Nói "Người phán xử" làm tăng tội phạm, bạn đọc hỏi "phim Bố già thì sao?"

Khả Vân

(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng phim ảnh chỉ phản ánh gần với giá trị cuộc sống, còn quản lý trật tự xã hội do cơ quan quản lý pháp luật thực hiện; và liên hệ "Vậy tác phẩm kinh điển "Bố già" của Mỹ thì sao?".

Tại phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, nêu ý kiến về việc quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng, Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh nêu thực tế, hiện có một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ... Trong khi đó, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Ông Tới nêu dẫn chứng phân tích: "Mới đây, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim lại thể hiện pháp luật không giải quyết được mà để một ông trùm làm người phán xử, "phán xử" cả lực lượng công an".

Ý kiến này đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều từ phía những người hâm mộ điện ảnh.

Nói Người phán xử làm tăng tội phạm, bạn đọc hỏi phim Bố già thì sao? - 1

Bạn đọc cho rằng việc nói tỷ lệ tội phạm gia tăng cần có thống kê nguyên nhân - hệ quả rõ ràng (Ảnh: TL).

Một số ý kiến đồng tình và cho rằng hiện nay, việc phát hành phim ảnh nói chung và các thể loại video trên mạng xã hội nói riêng thực sự quá dễ dàng. Chiếu phim hay đưa video lên mạng là một dạng truyền bá văn hóa tư tưởng và phải được kiểm soát chặt chẽ. Thiết bị thông minh và mạng đã làm thay đổi rõ nét văn hóa của người Việt.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến không đồng tình bởi tội phạm tăng do tác động của phim ảnh chỉ là một phần rất nhỏ mà chưa có thống kê nào về điều này, chủ yếu là do luật chưa đủ răn đe và lực lượng chức năng làm việc thiếu hiệu quả, vẫn còn nhiều trường hợp quan liêu, để lọt tội phạm thậm chí bao che, tiêu cực.

Nghệ thuật là tiếng nói chân thực cuộc sống, không thể cấm đoán

Nhiều bạn đọc băn khoăn, cho rằng vấn đề không phải ở bộ phim mà ở con người. "Nếu người đứng đắn, có suy nghĩ thì dù xem phim gì họ vẫn tự kiểm soát hành vi, vẫn sống tốt. Còn nếu đã có thái độ, tư tưởng phạm tội, chống đối thì nếu không phải phim thì cũng rượu bia, chất kích thích, có cách này hay cách khác để dẫn đến phạm tội. Cấm như vậy chẳng khác nào đổ hết lý do là do phim ảnh, phim ảnh nó chỉ là giả tưởng, giải trí, còn lỗi vẫn là ở con người", bạn đọc Minh Dân viết.

Đồng quan điểm, bạn đọc Bùi Hằng chia sẻ: "Phim ảnh là để giải trí. Vậy người tốt thì xem phim xong có phạm tội như phim không? Kẻ xấu thì làm gì nó cũng sẽ đi phạm tội. Phạm xong thì đổ thừa lỗi cho mỗi phim ảnh thôi ư? Sao không xét các yếu tố khác như môi trường, gia đình và những thứ khác nữa. Đừng để những quy định cứng nhắc làm cản trở sáng tạo, đưa phim ảnh vào lối mòn. Phim "Người phán xử" là một bộ phim hay, diễn xuất rất tuyệt vời. Việc nói tỷ lệ tội phạm gia tăng cần có thống kê nguyên nhân - hệ quả rõ ràng chứ không thể nói như vậy. Cấm rồi còn đất đâu mà diễn viên thể hiện?". 

"Theo tôi nguy hiểm hơn là nhiều video giang hồ mạng tràn lan trên mạng xã hội cần phải kiểm soát. Game bạo lực cũng tràn lan. Cái này ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giới trẻ đâu chỉ xem phim, vậy có tính cấm hết luôn không? Đi giải quyết cái ngọn trong khi cái gốc là giáo dục từ gia đình và xã hội. Thay vì đi giải quyết cái ngọn thì cần tập trung và xây dựng một môi trường giáo dục hiệu quả hơn chứ !? Còn Phim ảnh Việt Nam thì vẫn bình thường chưa đến mức nghiêm trọng cổ xúy bạo lực", bạn đọc Minh Hiền nêu quan điểm.

