"Nói thách không phải nét văn hóa, bởi không ai dạy buôn bán gian dối"

PV

(Dân trí) - "Nói thách chính là biểu hiện của sự "vô văn hóa". Không có văn hóa nào dạy nói xạo, gian dối. Văn hóa chỉ dạy sống chân thật", độc giả Dân trí bình luận về thói quen "nói thách" tại Việt Nam.

Lâu nay, "mặc cả" hay "trả giá" là những thuật ngữ quen thuộc mà người dân thường nhắc tới khi mua sắm tại các khu chợ truyền thống tại Việt Nam. Tình trạng nói thách, chặt chém khách hàng, đặc biệt khách du lịch, diễn ra phổ biến và nhiều lần được báo chí phản ánh dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Mới đây, có bài viết nêu du khách ra chợ Bến Thành (TPHCM) hỏi mua 3 đôi tất và bị hét giá 700.000 đồng, trong khi giá trị thật của chúng chỉ 60.000 đồng. Hay như chuyện một đôi giày vải tại một cửa hàng dọc đường Lê Duẩn (Hà Nội) được chủ cửa hàng định giá 400.000 đồng, nhưng khi được khách hàng "mặc cả" còn 150.000 đồng, người này cũng đồng ý "chốt đơn".

Theo Giáo sư, tiến sĩ Trương Nguyện Thành, văn hóa nói thách đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam, gắn với những ngôi chợ truyền thống và hoạt động buôn bán nhỏ lẻ. Dù có coi đây là một nét "văn hóa" dưới góc nhìn tích cực thế nào đi nữa, điều này cũng khiến con người ta thiếu đi sự chân thật, thậm chí đánh mất tính tự trọng khi "mừng thầm" vì khách trả giá hớ.

"Lòng tự trọng là một giá trị cốt lõi tạo nên xã hội văn minh. Có lẽ tôi không sống ở Việt Nam quá lâu rồi nên không còn thấy nét đẹp của văn hóa nói thách này. Tôi chỉ mong rằng mọi người dân trong nước và mọi du khách khi đi mua hàng đều yên tâm là chọn được giá đúng, chứ không phải thắc thỏm liệu mình có mua hớ hay không. Và nếu có dịp họ khám phá ra họ bị hớ thì cái cảm xúc bị lường gạt rất là khó chịu. Cái giá là người chủ tiệm đó mất đi một khách hàng có thể lâu dài", giáo sư Thành chia sẻ.

Nói thách không phải nét văn hóa, bởi không ai dạy buôn bán gian dối - 1

Nạn chặt chém, nói thách... là một trong những lý do khiến du khách "một đi không trở lại" (Ảnh minh họa: Ngọc Ngân).

"Nói thách không phải nét văn hóa, bởi không văn hóa nào dạy buôn bán gian dối"

Chung cảm nhận với giáo sư Thành trong bài viết Người Việt nên xóa bỏ văn hóa nói thách , nhiều độc giả Dân trí cũng bày tỏ sự không hài lòng, lên án văn hóa "nói thách" đã tồn tại suốt nhiều năm qua tại nước ta.

Bày tỏ quan điểm về bài viết, chủ tài khoản Snow Leopard chia sẻ: "Tác giả nói đúng, nói thách xuất phát từ những ngôi chợ nhỏ. Cụ thể hơn, ngày xưa nước ta chỉ có chợ phiên, hàng hóa cả năm sản xuất tự đem ra chợ để bán, chẳng có giá thị trường nên người bán cứ nói thách để dò giá, người mua cũng vậy. Thực ra, nhiều hợp đồng lớn, kéo dài và không có thị trường sản xuất hàng loạt thì người ta vẫn phải đàm phán, không nên tả khuynh hay tả hữu. Mặt hàng nào cũng đòi mặc cả sẽ dẫn đến bó tay, như trong đấu thầu trang thiết bị y tế".

"Đồng ý với tác giả, tôi chúa ghét trò nói thách. Mua phải đồ giá cao hơn bình thường quá nhiều làm mình cảm giác như bị lừa, dù giá trị lớn hay nhỏ. Đôi khi tôi cũng bị như vậy và khẳng định không bao giờ quay lại đó nữa, đồng thời cũng mách cho người thân, bạn bè biết mà tránh", ý kiến từ độc giả Ngô Thái Bình.

Cũng cho rằng "nói thách" là vấn đề xuất phát từ hoạt động kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, người dùng Qui Le phân tích: "Ở nước ta, muốn giải quyết một vấn đề thì phải liên hệ tới rất nhiều yếu tố khác. Ví dụ với vấn nạn "nói thách", nó thường xuất phát từ các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, trong đó yếu tố chi phí thị trường rất phức tạp khi trải qua nhiều khâu trung gian và thủ công, dẫn đến người bán không thể bán cùng giá. Ngoài ra còn là vấn đề "chi phí mềm", bảo kê bán hàng, sự ổn định của nguồn hàng... hay rất nhiều câu chuyện khác.

Muốn giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc của cả hệ thống, không chỉ dừng lại ở việc cải tổ văn hóa. Khâu quản lý tốt thì nền sản xuất, hoạt động thương mại và các vấn đề an sinh đều cải thiện, người dân có thể an tâm làm ăn, không chịu nhiều áp lực bủa vây như hiện tại, khi đó vấn nạn "nói thách" mới thuyên giảm".

