Phá cửa cưỡng chế dân test Covid-19: Dùng cái sai này xử lý cái sai khác?
(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng, trường hợp này chính quyền cần xử lý linh hoạt hơn, nếu người này không muốn xét nghiệm tập trung thì có thể cho phép được tự xét nghiệm tại nhà.
Như Dân trí đã thông tin, tối 28/9, đoạn clip ghi lại nội dung một đoàn công tác gồm lực lượng Cảnh sát cơ động, dân phòng, cùng một số người mặc thường phục đứng trước cửa căn hộ ở chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Một người tiến hành mở khóa căn hộ, sau đó nhóm lực lượng đưa người phụ nữ bên trong nhà ra ngoài test nhanh Covid-19.
Sáng cùng ngày, khu vực tòa nhà B - nơi người phụ nữ ở, phát hiện hai ca dương tính nên ban quản lý nhiều lần vận động người này ra lấy mẫu nhưng không được.
Lúc này, đoàn tuần tra việc thực hiện phòng chống dịch phường Vĩnh Phú gồm cảnh sát khu vực, cán bộ y tế và lãnh đạo phường đi kiểm tra gần đó đã đến vận động. Tuy nhiên, sau 15 phút người phụ nữ vẫn khóa cửa, không chịu ra ngoài xét nghiệm. Ở hai lần lấy mẫu trước, người phụ nữ cũng không xét nghiệm. Lo ngại đến sức khỏe và công tác chống dịch chung của toàn bộ hộ dân, lực lượng chức năng đã cho người phá cửa vào cưỡng chế.
Sau khi người phụ nữ có kết quả xét nghiệm âm tính, UBND phường Vĩnh Phú đã lập biên bản hành chính với người này về vi phạm quy định về phòng, chống Covid-19.
Việc lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ, cưỡng chế dân lấy mẫu có đúng quy định pháp luật hay không đã nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều từ phía người dân.
Không nên nhưng không thể không làm?
Gửi ý kiến bình luận về Dân trí, bạn đọc Hải Yến cho rằng cưỡng chế như vậy là không nên nhưng không thể không làm vì người phụ nữ này quá bướng bỉnh, ngoan cố, không hợp tác, đã 2 lần trước đều không chịu xét nghiệm: "Cô ấy ở nhà không có nghĩa là không tiếp xúc với ai, chẳng lẽ chưa bao giờ mua hàng hóa thực phẩm sao? Ít nhất là cũng phải tiếp xúc với người giao hàng (là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao vì đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người).
Đã có nhiều trường hợp ở suốt trong nhà nhưng khi xét nghiệm bị dương tính rồi. Nếu chẳng may cô ấy dương tính thì rất nhiều khả năng virus sẽ có trong rác thải sinh hoạt cô ấy bỏ ra hàng ngày, trong khoảng không gian hành lang từ căn hộ cô ấy đến khu vực chứa rác thải công cộng. Và khi virus đã phát tán ra không gian bên ngoài thì dĩ nhiên có khả năng lây lan (nhân viên vệ sinh, nhân viên thu gom rác thải, những người sống cùng tầng...)".
Bạn đọc Nguyen Ngoc Huy ủng hộ quyết định của ban lãnh đạo phường, bởi: "Nếu để lọt người mắc Covid-19 trong cộng đồng sẽ rất nguy hiểm. Không thể chỉ vì một cá nhân ích kỷ mà làm cho bao nhiêu người điêu đứng được. Là giáo viên mà không ý thức được sự việc ảnh hưởng đến xã hội thì tôi cho rằng ý thức quá kém".
"Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện tại, tôi đồng ý với cách làm của chính quyền địa phương, chỉ cần nhẹ nhàng với người có ý thức, còn chây ỳ coi thường sức khỏe, mạng sống của gia đình và xã hội như thế này không có gì phải thắc mắc cả. Như vậy chị L. đã cố tình không chấp hành quy định phòng chống dịch, mà một người đã cố tình thì việc làm của phường là đúng vì bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như chính gia đình chị L. Còn việc trước mặt con trẻ thì chính bản thân chị L. phải chịu trách nhiệm với con mình", bạn đọc Nguyen Thai đồng quan điểm.
Có nên dùng cái sai này xử lý cái sai khác?
Cho rằng chính quyền cần xử lý linh hoạt hơn, như trong trường hợp này nếu người này không muốn xét nghiệm tập trung thì có thể cho phép được tự xét nghiệm tại nhà, bạn đọc Ngọc Hà viết: "Chị này sai nhưng luật không có quy định cưỡng chế kiểu này, làm gì cũng phải tuân thủ pháp luật. Chị ấy không xét nghiệm thì phải phạt tội không tuân thủ quy định phòng chống dịch, bên cạnh đó chính quyền cũng cần linh động theo cách: Nếu họ không muốn xét nghiệm tập trung thì hãy cho họ tự xét nghiệm tại nhà và ký cam kết nếu làm lây nhiễm sẽ bị xử lý theo quy định xử phạt. Hành động phá cửa vào cưỡng chế là không nên".
Đồng quan điểm, bạn đọc Minh Châu dẫn chứng trường hợp của gia đình mình: "Tôi và gia đình cũng chưa bao giờ tập trung ra ngoài xét nghiệm mà tự test tại nhà. Mỗi lần khu vực kêu test, tôi đều đứng trong nhà tự test cho họ thấy rồi đưa kết quả họ xem và vẫn khai báo y tế thường xuyên nên chính quyền địa phương cũng đâu khó dễ gì đâu.
Trường hợp này, nếu chị ấy là F0 thì nên làm vậy, và xử lý theo quy định của pháp luật, còn không phải là F0 mà làm vậy là hơi quá rồi. Có thể dùng biện pháp nếu như người này không chịu ra thì thông báo tự cách ly trong nhà thời gian là bao nhiêu ngày, nếu mắc bệnh dịch thì tự thanh toán viện phí. Như vậy tốt đẹp cho đôi bên".
"Trường hợp này cần làm rõ, khi đã có quy định giãn cách, dân đã tự cách ly dài ngày và thực hiện 5K, gia đình không có triệu chứng nhiễm bệnh thì việc phá cửa cưỡng chế xét nghiệm có thực sự cần không? Theo mình nghĩ chỉ trường hợp tội phạm hình sự mới cần phải mạnh tay như vậy, còn trường hợp này nếu không chịu đi test thì dán thông báo ở cửa và niêm phong cảnh cáo trong vòng mấy ngày gì đó không test thì sẽ bị phạt như nào đó, chứ xông vào nhà như vậy lại có con nhỏ cháu sẽ bị ám ảnh rất nhiều", bạn đọc Bùi Lan Anh nêu quan điểm.
Không thể dùng cái sai này xử lý cái sai khác, là ý kiến của bạn đọc Dao Ngoc: "Không ai có quyền tự ý phá cửa vào nhà người dân cả. Muốn vào khám nhà bắt người thì phải có lệnh của tòa án hoặc UBND huyện. Người không chấp hành xét nghiệm có thể phạt theo quy định, không thể dùng cái sai này xử lý cái sai khác như thế được. Vì sợ tập trung xét nghiệm covid-19, chị này đã bị xử lý hành chính, còn hành động phá khóa đột nhập vào nhà khi chưa có sự đồng ý của chủ nhà hay lệnh của tòa án hay viện kiểm sát là hành vi vi phạm pháp luật".
Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!