Ở nhà kỳ nghỉ lễ: Vì mình và vì cả cộng đồng!
(Dân trí) - "Mong các bạn vẫn định đi chơi dịp 30/4-1/5 này hãy tuân thủ quy tắc phòng dịch thật chặt chẽ, trước là vì mình sau nữa là vì cộng đồng"
Hiện nay, làn sóng dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh và trên diện rộng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Ấn Độ. Sau 5 ngày liên tiếp lập kỷ lục trên dưới 350.000 ca nhiễm/ngày, đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 17,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 195.000 người đã tử vong. Nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô New Delhi đã ra thông báo nguồn oxy sắp cạn kiệt; quốc gia này đã phải trưng dụng bãi đỗ xe, công viên làm nơi hỏa thiêu người chết.
Thái Lan cũng đang trải qua "ngày đen tối". Theo số liệu của Bộ Y tế Thái Lan, trong ngày 26/4, nước này ghi nhận gần 2.577 ca mắc mới và 11 ca tử vong do Covid-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 kỷ lục.
Đến 02 giờ ngày 27.4, nước này ghi nhận hơn 57.508 ca mắc, trong đó 148 trường hợp đã tử vong. Đáng lo ngại hơn, dịch bệnh vẫn đang có nguy cơ lây lan mạnh.
Tại Lào, 02 giờ ngày 27.4, Lào đã ghi nhận có hơn 436 ca mắc Covid-19. Trong đó 259 ca mắc mới từ trung tuần tháng 4 trở lại đây là lây nhiễm cộng đồng.
Tại Campuchia, 02 giờ ngày 27.4 đã ghi nhận tổng cộng gần 10.555 ca mắc Covid-19 , trong đó 79 ca tử vong mặc dù chỉ mới gần đây, Campuchia là một trong những quốc gia có số người mắc Covid-19 thấp nhất thế giới.
Trước tình hình dịch lây lan nhanh, thủ đô Phnom Penh chính thức phong tỏa đồng thời khoanh các "vùng đỏ", cấm người dân ra khỏi nhà trừ các lý do cấp thiết về y tế.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt, song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở các nước trong khu vực, Việt Nam đã có những động thái phòng dịch rất tích cực, đặc biệt là trước và trong dịp nghỉ lễ:
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Ngày 27/4, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có công điện yêu cầu Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải trực tiếp chỉ đạo chống dịch Covid-19 tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về địa bàn quản lý.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào Việt Nam, Bộ trưởng Y tế cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Thông thường kinh nghiệm thế giới cho thấy là những lần sau số mắc bao giờ cũng nhiều hơn lần trước, tàn khốc hơn lần trước.
Tại nhiều địa phương, hàng loạt sự kiện, hoạt động lớn dịp 30/4 và 1/5 cũng đã dừng tổ chức để phòng dịch Covid-19:
TP. Hà Nội đã nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tại Thủ đô lên mức độ cao hơn, tạm dừng phố đi bộ Hồ Gươm... TP. Hồ Chí Minh tạm dừng bắn pháo hoa tại 4 điểm như đã dự kiến và đề nghị người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế;
Thanh Hóa thống nhất dừng tổ chức lễ công bố thành lập thị xã Nghi Sơn kết hợp khai mạc du lịch biển Hải Hòa (dự kiến tổ chức lúc 20h ngày 30/4) và lễ hội du lịch biển Hải Tiến (dự kiến tổ chức tối 1/5). Lãnh đạo tỉnh quyết định dành tiền xã hội hóa dự kiến chi bắn pháo hoa để mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng dịch;
Ninh Bình, Ban tổ chức thông báo hoãn lễ hội Tràng An 2021. Hà Tĩnh, tỉnh thông báo dừng các lễ hội, lễ khai trương, sự kiện tập trung đông người từ 12h ngày 27/4; những đơn vị không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm;
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thông báo dừng bắn pháo hoa dịp 30/4. Quảng Ninh dừng tổ chức các lễ hội kích cầu du lịch trên địa bàn; ngoại trừ sự kiện kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô được tổ chức ở quy mô vừa phải, gắn với an toàn phòng, chống dịch;
Tỉnh Nghệ An dừng tất cả các hoạt động tụ tập đông người, như lễ hội du lịch Cửa Lò, biển Quỳnh và các hoạt động liên quan;
Trên các trang mạng xã hội, người dân cũng đã bắt đầu chia sẻ tình hình dịch bệnh để nhắc nhở nhau ý thức hơn trong việc phòng chống dịch. Không khó để bắt gặp những dòng trạng thái như:
"Mình ở nhà dù đã lên kế hoạch đi chơi cả gia đình, trong thời điểm này không nên đi đến những nơi khu du lịch, điểm vui chơi đông người";
"Mong các bạn vẫn định đi chơi hãy tuân thủ quy tắc phòng dịch thật chặt chẽ, trước là vì mình sau nữa là vì cộng đồng. Dù tôi không đi nhưng cũng thông cảm với các bạn vì mấy tháng liền căng thẳng với công việc nên cũng muốn có dịp giải tỏa"
"Biết là cần xả stress nhưng mong mọi người nếu được hãy cố gắng ở nhà đợt này và tìm cách giải trí khác ở nhà. Đối với những ai không thể thay đổi lịch trình thì hãy đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Đồng thời nhắc nhở bạn bè và người thân phải cẩn thận";
"Nếu hạn chế việc tụ tập đông người dịp 30/4 và 1/5 thì ngành du lịch, dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu để dịch "bung" sau mấy ngày nghỉ này thì cả nền kinh tế sẽ phải gánh hết hậu quả.
Nhìn vào nguồn lực phải chi trả và gánh nặng của việc kiểm soát dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương vừa qua sẽ thấy.
Xin lưu ý, từ đầu Ấn Độ cũng rất quyết liệt phòng dịch và tổ chức phong tỏa toàn quốc sớm, nhưng các lễ hội tâm linh và thói quen sinh hoạt của người Ấn là những lý do đẩy quốc gia này vào thảm kịch của Covid-19 trong mấy ngày qua.
Ở Việt Nam hiện vẫn chưa phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, việc đi lại, vui chơi trong ngày nghỉ lễ đã đặt trước thì không nên hủy bỏ.
Mỗi cá nhân nên tự bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Tốt nhất nên tránh xa những sự kiện, địa điểm có đông người tụ tập.
Mỗi cá nhân nên ghi lại lịch trình di chuyển, lưu trú của mình trong dịp này để theo dõi và kịp thời khai báo nếu không may có ca nhiễm được phát hiện.
Các cơ sở kinh doanh nhà hàng, cafe nên có cuốn sổ yêu cầu khách khai báo địa chỉ, số điện thoại và thời gian đến để giúp nhà chức trách dễ dàng truy vết khi cần."
Cũng có nhiều ý kiến lo ngại bởi sau hơn một tháng không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng, hiện nay người dân đã bắt đầu tâm lý chủ quan như không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, đi đến lễ hội, địa điểm tập trung đông người… Đây là vấn đề rất đáng quan ngại bởi trước mắt, chúng ta sắp có bốn ngày nghỉ lễ, nhiều người đã bắt đầu stress với công việc, một số người "ăn Tết 5K" nên kỳ nghỉ này sẽ bắt đầu "bung xõa".
Với những nguy cơ hiện hữu của dịch bệnh lần này, 4 ngày nghỉ sắp tới bạn sẽ ở nhà hay đi chơi với tâm thế 5K?