"Việc cấm những phim cổ xúy vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục là cần thiết. Nhưng cũng cần phân biệt và quy định rõ thế nào là vi phạm cần phải cấm. Như tình trạng ổ nhóm tội phạm xã hội đen tăng nhiều- chắc chắn phải do nhiều yếu tố. Rồi những tác phẩm nổi tiếng thế giới từ lâu như "Bố già" (The Godfather của Mỹ) - liệu từ nay có cần cấm cả truyện lẫn phim không?! Hay như phim "Fast and Furius" có đến phần 9 rồi, chiếu phim liệu có làm tội phạm tăng tiếp nữa không?! Rất cần xem xét kỹ và làm rõ trước khi ban hành quy định", bạn đọc Hung Pham chia sẻ.

Nói Người phán xử làm tăng tội phạm, bạn đọc hỏi phim Bố già thì sao? - 2

Nhiều ý kiến cho rằng các trò chơi bạo lực tràn lan trên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hành vi tội phạm gia tăng.

Cũng lấy dẫn chứng từ những bộ phim kinh điển nổi tiếng toàn thế giới, bạn đọc Lê Hằng cho rằng nghệ thuật mà có khuôn khổ thì đâu còn là nghệ thuật nữa: "Những bộ phim kinh điển của Hollywood như "Bố Già 1 & 2" (The Godfather 1 & 2), "No Country For Old Men", "Sự Im Lặng Của Bầy Cừu", hoặc "The Departed" thì cái thiện đâu có thắng cái ác đâu, kết thúc đâu có hậu đâu. Thế nhưng nó hay và kinh điển vì nó nói lên được một khía cạnh nào đó trong cuộc sống một cách xuất sắc và người xem đồng cảm và đón nhận. Bài học từ nghệ thuật nó có cách biểu đạt khác với bài học trong sách đạo đức, giáo dục công dân, và nó lại còn khiến người ta khắc cốt ghi tâm hơn nhiều".

Nói Người phán xử làm tăng tội phạm, bạn đọc hỏi phim Bố già thì sao? - 3

The Godfather (tên tiếng Việt là Bố già) là bộ phim kinh điển của Mỹ về một gia đình mafia gốc Ý, dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên.

"Cần có khuôn khổ nhưng cái khuôn bé quá thì khó lòng sáng tạo"

"Cái gì không cấm được thì đừng cấm, bởi cấm phim Việt Nam vậy có cấm được khán giả xem phim nước ngoài với nội dung tương tự thậm chí còn hơn nữa đang có trên các mạng xã hội không, hay lại làm cho phim Việt đã mang tiếng nhàm chán lại nhàm chán hơn? Phim là nghệ thuật, và cũng đã phân cấp độ tuổi rõ ràng. Phim cũng phản ánh thực tế, và trong thực tế cũng có các trường hợp thiếu tướng có đề cập đến. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng vượt thời gian dù không phù hợp với luật pháp thời điểm được sinh ra", bạn đọc Thu Phương viết.

Bạn đọc Lê Khang cho rằng cái cần là tạo cơ chế quản lý độ tuổi người xem, bởi: "Trẻ em có thể bị lôi kéo, ảnh hưởng nhưng người trưởng thành thì phải biết tự biết phân biệt đúng sai. Phim là nghệ thuật giàu cảm xúc bậc nhất. Có tình huống hư cấu mới mang lại nụ cười và nước mắt. Cuộc sống lại là nơi con người chỉ cần công thức cung - cầu, trong đó có Phim.

Vì vậy hãy quản lý bằng cách duyệt nội dung kỹ trước khi công chiếu hay nhập về. Còn nếu cấm thì còn gì sáng tạo trong lao động nữa. Nghệ thuật mà không được tự do sáng tạo thì còn gì là nghệ thuật. Phim ảnh chỉ phản ánh gần với giá trị cuộc sống, còn quản lý trật tự xã hội là do cơ quan quản lý pháp luật thực hiện".