít tai nạn giao thông do xe buýt gây nên.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chúng ta không phủ nhận tiện ích của loại phương tiện giao thông công cộng này, nhưng cũng phải buồn lòng mà thừa nhận rằng có một bộ phận không nhỏ những người lái và phụ xe buýt thể hiện những thái độ và cung cách ứng xử không thể chấp nhận được đối với hành khách đi xe cũng như những người tham gia giao thông trên đường bằng những phương tiện khác. Bản thân tôi đã nhiều lần phải chứng kiến những cách ứng xử thô bạo và những lời nói tục tĩu, không tiện nhắc lại trong bài viết này. Điều đó đã làm cho nhiều hành khách đi xe buýt cũng như những người đi đường phải bất bình.

Một lần tôi đi tuyến xe buýt 02 (Ba La - Bác Cổ), lúc đó đã chiều tối, tôi rất mừng khi gặp được chuyến xe này để đi về Hà Đông. Cánh cửa xe vừa mở, tôi vừa đặt được một chân lên, chưa kịp đứng vững, thì lái xe đã nhấn ga lao đi làm tôi ngã bổ nhào. Không hề tỏ một thái độ áy náy mà ngược lại người lái và phụ xe còn nhìn tôi cười riễu cợt, khinh bỉ. Và trên tuyến xe này, tôi nhận ra mình không phải là một trường hợp ngoại lệ, mà nhiều người lên xe sau tôi cũng phải chịu cảnh ngộ tương tự.

Những chếc xe buýt cứ lao đi rượt đuổi nhau vun vút trong thành phố; chiếc xe tôi đi là chuyến cuối cùng rời khỏi bến Bác Cổ nhưng khi đến Ngã Tư Sở, nó đã vượt lên trước 3 chiếc xe số 02 rời bến trước nó.

Trên chặng đường dài, tôi thường xuyên phải nghe những lời nói xúc phạm và chứng kiến những cử chỉ lỗ mãng của lái và phụ xe đối với hành khách, không bao giờ thấy họ giúp đỡ người già hay phụ nữ mang bầu. Nếu có hành khách tỏ thái độ phản ứng thì liền bị đốp chát bằng những lời lẽ vô văn hóa, “cả vú lấp miệng em”, không cần phân biệt phải trái.

Khi đi qua khu vực đông người, chiếc xe buýt cũng không hề giảm tốc độ, đã va vào một người đi xe máy cùng chiều trên đường, làm cho chiếc xe bị đổ nhưng may người lái xe chỉ bị đau cố gắng gượng bò dạy. Thấy cảnh đó, người phụ xe không hề xuống đường giúp đỡ người bị đổ xe mà còn xổ ra những lời mắng nhiếc thậm tệ người lái xe, bảo anh ta là đồ ngu, lái xe kiểu như vậy thì có mất mạng còn làm cho người khác bị vạ lây!

Câu chuyện tôi kể ra trên đây có thể nói là xảy ra như “cơm bữa” đối với những chuyến xe buýt. Đáng tiếc là thái độ phục vụ và cách ứng xử vô văn hóa của không ít lái xe và phụ xe không được cơ quản lý uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới ngày kỷ niệm lớn 1.000 năm Thăng Long của thủ đô vốn có truyền thống văn hiến, và Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội cho tương xứng với tầm vóc phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Chúng tôi thiết nghĩ cơ quan trực tiếp quản lý hệ thống xe buýt của Hà Nội cần quan tâm chấn chỉnh thái độ phục vụ của những người lái xe và phụ xe, cần có những chế tài xử phạt đủ sức răn đe, chấm dứt thái độ cửa quyền vô trách nhiệm của họ. Cần loại bỏ những “dân anh chị” ra khỏi đội ngũ làm dịch vụ công cộng tiếp xúc hằng ngày hằng giờ với đông đảo nhân dân như những người lái xe và phụ xe trên những tuyến xe buýt công cộng. Chỉ có như vậy mới kế thừa và phát huy được truyền thống ứng xử thanh lịch và ngày càng văn minh hơn của thủ đô ngàn năm văn hiến.

2. Tôi cũng là một hành khách thường xuyên của nhiều tuyến xe buýt và phải chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt, điển hình là tuyến xe 22, có những lái xe rất coi thường hành khách, thường xuyên bỏ bến, có khi ba xe đi qua đều không đón khách, làm nhỡ hết công việc của hành khách chờ xe. Cụ thể là sáng ngày 29/5, tại bến đỗ xe gần chỗ rẽ vào đường Khuất Duy Tiến, tôi còn nhớ một trong những xe đã bỏ bến mang biển số 29T-8583. Một điều nữa cũng cần góp ý, hầu hết các tuyến xe 22 hiện nay không cho bật điều hòa nhiệt độ, kể cả những hôm trời rất nóng bức.

