Nuôi ngao, phá... vườn quốc gia ở Nam Định
Báo NTNN đã từng phản ánh tình trạng vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, Nam Định) liên tục bị người dân chặt phá cây, hút bùn ra kênh để lấy chỗ nuôi ngao (vạng), khiến hệ sinh thái trong khu vực bị tàn phá nghiêm trọng. Đến nay, mọi việc vẫn không có gì thay đổi, thậm chí tốc độ tàn phá VQG còn trầm trọng hơn.
Vi phạm nối tiếp vi phạm
Nông dân Đinh Minh Đức, xóm 2, xã Giao Thiện cho biết, 2 năm gần đây, dọc đầu trên và dưới kênh K2, K3 liên tục xảy ra tình trạng người dân cải tạo đầm nuôi tôm, cua tự nhiên (dưới tán rừng ngập mặn) để chuyển sang nuôi ngao. Theo ông Đức, nuôi ngao quả là “siêu lợi nhuận”, nhưng phải chặt cây, hút bùn đi rồi bơm cát vào mới nuôi được, vì thế diện tích rừng ở đây ngày càng giảm, kênh mương thì tắc nghẽn bùn đất.
Cách đầm ông Đức không xa, nông dân Nguyễn Văn Hán vừa lội dưới đầm lên bức xúc nói: “Hơn nửa tháng nay, anh Ninh (Trần Văn Ninh ở xã Gia Xuân) đã đưa máy về ngày đêm hút bùn ra kênh, khiến kênh K2 đục ngầu, đặc quánh bùn. Chúng tôi đã báo cho cán bộ VQG, Hạt Kiểm lâm Giao – Xuân – Hải, nhưng chẳng thấy ai ra kiểm tra, xử lý”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Toản – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao – Xuân – Hải thừa nhận, việc người dân phá, lấn chiếm rừng, hút bùn ra kênh mương tại VQG Xuân Thủy để nuôi ngao là có thật. Riêng năm 2013 đã xảy ra 14 vụ, số tiền xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. “Từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra 6 vụ, nhưng chỉ 1 vụ bị xử phạt là hộ ông Trần Trung Thụy ở ô đầm số 23, thửa 66, thôn Tân Hồng, xã Giao Thiện. Hộ ông Thụy đã phải trồng trả lại 1.453m2 rừng và bị phạt 15 triệu đồng” – ông Toản cho biết.
Sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý
Theo lời ông Đức, đối với những hộ muốn được chuyển đổi, hút bùn… thì người đó phải có “quan hệ” với lãnh đạo địa phương, mấy năm trước hộ ông Tuyền, Trọng, Nam “chạy” mất vài chục triệu đồng mới được chuyển đổi. Trao đổi với NTNN về những phản ánh của ông Đức, ông Đoàn Ngọc Toản thừa nhận có tiêu cực. “Trước đây, tôi đã quyết liệt xử phạt những hộ vi phạm, nên có lần đi về đêm, đã bị chủ đầm thuê đầu gấu chặn đánh. Rất may tôi phát hiện và kịp thời lánh nạn”- ông Toản nói. Cũng theo ông Toản, mặc dù không ra mặt, nhưng chúng tôi biết nhiều lãnh đạo địa phương cũng có bãi nuôi tôm, cua, ngao ở đây, dưới tên của người khác. Việc liên tiếp xảy ra những sai phạm như trên cũng là xuất phát từ lợi ích kinh tế của con ngao, chứ không thì chẳng ai dám đụng đến một cây sú, vẹt nào.
Về vấn đề trên, ông Trịnh Bình Lục - Chủ tịch UBND xã Giao Thiện (Giao Thủy) cho biết, việc các hộ hút bùn ra kênh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, môi trường, bởi đây là kênh dẫn nước chính vào các đầm, phục vụ nuôi trồng thủy hải sản cho toàn khu vực Giao Thủy. Ông Lục cũng cho biết, bản thân ông có nuôi tôm, cua, ngao ở bãi, nhưng phủ nhận việc “chống lưng” cho những vi phạm vừa qua.
“Tôi có nuôi ngao, anh em cũng nuôi, nhưng ở đây có ít thôi mà tôi chủ yếu nuôi bên huyện Thái Thụy (Thái Bình). Anh Ninh thì tôi biết, nhưng không có chuyện “hậu thuẫn” cho việc hút bùn ra kênh. Hôm trước, tôi có nghe anh Phạm Văn Ánh (phụ trách quản lý tài nguyên VQG Xuân Thủy- PV) nói, nhưng vì bận, hơn nữa xã chúng tôi rộng tới 3.000ha, riêng bãi bồi đã 2.000ha, đi xa 10km nên chúng tôi chưa kịp kiểm tra” – ông Lục nói.
Trả lời phóng viên qua điện thoại, ông Phùng Văn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy một mực khẳng định những vi phạm tại VQG Xuân Thủy đã được xử lý triệt để. Nhưng khi PV đưa ra thông tin cụ thể, ông Nhân cho biết: Sẽ chỉ đạo lãnh đạo xã Giao Thiện kiểm tra và sớm xử lý, khắc phục tình trạng trên.
“Chúng tôi chỉ quản lý vùng lõi” Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phúc Hội - Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy. Ông Hội cho biết: “Chúng tôi chỉ quản lý vùng lõi, vùng đệm do Hạt Kiểm lâm Giao - Xuân - Hải và UBND các xã Giao Thiện, Giao Xuân, Giao An… quản lý. Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi chỉ có thể báo cáo lên Hạt Kiểm lâm, UBND các xã và phối hợp xử lý, chứ không có quyền xử lý”. |
Theo Việt Tùng
Dân Việt