Phá thai ngoài ý muốn cũng có thể được hưởng chế độ thai sản?
Mọi trường hợp phá thai đều có thể được hưởng chế độ thai sản, thu hẹp phạm vi thân nhân được hưởng trợ cấp tuất..., là những đề xuất quan trọng tại Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội.
Theo Điều 57 Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, khi đình chỉ thai nghén, lao động nữ sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Thời gian nghỉ được quy định như sau: Tối đa 10 ngày với thai dưới 5 tuần tuổi; Tối đa 20 ngày với thai từ 5-dưới 13 tuần tuổi; Tối đa 40 ngày với thai từ 13-dưới 22 tuần tuổi.
Trong đó, đình chỉ thai nghén là một thuật ngữ y học chỉ việc sử dụng các biện pháp can thiệp y tế nhằm chấm dứt sự phát triển của thai nhi, còn được hiểu đơn giản là trường hợp phá thai.
Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ giải quyết chế độ cho người lao động sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì mới được hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, nếu quy định này được thông qua, ngay cả khi lao động nữ phá thai ngoài ý muốn thì người này vẫn có thể được giải quyết hưởng chế độ thai sản.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội còn bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu. Theo Khoản 2 Điều 3 dự thảo, trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng khác.
Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác sẽ được nhận chế độ trợ cấp hưu trí xã hội với các quyền lợi sau: Trợ cấp hằng tháng = 500.000 đồng/người/tháng; Cấp thẻ bảo hiểm y tế; Người lo mai táng được trợ cấp 1 lần = 10 triệu đồng.
Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
Người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên mà làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương bằng hoặc cao hơn 2 triệu đồng; Chủ hộ kinh doanh;
Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Đặc biệt, Dự thảo đã bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày. Thay vào đó, Điều 47 quy định, thời gian nghỉ chế độ ốm đau của người lao động đều được xác định thời gian đóng bảo hiểm và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì.
Ngoài ra, Dự thảo còn thu hẹp phạm vi thân nhân được hưởng trợ cấp tuất. Theo đó, khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không may qua đời, trợ cấp tuất chỉ được chi trả cho những thân nhân sau đây nếu họ đáp ứng đủ điều kiện quy định: Con của người lao động; Vợ/chồng của người lao động; Cha, mẹ đẻ, cha mẹ của vợ/chồng của người lao động.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, những thân nhân là thành viên khác trong gia đình mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có nghĩa vụ nuôi dưỡng vẫn đang được chi trả trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hằng tháng (tùy trường hợp).
Như vậy, nếu quy định trên được thông qua, những người thân là người mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng sẽ không còn được hưởng trợ cấp tuất khi người lao động chết.