Nỗi lo này không của riêng ai!

Đọc bài viết của anh Minh Tran, tôi chắc hẳn đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người làm cha làm mẹ có con đang ở độ tuổi đi học hoặc sắp bước chân vào lớp 1.

Bạn đọc Phạm Ngọc Lan:
Tôi cũng đã nhiều lần viết ra những lo lắng và nhiều khi thật bất bình về chuyện con trẻ phải chịu áp lực học tập một cách vô lý mà không làm được gì để giải tỏa bớt gánh nặng cho con mình.

Vài năm trước, con gái lớn của tôi (năm nay 16 tuổi rồi), nó xem chương trình "Táo quân" cuối năm, nó hỏi tôi rằng: mẹ ơi! sao mà các táo có làm bác sĩ, làm công an, làm cô giáo,... đâu mà biết những chuyện đó nhỉ. Tại sao Ngọc Hoàng lại biết nhiều chuyện như thế để phê bình.

Năm ngoái, cháu gái thứ hai nhà tôi vào lớp 1. Nghĩ đến chuyện các bạn kể con học lớp 1 trường công lập mà bố mẹ tối nào cũng phải thay nhau đánh vật bài với con đến 11 giờ đêm nhưng tôi muốn con phát triển tự nhiên nên không cho học trước, đã quyết tâm cho con theo học trường dân lập những mong không vấp phải cảnh như con bạn tôi.Thú thực là, những ngày đầu con đi học tôi cũng cố gắng giữ cho mình một tâm lý thoải mái để cùng con bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời học và hành. Một tuần học qua đi, đến ngày thứ 10, đi làm về, ăn tối xong, con hỏi bài tiếng Việt: có 3 đôi nối từ, con nối được 2; còn lại là chi - bộ, nó hỏi:"mẹ ơi, chi bộ là gì". Các con phải tiếp cận với những kiến thức đó khi mà còn chưa nhận được hết mặt chữ cái. Giữa học kỳ 1: làm tính với 1 ẩn số, cuối học kỳ 1: làm tính với ẩn số 2 vế. Giữa học kỳ 2, tiếng Việt: Tóm tắt đoạn văn và trả lời câu hỏi. Trong đó có những câu ví dụ như: Nắng mùa thu Ba Đình là gì. Đấy là chưa kể muôn vàn vần để các con học đánh vần mà đến người lớn giải thích cho con cũng khó. Bố mẹ hiểu những từ đó chẳng qua là tư duy đã lớn do đã trải qua một thời gian dài lớn dần. Với con trẻ, tôi tự hỏi không biết những người biên soạn giáo trình có được học về tâm sinh lý của từng lứa tuổi để hiểu rằng ở độ tuổi này, con người chỉ có thể tư duy tương ứng được với kiến thức như thế này. Tôi chắc là không vì những kiến thức đó quá xa vời đối với từng lứa tuổi mà cụ thể là học sinh lớp 1. Kiểu đào tạo như vây thì làm gì có những sản phẩm ưu tú, có lẽ chỉ ra được những sản phẩm cọc cạch. Càng cải cách càng để lộ những bất cập trong hệ thống giáo dục, kết quả là con em chúng ta hứng chịu một nền giáo dục không hiệu quả. Nếu so sánh với nước ngòai, có thể tỷ lệ kết quả học tập của học sinh nước ngoài về mặt bằng nói chúng là kém học sinh nước ta. Nhưng tại sao con người được phát triển toàn diện, biết và hiểu kiến thức. Còn trẻ con nhà mình đúng là chỉ kịp biết thôi chứ không hiểu được mấy. Tất nhiên không phải 100% học sinh không hiểu gì mấy, bởi nếu vậy thì không có những giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế thuộc về học sinh người Việt Nam, nhưng đó chỉ là số rất ít...

Mình biết nói ra những thứ này chỉ để nói, không thay đổi được gì nhưng được chia sẻ với các bậc làm cha mẹ thế này cũng phần nào làm tôi bớt nặng đầu.

 Thương lắm, trẻ con nghèo không có tuổi thơ vì thiếu thốn đủ đường mà nhà nước thì đổ tiền ra làm những dự án không đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và rất lãng phí.

 

Còn trẻ con nhà khá hơn cũng chẳng có tuổi thơ vì phải học quần quật, học cả những thứ không cần học, học cả những thứ để cuối cùng khi ra đời phần lớn là ngơ ngác, để rồi lớn lên lại cho ra những sản phẩm làm khổ đời sau.

 

Bạn đọc Thụy Ý:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đầu tiên tôi xin cảm ơn báo Dân trí đã cho đăng bái viết "Bao giờ giải thoát con trẻ khỏi áp lực học tập nặng nề". Đây cũng là nổi bức xúc của tôi và tôi cũng tin rằng cũng là nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh.

Con gái tôi sắp vào học lớp 3 và con trai tôi sẽ vào lớp 1, đã hai năm qua tôi không cho con gái đi học hè và kết quả là khi vào học cô chủ nhiệm của bé luôn than phiền với tôi là con gái chị chậm hơn các bạn trong lớp, hỏi ra mới biết là các bạn cùng lớp của bé tất cả đều đi học thêm hè. Cuối năm học vừa qua, bé nhà tôi là học sinh duy nhất của lớp đạt học sinh tiên tiến (99% học sinh của lớp đều là học sinh giỏi). Thấy kết quả học tập của bé như thế tôi cũng lo, nhưng tôi không thể vì thành tích của lớp nói riêng và của trường nói chung để tạo áp lực cho bé cần phải đạt học sinh giỏi. Tôi đã thử thúc ép bé học với năng suất cao hơn, nhưng kết quả bé không thấy vui, thời gian của bé sau giờ học ở trường đáng lẽ ra phải dành cho tình cảm gia đình, vui chơi và giải trí, thế mà cả nhà tôi đã không dẫn các bé đi chơi cuối tuần hoặc trò chuyện với nhau sau bữa cơm tối, lại bắt bé học. Tôi áp dụng cách này được 2 tháng thì thấy bố mẹ không vui, con cái cũng chẳng thích thú gì. Tôi lại quay về cách học bình thường cho một đứa trẻ 7 tuổi. Học ở trường cả ngày, chiều về bé có thể giải trí một chút bằng cách đạp xe đạp, chơi với em trai, ăn cơm tối , học bài ở trường , xem qua bài để chuẩn bị cho hôm sau.

Câu hỏi của tôi là, số lượng kiến thức của các bé cần cho 7 tuổi là bao nhiêu ngoài việc bé đọc viết, làm toán (các phép tính căn bản) thành thạo? Trong khi đó, mỗi khi thi tôi thấy bé nhà tôi học thuộc lòng các bài văn cô cho sẵn. Tôi đã phải nhắm mắt làm ngơ với kiểu học thuộc lòng này để con tôi đạt kết quả như cô chủ nhiệm mong muốn.

Vì con trai tôi sắp bước vào lớp 1, tôi mong rằng sẽ có một sự thay đổi nào đó trong cách học này để tôi bớt lo và các bé học đúng với tuổi của bé.


Bạn đọc Tran Minh :

Sau khi viết bài báo nói trên, tôi nhân được rất nhiều sự chia sẻ của nhiều người cùng cảnh ngộ lo lắng cho các con mình chịu áp lực quá nặng nề về chuyện học hành.

Ngay từ khi con tôi vào lớp 1 tôi luôn nghĩ rằng kiến thức không thể chỉ mang đến từ trường học. Trường học chỉ mang đến cho bé khoãng 30% lượng kiến thức (gia đình mang lại cho 30% kiến thức, 40% còn lại từ các hoạt động xã hội). Kiến thức trong trường ngoài những kiến thức cơ bản còn lại thường dành riêng cho người có tính cách thiên về chuyên môn, nghĩa là sau này làm các công việc mang tính nghiên cứu. Tôi nghĩ, kiến thức trong trường không bao giờ đủ cho người có tính cánh thiên về xã hội như công tác xã hội, công tác quản lý. Và vì vậy tôi chưa bao giờ cho con mình học bán trú tại trường.

Khi con tôi lớn lên, tôi luôn hướng cháu vào các hoạt động xã hội, vào việc đọc các sách báo nhất là chuyên ngành tại thư viện. Tôi chỉ yêu cầu con mình đạt điểm trung bình là đủ (con tôi có tính hướng ngoại). Tôi cũng mong cháu cố gắng có những đam mê hữu ích cho xã hội, và lao vào đam mê đó để nghiên cứu để học hỏi, để tăng thêm kiến thức. Kiến thức là đích đến cuối cùng của học tập (không phải thành tích như hiện giờ xã hội đang hành xử).