Bày tỏ thái độ gay gắt hơn, độc giả Hùng Lê Nguyễn Quang cho rằng phải dùng từ "gian thương", thay vì "nói thách" để nói về các hoạt động thương mại hiện nay: "Có lẽ nên dùng từ cho đúng là làm ăn không đàng hoàng, là "GIAN THƯƠNG" chứ không phải là NÓI THÁCH".

Còn độc giả Cao Phat cho rằng đây không phải là một nét văn hóa, bởi bản chất hành vi này đã là biểu hiện của sự vô văn hóa. Người này bình luận: "Nói thách chính là biểu hiện của sự "vô văn hóa". Không có văn hóa nào dạy nói xạo, gian dối. Văn hóa chỉ dạy sống chân thật. Nói thách chính là cái thói xấu, tham lam, chấp nhặt ăn sâu vào việc buôn bán.

Từ xưa đến giờ, chưa bao giờ thấy các mặt hàng xuống giá vì ai cũng muốn có lợi cho mình nên buôn bán càng nhiều lợi càng tốt. Nói thách là một cách buôn bán xấu, biết xấu nhưng không chịu bỏ, dần trở thành thói xấu. Đây là thói xấu, không phải văn hóa xấu. Người Việt mình có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các nước khác nhưng mãi không tiến lên được là do có quá nhiều thói xấu nhất định phải loại bỏ".

Bên cạnh đó, nhiều người dùng cũng chia sẻ thêm về những trải nghiệm không tốt của bản thân đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ. Độc giả Ha Nguyen viết: "Hôm qua tôi ăn cơm bụi ở Hà Nội, quán nấu khá ngon nhưng tính tiền chia ra mỗi người 110.000 đồng trong khi 4 người chỉ gọi 2 đĩa đủ ăn là thịt và đậu. Đây là chém và thách thức chứ không chỉ nói thách nữa ạ".

"Tôi là đàn ông, từng đi 1 vài chợ ở miền Trung (Quảng Trị, Quảng Bình), chủ yếu mua quần áo, giày dép... bị nói thách và mua hớ gấp vài lần. Cảm giác mất tiền và còn bị người khác châm chọc rất không dễ chịu chút nào. Sau này tôi không bao giờ mua gì ở chợ nào nữa, mà mua siêu thị", anh Ngoc Thanh Tran kể lại.

"Ngoài nói thách, họ còn cân điêu nữa. Hôm qua đi mua 5 lạng sườn về cân có 4 lạng, mua 1,2kg táo ta về cân có 1,1kg, mua 1,2kg cá về cân có 9 lạng... Vô cùng bực mình. Họ không thách thì họ lại cân điêu. Nói thách ngút trời đến mức kể cả trả nửa giá rồi vẫn có thể mua hớ.

Mua 1 cái cặp tóc ở phố Cầu Gỗ, họ nói giá 500.000 đồng, cuối cùng bán 260.000 đồng. Thực sự tôi quá mất niềm tin ở mua bán tại chợ ở Hà Nội. Nếu mua ở chợ hay ngoài phố thì xác định "mắt nhắm mắt mở" cho đỡ bực, còn không thì vào siêu thị mua, tranh thủ đi nước ngoài mua đồ tại đó hoặc mua online, đắt hơn 1 chút nhưng không cảm giác khó chịu vì bị lừa. Lâu dần, người ta đổ sang mua online cũng có lý do cả.

Tôi là người Việt Nam sống trong nước, văn hóa gì tôi không biết, nhưng tôi không thích nói thách. Tôi có cảm giác nói thách hòng để bán được giá cao hơn, như là lừa đảo. Nếu có điều kiện và được chọn lựa nơi chốn để đi du lịch, thì tôi sẻ không chọn những nơi có tệ nạn mất cắp, nói thách. Và tất nhiên lỡ chọn sai, thì sẽ không bao giờ quay trở lại, vì trên thế giới có biết bao nhiêu nơi, chốn để đi du lịch, việc gì phải quay lại những nơi phiền hà như vậy", anh Nguyen Thanh chia sẻ về những trải nghiệm phiền toái của bản thân với nạn "nói thách" và khẳng định sẽ gạch tên những nơi có vấn nạn này khỏi danh sách du lịch của bản thân.

Còn dưới góc nhìn trung lập, độc giả Quang Luuthanh viết: "Tiêu dùng nên hỏi giá trước. Ở Việt Nam có câu "thuận mua, vừa bán", đắt thì không dùng hoặc tẩy chay thôi".

Chung góc nhìn, anh Bach Hoang viết: "Trong quan hệ mua bán đã hình thành nên 1 quá trình "thương lượng", một bên đòi giá cao lên và một bên trả giá thấp đi. Và 2 bên sẽ giao dịch được nếu như thống nhất tại một điểm giá làm người mua và người bán đều cảm thấy chấp nhận được, gọi là "Thuận mua vừa bán". Cái này nó là quy luật tất yếu và cơ bản của thị trường".

Hoàng Diệu