Qua Diễn đàn Dân trí, chúng tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm quản lý các tuyến xe buýt của Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến những điều nhân dân đã phản ánh, kịp thời uốn nắn thái độ không đúng và nâng cao tinh thần phục vụ hành khách của đội ngũ nhân viên xe buýt.

Chúng tôi tin rằng nếu cơ quản lý sâu sát tình hình thực tế, tổ chức thanh tra, kiểm tra bất thường thì rất dễ phát hiện những điều sai trái của lái xe, phụ xe như chúng tôi đã phản ánh. Qua đó, có biện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe và làm gương. Nếu làm quyết liệt như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được những tuyến xe buýt kiểu mẫu, nêu gương văn minh, lịch sự của thủ đô ta.

2. Tôi cũng là một hành khách thường xuyên của nhiều tuyến xe buýt và phải chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt, điển hình là tuyến xe 22, có những lái xe rất coi thường hành khách, thường xuyên bỏ bến, có khi ba xe đi qua đều không đón khách, làm nhỡ hết công việc của hành khách chờ xe. Cụ thể là sáng ngày 29/5, tại bến đỗ xe gần chỗ rẽ vào đường Khuất Duy Tiến, tôi còn nhớ một trong những xe đã bỏ bến mang biển số 29T-8583. Một điều nữa cũng cần góp ý, hầu hết các tuyến xe 22 hiện nay không cho bật điều hòa nhiệt độ, kể cả những hôm trời rất nóng bức.

Qua Diễn đàn Dân trí, chúng tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm quản lý các tuyến xe buýt của Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến những điều nhân dân đã phản ánh, kịp thời uốn nắn thái độ không đúng và nâng cao tinh thần phục vụ hành khách của đội ngũ nhân viên xe buýt.

Chúng tôi tin rằng nếu cơ quản lý sâu sát tình hình thực tế, tổ chức thanh tra, kiểm tra bất thường thì rất dễ phát hiện những điều sai trái của lái xe, phụ xe như chúng tôi đã phản ánh. Qua đó, có biện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe và làm gương. Nếu làm quyết liệt như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được những tuyến xe buýt kiểu mẫu, nêu gương văn minh, lịch sự của thủ đô ta.

3. Tôi hoan nghênh những ý kiến tham gia trao đổi về “văn hóa xe buýt”. Riêng tôi thì có nhận định: Xe buýt đã không có văn hóa từ rất lâu rồi và những mẩu chuyện được nêu ra đây còn chưa là gì so với thực tế tôi đã chứng kiến.

Tôi đã từng có gần 5 năm đi lại bằng xe buyt và trong 5 năm đó tôi thuộc lòng hết những tuyến xe trong nội thành Hà Nội nhưng tôi chỉ thấy được 1 người phụ xe thực sự tốt bụng trên tuyến xe 01 từ Hà Đông đi Long Biên. Đó là trường hợp rất hiếm mà trong quãng thời gian dài tôi gặp. Còn lại những chuyện như chửi khách không ra gì, dọa đánh khách kể cả người già hay trẻ em, phụ nữ là chuyện xảy ra thường xuyên mà ngày nào đi tôi cũng gặp và vô số những cử chỉ, lời nói vô văn hóa của cả lái xe và phụ xe mà tôi không muốn nhớ và nhắc đến nữa! Không biết được là tình trạng này có chấm dứt được hay không !?

LTS Dân trí - Trên đây chỉ là ba trong số nhiều ý kiến gửi đến tham gia thảo luận về chủ đề “văn hóa xe buýt”. Nhớ lại những ngày đầu có xe buýt trên các tuyến đường của Hà Nội, nhiều người đã thấy mừng vì nền nếp và thái độ xử sự văn minh, lịch sự của những lái xe, phụ xe. Trên xe nào cũng treo bản nội quy đi xe ở phía trước và người phụ xe luôn nhắc nhở mọi người chấp hành nội quy. Khi thấy người già hoặc phụ nữ mang bầu lên xe, nhiều thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên đều tự giác đứng lên nhường chỗ.

Tiếc rằng nền nếp văn hóa của xe buýt đã mất công phu xây dựng trong những ngày đầu thì đến nay hầu như đã sa sút trông thấy và mai một. Người có lỗi trực tiếp trong công việc này đương nhiên là những nhân viên xe buýt. Nhưng nếu nhìn sâu xa hơn là lỗi ở người quản lý hệ thống xe buýt, không có giám sát kiểm tra, nhắc nhở kịp thời; người làm tốt không được khen thưởng, người làm dở không bị xử phạt thích đáng. Phải chăng vì thế mà nhân tố mới dần lụi tàn còn thói hư, tật xấu, tưởng như là “cố tật” của “dân anh chị” lái xe-phụ xe lại có cơ hội phát triển ở ngay trên mảnh đất được tiếng là “…dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm