Niềm hy vọng cho Giáo dục Đại học

Tôi rất bất ngờ và cũng rất vui sau khi đọc bài: "Tạo điều kiện cho giảng viên trẻ làm việc tốt" trên Diễn đàn Dân trí của TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học FPT.

Tôi bất ngờ, vì từ trước tới nay rất hiếm khi thấy có một vị lãnh đạo nào của một trường ĐH đăng đàn để trình bày quan điểm của BGH trong việc sử dụng nguồn nhân lực là cán bộ giảng viên trẻ. Sự xuất hiện của TS Tùng có thể xem là một tín hiệu vui cho nền giáo dục ĐH nước ta.

Tôi cũng rất phấn khởi vì dù sao trong hệ thống các trường ĐH, điều mà bấy lâu dư luận quan tâm, là cách đối xử với cán bộ trẻ có vấn đề, thì nay đã có lời phát biểu chính thức của người có trách nhiệm cao nhất của một trường ĐH trong chuyện này.

Tôi rất tâm đắc với câu nói của TS Tùng: "Nếu một trường ĐH mà không tạo điều kiện cho giảng viên trẻ làm việc, thì tôi không tin rằng đấy là trường ĐH có định hướng và tương lai phát triển tốt".

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Vâng! Nếu như vị hiệu trưởng nào cũng có được tư tưởng tiến bộ và hợp thời cuộc như thế, thì không đến nỗi bây giờ phải có những lời phê phán về những quan điểm sai lệch nói trên. Và cũng không để xảy ra tình trạng giảng viên trẻ là người luôn phải "bưng bê, điếu đóm" cho các vị "lão làng" như một số bài viết gần đây đã đề cập. Đến nỗi họ - Những giảng viên trẻ ấy - đã phải thốt lên "chúng tôi phải sống trong cảnh bần cùng và không có lối thoát".

Cho nên hiện tượng các giảng viên trẻ "chân ngoài dài hơn chân trong" rồi "chạy xô" để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống là điều dễ hiểu. Đó là một trong số những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục ĐH còn thấp.Vì theo TS Tùng, "họ tuy ít kinh nghiệm nhưng lại đại diện cho các tri thức, công nghệ mới, cũng là những người sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi, sẵn sàng thích ứng với các phương thức đào tạo mới...", nhưng họ còn mãi lo về chuyện tiền nong cơm gạo, trong khi lại không được trọng dụng. Thử hỏi họ còn đâu thời gian và nhiệt huyết cho công việc, dù năng lực và tâm huyết đâu có thiếu.

Hồi còn học ĐH, sinh viên chúng tôi cũng rất ít khi thấy giảng viên trẻ đứng lớp. Thời đó chúng tôi không quan tâm lắm. Nhưng bây giờ ngẫm lại, liên hệ với thực tế, mới nhận ra rằng: Chuyện này đã có từ lâu rồi, và cho đến bây giờ vẫn tồn tại như một định kiến. Nếu đúng như vậy thì thật nguy hiểm.

Chính vì thế, việc TS Tùng trình bày những quan điểm của trường đại học FPT trong việc sử dụng giảng viên trẻ như ông đã đề cập là điều đáng để lãnh đạo các trường ĐH phải suy nghĩ, từ đó có những quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tế của trường.

Mong sao chúng ta có nhiều trường ĐH có cách nhìn nhận như đại học FPT, để môi trường giáo dục ĐH có nhiều khởi sắc, xoá đi những gì còn tồn tại không hay mà bấy lâu dư luận xôn xao nhiều. Sự kỳ vọng về giáo dục ĐH của toàn dân là điều đáng trân trọng và đáng được quan tâm.

Đinh Xuân Tiễn
Khu phố 3, thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình 

LTS Dân trí - Quan điểm chưa đúng cũng như chính sách chưa thỏa đáng đối với giảng viên trẻ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trì trệ không thấy rõ tương lai của không ít các trường đại học. Đấy cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo đại học ở nước ta.

Trong tình trạng trì trệ chung như vậy, Trường Đại học FPT tuy mới thành lập, nhưng đã mạnh dạn đổi mới phương thức đào tạo cũng như thực hiện chính sách trọng dụng đối với giảng viên nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm đến giảng viên trẻ.

Quan điểm đúng đắn của Trường Đại học FPT đã được thể hiện ở bài viết tham gia Diễn đàn Dân trí của Hiệu trưởng nhà trường được nhiều độc giả chia sẻ và đồng tình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm