Đắk Lắk:
Nông dân trồng mía “ngồi trên lửa” khi công ty không chịu thu mua!
(Dân trí) - Dù đã ký kết hợp đồng với công ty sẽ tiêu thụ mía sau khi thu hoạch nhưng đến nay rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khi công ty không chịu thu mua mía.
Theo phản ánh của người dân, nhằm sản xuất ổn định, bền vững có đầu ra cho sản phẩm, nông dân tại huyện Ea Súp đã ký kết hợp đồng cùng Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk để thuận lời trong việc đầu tư và tiêu thụ mía sau thu hoạch. Tuy nhiên, từ hơn 1 tháng nay, phía công ty lại không thu mua vì nhiều lý do nên nông dân đang rất hoang mang, lo lắng.
Cụ thể, với 1ha mía phía công ty sẽ đầu tư sản xuất 30 triệu đồng, thời gian thu mua bắt đầu từ tháng 11 - tháng 5 của năm sau. Đến nay, mía của người dân còn lại khoảng 180ha những chưa được thu mua.
Ông Nguyễn Minh Điệp (ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) cho biết, gia đình ông ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ hơn 5ha mía với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. “Đã đến thời hạn thu hoạch nhưng toàn bộ diện tích chúng tôi vẫn chưa chặt. Việc công ty không thu mua mía khiến gia đình tôi thua lỗ cả trăm triệu đồng vì ngoài tiền công ty đầu tư chúng tôi còn phải chi khoảng 20 triệu/ha để chăm sóc”, ông Điệp buồn bã nói.
Cũng theo ông Điệp, việc công ty không thu mua đã vi phạm hợp đồng đã ký kết nhưng đến nay vẫn chưa thấy phía công ty có động thái hỗ trợ nào với nông dân.
Riêng hộ anh Đoàn Văn Sơn (ngụ xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) trong niên vụ 2017-2018, gia đình anh trồng 9ha mía nhưng đến nay công ty mới chỉ thu mua được 5ha còn lại 4ha anh vẫn còn lo lắng chưa biết ra sao.
“Gia đình tôi chặt 2ha mía để bán cho công ty theo hợp đồng nhưng cả tháng nay phía công ty vẫn không thu mua nên sợ mía hư hỏng bỏ phí sẽ thiệt hại lớn”, anh Sơn lo lắng.
Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Bảo Lộc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk, cho rằng, việc công ty tạm dừng thu mua mía xuất phát từ nhiều lý do: việc thu hoạch không đúng tiến độ do thiếu hụt nhân công lao động địa phương; do đây là niên vụ ép mía đầu tiên sau khi nhà máy được di dời từ huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) về huyện Ea Súp nên hoạt động chưa ổn định, dẫn đến có chậm tiến độ thu mua hơn năm trước…
Cũng theo ông Lộc, phía công ty cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ cho các hộ dân với khoảng 7 tỷ đồng (dự kiến khoảng 6 triệu đồng/ha).
“Từ tháng 6 đến nay, mưa nhiều làm hệ thống đường giao thông hư hỏng, ruộng mía lầy lội nên còn khoảng 180 ha mía chưa được thu hoạch. Nếu thu hoạch phải chuyển mía lên đường, chi phí tăng cao nhưng không đáp ứng đủ lượng mía chạy máy nên nhà máy quyết định tạm dừng thu mua đến tháng 11”, ông Lộc cho hay.
Ông Đàm Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết, trên địa bàn xã hiện có 550 ha mía đều được ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. Đến nay, còn lại khoảng 81ha mía chưa thu hoạch dù đã quá thời hạn.
Cũng theo ông Hà, phía xã đã tổ chức gặp gỡ giữa người dân và công ty để tìm ra hướng giải quyết. Phía công ty đề xuất các khoản hỗ trợ nhưng người dân không đồng ý và cho rằng mức đó quá thấp.
“Xã đã nhận được phản ánh của bà con về việc công ty đã vi phạm hợp đồng đã ký dẫn đến đời sống người dân lâm cảnh khó khăn nên đã kiến nghị UBND huyện xem xét, xử lý”, ông Hà nói.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk để tìm hiểu nguyên nhân và xem xét các hướng giải quyết phù hợp cho nông dân.
Thúy Diễm