Nhưng điều đó gần như không thể thực hiện. Vì các lý do sau :
1- Ai là người sẽ mang lại kiến thức cho bé, ta có thầy cô giáo, gia đình (cha mẹ, anh chị em), bạn bè trong giao tiếp và qua kinh nghiệm cuộc sống. Hiện giờ chỉ mỗi thầy cô là làm được chuyện đó. Bởi vài năm lại cải cách giáo dục, mỗi lần cải cách là làm cái xoẹt, bỏ luôn cái cũ. Sau bao nhiêu lần cải cách, mỗi khi con gặp khó trong học tập, tôi cũng không dám giảng bài cho bé, vì bé bảo rằng ba giảng không giống cô giảng, không giống cô giảng là điểm xấu. Ngay cả làm cách mạng người ta vẫn quan tâm đến sự tiếp nối, truyền thống là cái không thể thiếu, cha mẹ ảnh hưởng đến 30% nhân cách khi bé lớn và thậm chí 100% khi bé còn nhỏ. Cha mẹ và con cái bị tách rời trong hoạt động giáo dục. Bé ra đời mất đi cái gốc rễ là chuyện đương nhiên. Và kiến thức mà bé có không dựa trên nền tảng gia đình cũng dễ dàng bị mai một.
 
2- Học là phải biết, biết là phải hiểu, hiểu để có thể vận dụng. Ông bà ta dạy học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học chẳng để làm gì. Hành ở đây được hiểu không chỉ là cái hành sau này khi ra đời mà còn là hành trên cái đang học. Bé học về tính lễ phép, phải hành xử lễ phép. Bé học về ma sát phải thấy được lực ma sát, tạo được lực đó, thậm chí còn sáng tạo ra các ứng dụng. Để hiểu bài tốt nhất là phải có hành. Nhưng thật sự bé học ở trường, sự biết còn không có chứ đừng nói đến sự hiểu, càng không dám nói đến sự hành. Kiến thức từ trường mang đến, nếu mang ra đời (không phải mang vào chuyên môn) chỉ là con vẹt. Bé nói như con vẹt. Quen hành xử kiến thức như con vẹt (lớp 10 vẫn đọc truyện tranh là chủ yếu). Đọc rất nhanh, hiểu rất nhanh, phản ứng rất nhanh và chấm hết.
 

3- Một ngày bé học (bé học lớp 10), tuần 6 buổi, 2 tuần thì học một ngày chủ nhật, vài tuần thì có học bù vào ngày chủ nhật khác. Khỏi hy vọng đi đâu xa kể cả đi du lịch hoặc về tham ông bà. Ngày học sáu tiết buổi sáng, tuần học 3 buổi chiều, chiều học đến 17g30, 3 buổi còn lại thỉnh thoảng phải lên trả bài. Khỏi hy vọng đến thư viện đọc sách, khỏi hy vọng cho bé tham gia các câu lạc bộ, hội đoàn. Còn ác hơn, bé học về mà chẳng hiểu thầy cô giảng gì, phải tìm cách cho bé học thêm. Bốn môn suy luận là 4 môn phải học thêm (bé tôi học giỏi mấy môn học bài), ngày 1 môn 1g30 phút, mất luôn 4 buổi chiều tối (tính cả chủ nhật). Nếu tính thêm học ngoại ngữ thì chẳng còn được miếng thời gian nào để đọc truyện (tại nhà) chứ đừng mơ ước đến việc đọc sách và nghiên cứu.

 

Chúng ta có một nền giáo dục là sản phẩm của một thời cơ chế duy ý chí. Xã hội đã thay đổi, kinh tế thay đổi, nhưng định hình văn hoá thì không có và giáo dục vẫn còn ở lại. Trong khi kinh tế thì luôn coi trọng khách hàng, xã hội đặt nguyện vọng người dân lên hàng đầu thì giáo dục vẫn thực hiện theo ý nguyện của một số người bất chấp nhu cầu của kinh tế và xã hội.

Phải thay đổi thôi, các bạn nghĩ sao.

LTS Dân trí - Những ý kiến tâm huyết của nhiều bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn có sự đổi mới về căn bản của nền giáo dục nước nhà đối với trẻ em. Bởi lẽ nền giáo dục hiện hành đang làm thui chột tuổi thơ một cách có hệ thống, đồng thời cắt xén phần giáo dục rất cần thiết của gia đình cũng như xã hội dành cho trẻ em, bởi tất cả thời gian nhà trường đã chiếm đọat để thực hiện chương trình nặng nề và nhồi nhét nhiều kiến thức vô bổ và rất xa lạ với tuổi thơ.

Chuyện này đã nói quá nhiều rồi mà sao những người có trách nhiệm “cầm cân nảy mực” của ngành giáo dục vẫn không chuyển. Xin các quý vị hãy nhớ lại tuổi thơ của mình, chân lý sẽ tìm thấy từ thực tiễn sinh động đó, không cần những công trình nghiên cứu duy lý nào khác.