Những vấn đề pháp lý liên quan hơn 15 nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19

Khả Vân

(Dân trí) - Bên cạnh những chính sách an sinh xã hội dành cho các em, thì vấn đề pháp lý đặt ra về quyền thừa kế và bảo vệ tài sản của trẻ mồ côi khi bố mẹ qua đời cũng được dư luận quan tâm.

Theo số liệu của Sở GD-ĐT TPHCM ngày 14/9, chỉ riêng tại TPHCM đã có 1.517 học sinh mồ côi vì mất đi cha mẹ hoặc người bảo trợ. Con số trên khiến bất cứ ai cũng đều cảm thấy đau nhói, xót xa.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, theo Nghị định 20 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng với mức 900.000 đồng/tháng nếu dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên.

Các em cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường cho đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Những vấn đề pháp lý liên quan hơn 15 nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19 - 1

Đợt dịch vừa qua khiến hàng ngàn trẻ em mất cha, mẹ (Ảnh: Nguyễn Quang).

Ngoài ra, theo các quy định của Luật trẻ em 2016, nghị định 56/2017 và nghị định 20/2021, trẻ mồ côi cả cha mẹ được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân, cá nhân, cộng đồng trong xóm, tổ dân phố, nhận nuôi con nuôi, đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Bên cạnh những chính sách an sinh xã hội dành cho các em, thì vấn đề pháp lý đặt ra về quyền thừa kế và bảo vệ tài sản của trẻ mồ côi khi bố mẹ qua đời cũng được dư luận quan tâm. Vậy việc này được thực hiện thế nào?

Xác định hàng thừa kế 

Theo luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trường hợp trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ mà không có di chúc để lại, thì sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015.

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 về người thừa kế theo pháp luật như sau:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  5. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  6. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, gồm cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Ở đây, cần xác định có những ai là người hưởng thừa kế của người chết? Phần di sản mà trẻ nhận được khi chưa đủ tuổi thành niên sẽ cần người giám hộ để quản lý phần tài sản đó.

Về điểm này, Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Người đại diện theo pháp luật của cá nhân sẽ là cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Trường hợp này, cha mẹ các cháu đều không còn nên sẽ lựa chọn người giám hộ để quản lý phần tài sản đó cho các cháu.

Lựa chọn người giám hộ

Điều 52 Bộ luật dân sự 2015 quy định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định dựa trên thứ tự sau đây:

- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

- Trường hợp không có người giám hộ là anh ruột hay chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

- Trường hợp không có người giám hộ là anh, chị ruột hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho các cháu, gia đình nên yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Đồng thời tiến hành cử người giám hộ cho các cháu theo quy định trên.

Những vấn đề pháp lý liên quan hơn 15 nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19 - 2

Hội đồng Đội Quận 8, TPHCM thăm hỏi và trao quà cho một bé trai 5 tuổi mồ côi bố mẹ (Ảnh: Thành đoàn TPHCM).

Điều 55 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi như sau:

- Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ.

- Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

- Quản lý tài sản của người được giám hộ.

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Người giám hộ của người chưa thành niên có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Bên cạnh đó, Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể về việc định đoạt tài sản riêng của trẻ chưa thành niên như sau:

- Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ  hoặc người giám hộ.

Về vấn đề này, ngày 17/9 Sở Tư pháp TPHCM đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn về việc chăm sóc, giám hộ trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng do cha, mẹ, người thân thích chết vì Covid-19 và quản lý di sản chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản.

Theo đó, với trẻ mồ côi, trẻ không ai nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân vì dịch bệnh Covid-19, UBND phường, xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú phải hỗ trợ, nuôi dưỡng.

Đồng thời, UBND phường, xã, thị trấn cần quyết định các biện pháp chăm sóc thay thế, đăng ký giám hộ cho trẻ theo quy định. Nếu trẻ không có người giám hộ, địa phương cử người giám hộ. Trình tự, thủ tục việc đăng ký giám hộ, cử người giám hộ được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch.

Trong trường hợp chưa thực hiện được các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ, địa phương thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ trong thời gian chưa tìm được người giám hộ.

Đối với di sản do cha, mẹ, người thân của trẻ bị mất để lại, địa phương thực hiện công tác quản lý trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản và giao lại di sản khi có yêu cầu của người thừa kế theo quy định. Việc quản lý di sản được thực hiện theo khoản 1, Điều 617 Bộ luật Dân sự.