Dồn điền đổi thửa ở Thường Tín, Hà Nội:

Nước mắt nông dân nghèo ở xã Nghiêm Xuyên

(Dân trí) - Dồn điền đổi thửa là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước để áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Tuy nhiên, việc dồn điền đổi thửa phải nhận được sự đồng thuận của dân và đặt quyền lợi người dân lên trên hết.

UBND xã đã chia ruộng cho người khác khi nông dân chưa đồng ý?

Theo nội đơn kêu cứu của bà con nông dân ngõ Trung, cụm 4 thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín TP. Hà Nội gửi đến báo Dân trí phản ánh: 16 hộ dân ở đây có ruộng ở hai cánh đồng: Một ở cánh đồng Xa (mỗi gia đình có 2 ô); Một ở cánh đồng Gần ở ngay sát đường liên xã (Mỗi gia đình có 3 ô). Nguyện vọng của bà con là xin được dồn 2 ô thành một ô ở đồng Xa; Ở đồng Gần có 3 ô xin dồn thành 1 ô. Quỹ đất 10% từ năm 1992 vẫn để ở đồng Xa, thì nay bà con vẫn có nguyện vọng xin để quỹ đất này ở vị trí cũ.
 
Nông dân cụm 4 thôn Cống Xuyên bức xúc vì những quyết định mập mờ của UBND xã Nghiêm Xuyên
Nông dân cụm 4 thôn Cống Xuyên bức xúc vì những quyết định mập mờ của UBND xã Nghiêm Xuyên

Thế nhưng nguyện vọng này của bà con không những không được chính quyền xã Nghiên Xuyên lắng nghe và đáp ứng. Ngược lại, chính quyền xã còn ép buộc dân chuyển quỹ đất 10% về sát ngay mặt đường làng (ở cánh đồng Gần).

Quỹ đất 10% được hiểu là quỹ đất 2, còn gọi là quỹ hoa lợi của địa phương. Thông thường, địa phương nào cũng có quỹ đất này. Tuy nhiên, có một thực tế phổ biến là các xã thường lấy những thửa ruộng ở xa, khó canh tác làm quỹ đất 10%, còn dành những thửa đất thuận lợi, màu mỡ cho bà con canh tác. Đằng này, UBND xã Nghiêm Xuyên lại tính phương án ngược lại, lấy thửa ruộng đất thuận lợi canh tác nhất, lại có địa thế thuận lợi tốt về giá trị đất đai (ngay sát mặt đường quốc lộ) để làm quỹ 10%.

Đây là điều bà con thắc mắc và không đồng tình nhưng chính quyền UBND xã Nghiêm Xuyên chưa có câu trả lời. Bất chấp nguyện vọng của dân, chính quyền xã Nghiêm Xuyên vẫn tự ý dồn ruộng của những hộ dân chưa chịu ký, chưa chịu gắp thăm nhận ruộng.

Dân bức xúc vì bị hao hụt diện tích trong sổ đỏ

Không chỉ có vậy, bà con nông dân cụm 4, ngõ Trung, xã Nghiêm Xuyên còn “tố” bị UBND xã tự ý cắt bớt diện tích trong sổ đỏ của bà con ở cánh đồng Gần mà không đưa ra lý do chính đáng.
 
Hàng chục nghìn m2 đất ruộng đang bị bỏ hoang
Gần 20 mẫu ruộng đang bị bỏ hoang

Tiếp xúc với PV, bà con nông dân cụm 4, ngõ Trung, xã Nghiêm Xuyên bức xúc cho biết: “Chính quyền xã khăng khăng không chịu giải thích vì sao lại cắt bớt diện tích trong sổ đỏ của bà con ở cánh đồng Gần? Có gia đình bị hụt mất diện tích trong sổ đỏ ở cánh đồng gần lên đến tận 1 sào. Vậy một sào ruộng đó, xã cắt đi đâu, ai sở hữu diện tích đã cắt trong sổ đỏ này? Tại sao không lấy đồng Xa làm quỹ đất 10%?”.

Tuy nhiên, những thắc mắc chính đáng của người dân vẫn chưa được UBND xã Nghiêm Xuyên đưa ra câu trả lời thấu đáo. Vì không đồng tình với cách dồn điền đổi thửa của chính quyền địa phương mà 16 hộ dân ở đây đã bỏ trống ruộng, không cấy vụ Xuân dẫn gần 20 mẫu ruộng bị bỏ hoang, hàng mẫu mạ đã gieo trồng bỏ phí.

Trong khi đó, phần lớn bà con có nguồn sống chủ yếu trông chờ vào cây lúa. Không cấy vụ Xuân, lấy thóc lúa đâu mà ăn trong thời gian tới. Nguy cơ bị thiếu ăn đang cận kề với những hộ nông dân nghèo ở ngõ Trung, cụm 4, xã Nghiêm Xuyên này.

Vì cách thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa không rõ ràng của chính quyền xã, những người nông dân nghèo nơi đây đã phải gõ cửa kêu cứu nhiều nơi. Đơn thư đã gửi lên huyện, huyện lại gửi về xã nhưng nông dân vẫn không nhận được lời giải đáp.

Cũng vì chuyện dồn điền đổi thửa mà nhiều gia đình anh em, cha con từ mặt nhau. Có người sẵn sàng cấy trên ruộng của người hàng xóm trong lúc người ta chưa đồng ý với việc chia ruộng mới và chuyển ruộng ra chỗ khác. Lo nhất là nguy cơ thanh niên trong làng đánh nhau vì nhà anh tự ý cấy trên ruộng nhà tôi khi nhà tôi chưa đồng ý, nhà tôi chưa ký giấy…

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn Đọc