Nói không với nạn mãi lộ

Mọi người sinh ra, ai cũng có tại có mắt và phải đi lại, tức là tham gia giao thông, cho nên hầu như mọi người dân Việt Nam đều phải chứng kiến cảnh ngang trái trên đường là nạn mãi lộ.

Nó phổ biến và nghiêm trọng ở chỗ thủ phạm ở đây lại chính là kẻ nhân danh người thực thi pháp luật, nắm “quyền sinh quyền sát” trong lĩnh vực giao thông, cho nên nhiều người sợ không dám hé răng mặc dù trong lòng rất bất bình.

Nếu “người ngay không sợ kẻ gian” thì kết quả sự việc sẽ diễn biến theo chiều hướng khác. Gần đây, tôi đi công tác cùng một chuyên gia người Đức vào Nghệ An. Lái xe cũng chính là vị chuyên gia người Đức đó. Đến gần thành phố Vinh, xe bị CSGT chặn lại.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Vị chuyên gia người Đức đỗ xe dạt vào ven đường và quay cửa kính xuống. Một cảnh sát bước đến cạnh xe giơ tay chào theo kiểu nhà binh và nói ra yêu cầu của mình. Tôi dịch lại cho ông bạn người Đức biết là "cảnh sát muốn kiểm tra giấy phép lái xe của anh". Người Đức vẫn ngồi nguyên trên ghế lái xe, nói OK rồi bình thản rút giấy phép lái xe của mình ra và dùng một tay đưa cho viên cảnh sát.

Viên cảnh sát không đưa tay nhận lấy giấy phép, mà yêu cầu người lái xe phải bước ra khỏi xe để đưa giấy phép của anh ta. Rất bất ngờ, ông bạn người Đức hỏi lại: "Này, anh muốn gì? Anh yêu cầu kiểm tra GPLX thì có đây. Tại sao tôi lại phải bước ra ngoài xe thì anh mới kiểm tra được GPLX của tôi?"

Viên cảnh sát nói với tôi: "Nhờ anh dịch hộ là ở Việt Nam , khi gặp công an giao thông thì lái xe phải bước ra khỏi xe". Tôi không dịch nhưng hỏi lại: "Có thật vậy không? Ông có thể cho tôi biết có điều luật nào quy định lái xe phải bước ra khỏi xe để CSGT kiểm tra GPLX không? Hay là đây là quy trình riêng của ngành công an?".

Có lẽ mấy tay CSGT hôm đó biết gặp phải loại người không dễ bắt nạt và dính dáng đến chuyện người nước ngoài nên đành phải để chúng tôi đi. Thế đấy. Giá phải lái xe Việt Nam thì họ đã dọa giam xe hoặc bấm lỗ GPLX mà đành phải “làm luật” với họ dù biết rằng điều đó rất vô lý.

Có một sự thực là phần nhiều lái xe khách và xe tải đường dài hiện nay đều vi phạm luật lệ giao thông như chở quá tải hoặc quá số người quy định, hoặc chạy quá nhanh... cho nên họ sợ CSGT vì nếu bị bắt thì họ sẽ bị phạt rất nặng. Bởi vậy, họ sẵn sàng hối lộ CSGT để được bỏ qua. Còn CSGT thì họ cũng biết rất rõ điều đó. Tuy nhiên, thay vì làm nhiệm vụ như Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trả lương và giao phó cho để bảo đảm an toàn giao thông thì họ lại lợi dụng chuyện này để tìm mọi cách kiếm chác những đồng tiền bất chính.

Họ nhớ mặt từng lái xe đường dài, nhận biết đặc điểm của từng chiếc xe và chủ của nó. Nếu lái xe nào 'biết điều” và “làm luật” đúng yêu cầu thì họ cho qua. Bằng không, tự người lái xe cũng hiểu điều gì đang chờ mình trong những chuyến xe sau.

Tình hình tiêu cực phổ biến đó không chỉ người dân biết mà chắc rằng Bộ Công an cũng biết. Vấn đề là Bộ chủ quản có thật quyết tâm và đề ra những biện pháp thật quyết liệt để chấm dứt nạn “cướp cạn” này không? Hơn nữa còn cần kiểm tra xem các quan chức trong Sở Công an các tỉnh có bật đèn xanh cho chuyện này để ăn chia những đồng tiền bất chính này không?

Bởi vậy, muốn cải thiện tình hình an toàn, trật tự giao thông ở nước ta, tôi cho rằng song song với việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thắt chặt việc học và thi lấy bằng lái xe cho nghiêm túc hơn, giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho quần chúng, phạt nặng những ai cố tình vi phạm luật lệ giao thông... thì Bộ Công an phải kiên quyết nói không tệ nạn mãi lộ trên đường đã làm tha hóa một bộ phận đáng kể trong lực lượng cảnh sát giao thông.

Trước mắt, Bộ cần ban hành công khai một quy trình kiểm tra giao thông để toàn dân cùng biết và kiểm tra giám sát. Trong quy trình đó, bắt buộc tài xế/phụ xe không được bước xuống xe. CSGT phải trực tiếp lên xe để kiểm tra GPLX, hàng hóa và con người. Bộ phải truy tố bất kỳ cán bộ chiến sĩ nào tiếp tục “làm luật”.

Tôi nói truy tố bởi đó là hành vi vi phạm luật pháp trắng trợn, hành vi ăn cướp giữa ban ngày mà hậu quả của chúng sẽ là rất nghiêm trọng, không thể chỉ buộc thôi việc hoặc kỷ luật hành chính được.

Người dân đang chờ đợi ở Bộ Công an hành động kiên quyết và có hiệu quả.

Phạm Gia Bách
Thạc sĩ khoa học về Phát triển Xã hội
349/70 phố Minh Khai, Hà Nội

LTS Dân trí - Nhân dân phản ảnh rất nhiều về tình trạng ăn mãi lộ của cảnh sát giao thông. Tình trạng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của người Cảnh sát Nhân dân vốn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó cho nhiệm vụ quan trọng là giữ gìn trật tự và bảo đảm an toàn giao thông, cũng là người bảo vệ và thực thi pháp luật trên mọi tuyến đường trong cả nước.

Thật đáng tiếc là không ít những người có vinh dự mặc sắc phục cảnh sát giao thông lại có những hành động tham nhũng, trắng trợn vi phạm luật pháp. Vì vậy, đi đôi với việc tuyên dương khen thưởng những chiến sĩ công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cần kiên quyết xử lý những “kẻ cướp ngày” trên đường vì họ đã làm vấy bẩn bộ sắc phục cao quý của người cảnh sát nhân dân. Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với lực lượng cảnh sát, vốn là con em của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm