Quảng Nam:
Nỗi lòng hàng chục hộ dân tố bị “bỏ rơi” tại khu tái định cư!
(Dân trí) - Sau khi di dời lên khu tái định cư, nhiều hộ dân bỏ nhà, quay về lại nơi ở cũ để sản xuất, nuôi trồng vì nơi ở mới thiếu thốn đủ thứ. Tại khu tái định cư mới, nhiều ngôi nhà được xây dựng nhưng bị bỏ hoang.
Đó là khu tái định cư (TĐC) đồi Gò Hiu thuộc xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).
Ngày 5/7, tiếp xúc với PV Dân trí tại khu TĐC này, anh Trương Văn Nam (31 tuổi) cho biết, trước đây gia đình ở thôn Hà Dục Đông (xã Đại Lãnh), do ở bờ sông Vu Gia bị sạt lở nên chính quyền địa phương đưa gần 30 hộ dân trong thôn về khu vực này TĐC từ đầu năm 2016.
Hộ anh Nam là một trong những gia đình đầu tiên di dời nhà cửa đến khu TĐC này và nhận được 20 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh.
Gia đình anh Nam chỉ là một trong 8 hộ dân còn trụ ở đây vì nhiều gia đình khác đã lên đây xây dựng nhà cửa nhưng một thời gian sau đóng cửa, quay trở về chỗ cũ sản xuất, chăn nuôi để sinh sống qua ngày bởi khu TĐC này thiếu thốn nhiều thứ.
Ông Trương Văn Tàu (52 tuổi), là một trong số ít hộ còn trụ ở đây không khỏi bức xúc khi điều kiện cơ bản ở khu TĐC này không đảm bảo để ổn định cuộc sống của người dân.
Ông Tàu nói: “Nước giếng ở đây bị nhiễm phèn, nước uống phải mua từng bình mà dân ở đây làm gì có nhiều tiền mà mua mãi được. Điều kiện an ninh không đảm bảo, không có đất sản xuất, muốn nuôi con gà, con heo cũng không có chỗ…”.
Người dân ở khu TĐC phản ảnh
Nhà ông Tàu trước đây ở nơi cũ bằng gỗ rộng 8m chiều ngang nhưng khi dỡ dọn lên khu TĐC để làm lại thì khuôn viên đất chỉ có 7m chiều ngang, thế là ông phải bỏ nhà cũ, vay tiền xây nhà. Hiện ông còn nợ 24 triệu đồng tiền vay để làm nhà ở khu TĐC này.
Còn anh Nam cho hay, vợ anh bị ốm vừa được bệnh viện cho về nhà điều trị nhưng cũng không dám ở đây vì nguồn nước không đảm bảo, sợ bệnh tái phát nên cho về nhà người thân ở.
Nguy hiểm nhất ở khu TĐC này là sau lưng các ngôi nhà có dãy núi đất cao lanh, cứ mỗi lần mưa to, đất cao lanh sạt lở cuốn trôi hết vào nhà. Người dân ở đây mỗi khi có mưa là nơm nớp lo sợ đất tràn vào nhà. “Nhiều khi mưa to trong đêm là không dám ngủ, lỡ đất trôi vào nhà không biết mà chạy thì sẽ bị chôn vùi”, người dân bức xúc.
Anh Nam và ông Tàu chỉ là 2 trong số 8 hộ dân còn bám trụ ở đây, còn hơn 20 hộ dân khác hộ thì chưa dám lên, hộ thì đã làm nhà nhưng lại không dám ở vì điều kiện sinh sống không đảm bảo, sợ đất núi cao lanh sạt lở… Các hộ dân cho biết đã nhiều lần làm đơn gởi đến xã huyện nhưng chưa nhận được hồi âm.
Mang những thắc mắc của người dân, PV Dân trí trao đổi với ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch xã Đại Lãnh. Ông Yến cho hay, đây là dự án TĐC của tỉnh đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương di dời cho những hộ dân bị sạt lở.
Sau khi hoàn thành, khu TĐC này có 34 nền nhà để đưa những hộ dân bị sạt lở vào TĐC. Mỗi hộ vào đây TĐC được Chi cục định cư tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng. Những phản ảnh của người dân xã cũng đã biết và cũng đã kiểm tra.
Đối với những phản ảnh của người dân về điều kiện sinh sống tại đây như điện công cộng, nước giếng bị ô nhiễm không dùng được… Ông Yến cho biết, xã đã lấy mẫu nước đi kiểm định, các chỉ số đều đạt nhưng chỉ số về độ đục là không đạt.
Đối với một số nhà bỏ hoang, ông Yến cho rằng có một số hộ dân xây nhà để đối phó, chưa có điều kiện đến ở nhưng vẫn xây nhà.
“Điều kiện khó khăn ở khu TĐC xã cũng thấy, huyện cũng lên kiểm tra. Hướng sắp đến sẽ khắc phục, trước mắt là nguồn nước”, ông Yến nói.
Giếng đóng bị nhiễm phèn
Về vấn đề dân sinh, ông Yến cũng khẳng định, sau này dân ở ổn định sẽ hình thành một tổ thuộc thôn Hà Dục Tây, sẽ có đơn vị hành chính...
Đối với việc núi đất cao lanh sạt lở gây nguy hiểm cho các hộ dân, ông Yến nói huyện có phương án khắc phục là ủi luôn một nửa quả đồi còn lại để hình thành một khu dân cư. Còn hiện nay, mưa xuống sạt lở đến đâu thì khắc phục đến đó.
Công Bính