Ninh Bình: “Điểm mặt” những mỏ khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa thuê đất!

(Dân trí) - Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn có 12 dự án khai thác khoáng sản được cấp phép khai thác nhưng chưa thực hiện các thủ tục thuê đất, ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV, khảo sát của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, hiện nay trên địa bàn có nhiều mỏ khải thác khoáng sản được cấp phép khai thác, đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hợp đồng thuê đất dẫn đến chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Ninh Bình: “Điểm mặt” những mỏ khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa thuê đất! - 1

Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV "nóng" vấn đề các mỏ khoáng sản trên địa bàn được cấp phép khai thác, đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hợp đồng thuê đất, chưa đóng thuế cho Nhà nước.

Ông Trịnh Xuân Ba – Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình cho biết, trên địa bàn hiện có 12 dự án khai thác khoáng sản được cấp phép khai thác, thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các huyện, thành phố nhưng chưa thực hiện các thủ tục thuê đất, ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. 

Cụ thể, có 8 dự án sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa được Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích gồm: Dự án khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại núi Mả Vôi, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư của Công ty CP xi măng Hệ Dưỡng, được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013, Bộ TN&MT cấp phép khai thác tháng 10/2013 với diện tích 71,8ha, trong đó có 43ha đất rừng đặc dụng. 

Dự án khai thác đá vôi làm VLXD tại núi Quyền Giang, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan của Công ty CP công nghiệp Hà Nam Ninh được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận đầu tư tháng  9/2017 và cấp giấy phép khai thác tháng 3/2018, diện tích khu vực khai thác 18ha, trong đó có 16ha đất rừng phòng hộ.

Ninh Bình: “Điểm mặt” những mỏ khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa thuê đất! - 2

Ông Trịnh Xuân Ba - Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình trả lời các vấn đề cử tri quan tâm đến việc các mỏ khai thác khoảng sản chưa thuê đất, chưa đóng thuế trên địa bàn tỉnh.

Dự án khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại xã Gia Hòa và Gia Thanh, huyện Gia Viễn của Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai (nay là Công ty CP Vissai Ninh Bình) được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 5/2013, Bộ TN&MT cấp phép khai thác tháng 12/2016, trong đó diện tích khu vực khai thác 33,61ha là đất rừng phòng hộ. 

Dự án khai thác đá vôi làm VLXD tại núi Cay, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan của Công ty TNHH Xuân Thiện được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 10/2008, cấp phép khai thác tháng 5/2011, trong đó diện tích khai thác 64,8ha là đất rừng phòng hộ. 

Dự án khai thác đá vôi làm VLXD tại Thung Lở - Vỏ Vịt, xã Đức Long, huyện Nho Quan của Công ty CP Thương mai và Sản xuất VLXD Đức Long được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép khai thác tháng 3/2011, trong đó diện tích khai thác là 4,0ha là đất rừng phòng hộ. 

Dự án khai thác đá vôi làm VLXD tại núi Hang Luồn, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan của HTX Khai thác đá và sản xuất VLXD Tây Sơn được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 10/2013, cấp phép khai thác tháng 7/2015, diện tích khu vực khai thác 1,0ha; tổng diện tích đất phục vụ dự án là 1,5ha (có 1,0ha đất rừng phòng hộ).

Ninh Bình: “Điểm mặt” những mỏ khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa thuê đất! - 3

Một mỏ khai thác đá tại xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Dự án khai thác đá vôi làm VLXD tại khu vực núi Sẽ Chè, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Vôi Việt được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận năm 2017 và cấp phép khai thác tháng 6/2017; trong đó diện tích khai thác 11,4ha là đất rừng phòng hộ. 

Dự án khai thác đá vôi làm VLXD tại khu vực Hang Nước, xã Quang Sơn, TP Tam Điệp của Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận đầu tư năm 2016 và cấp phép khai thác tháng 11/2016; trong đó diện tích khai thác 12ha là đất rừng phòng hộ. 

Có 4/12 dự án chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gồm: Dự án khai thác sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực đồi Đá Lăn, đồi Giàng, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan và xã Quang Sơn, TP Tam Điệp của Công ty CP xi măng Hệ Dưỡng, được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013, Bộ TN&MT cấp phép khai thác tháng 10/2013, diện tích khu vực khai thác 60,15ha, hiện nay vẫn chưa hoàn thiện công tác GPMB.

Ninh Bình: “Điểm mặt” những mỏ khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa thuê đất! - 4

Hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Dự án khai thác đất tại đồi Sòng Văn, xã Quang Sơn, TP Tam Điệp của Công ty CP Nhật Quân Anh được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép khai thác tháng 12/2010, diện tích khu vực khai thác 30ha, hiện nay chưa thực hiện xong công tác GPMB; Dự án khai thác đá vôi làm VLXD tại núi Mãng, xã Quang Sơn và phường Nam Sơn, TP Tam Điệp của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hải An được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận năm 2018, cấp phép khai thác tháng 6/2018, diện tích khai thác 2,03ha, hiện nay chưa thực hiện xong GPMB. 

Dự án khai thác sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại xã Gia Hòa, Gia Vượng (nay là thị trấn Me), huyện Gia Viễn của Công ty CP Vissai Ninh Bình được Bộ TN&MT cấp phép khai thác tháng 11/2008, diện tích 21,17ha. 

Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình nêu giải pháp xử lý: Đối với các dự án sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Sở TN&MT đã hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư, UBND các huyện và thành phố phối hợp với Sở và Sở NN&PTNT tỉnh để tham mưu với UBND tỉnh báo cáo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Chính phủ chấp thuận việc chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ, rừng đặc rụng để thực hiện dự án. 

Đối với các dự án chưa hoàn thiện xong công tác GPMB, mặc dù đã phối hợp đôn đốc nhiều lần, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp và có văn bản đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi có đất thực hiện công tác GPMB, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. 

Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đối với dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác nếu dưới 20ha thì phải thông qua HĐND cấp tỉnh, trên 20ha thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản. 

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với chủ trương: “… không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc dự án đặc biệt do Chính phủ quyết định)…” và được cụ thể hóa tại Luật Lâm nghiệp do Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 15/11/2017. 

Do đó việc chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc rụng là rừng tự nhiên sang các mục đích khác đều phải được Chính phủ cho phép mới được thực hiện. 

Thanh Bình