Những làng hoa vào mùa…chờ Tết

Như thông lệ, hầu như Tết đến khá sớm với các làng hoa. Bà con nông dân ở đây hối hả bắt tay vào công việc chuẩn bị phục vụ Tết từ khi các siêu thị và phố phường chưa thấy bầy bán các hàng Tết thì các làng hoa đã vào mùa…chờ Tết!

Mặc dù cách Tết một thời gian khá dài nhưng hoa, cây cảnh đòi hỏi sự chăm sóc rất tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn, vì thế người dân phải làm sớm mới mong kịp bán Tết.


Ở những làng hoa truyền thống như Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân, Phú Thượng, mọi người lao động miệt mài từ sáng sớm tới tối mịt, trong đó không ít người buổi trưa ăn cơm ngay tại ruộng hoa. Bác Lê Văn Quyết, ở Tứ Liên, chủ nhân của một vườn quất cảnh 300 gốc, kể: “Nghề trồng quất có lẽ là vất vả nhất so với trồng nhiều loại cây hoa khác. Để cây có dáng đẹp, quả phân bổ đều khắp thì phải buộc dây thép từng cành, từng quả, kéo chúng ra những chỗ thưa cành, ít quả, cho đẹp…”. Vì vậy mà để tạo thế cho một cây quất cảnh loại trung, cần 2 lao động làm việc cật lực trong nửa buổi và như vậy, với 300 gốc quất, 4 người trong gia đình bác Quyết phải gò thế trong khoảng 2 tháng ròng rã.

 

Ở Tứ Liên, Quảng Bá là hai nơi nổi tiếng làm quất cảnh đẹp, lâu đời - những ngày này, dường như mọi nhà đều đổ ra vườn để gò thế quất. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, người làm phải có con mắt tinh tường, sự khéo léo để có thể biến cây dáng lệch, xấu xí thành cây dáng cân, đẹp… Chẳng thế mà mọi gia đình đều tự gò thế cây theo ý mình chứ không thuê nhân công, vì theo như các chủ vườn cho biết thì những nhân công thuê mướn gò quất họ làm cẩu thả cho nhanh nên không đảm bảo yêu cầu mỹ thuật, dáng thế của cây quất.
Những làng hoa vào mùa…chờ Tết - 1

Trồng cây cảnh tết không những tốn nhiều công sức mà còn cần có con mắt thẩm mỹ và nghệ thuật chăm sóc phù hợp để cây vừa có thế đẹp, lại nở hoa, cho quả chín và lộc xanh vào đúng dịp Tết.
 
Danh tiếng của quất Quảng Bá, Tứ Liên đã khiến thương lái, người sành chơi dưới phố tìm tới để đặt. Bác Trần Quân ở Quảng Bá cho biết, mặc dù còn khá lâu nữa mới tới Tết nhưng đã có nhiều khách lên vườn chọn cây. Họ đặt tiền cho các cây ưng ý, dẫu quả mới chỉ bắt đầu ngả vàng đôi chút.

Nhật Tân - làng hoa đào có bề dày lịch sử cả 500 năm có lẻ. Dẫu diện tích bạt ngàn của cánh đồng hoa đã nhường chỗ cho quy hoạch đô thị nhưng người nông dân vẫn rất hăng say chăm sóc những cây đào ít ỏi còn lại trong vườn nhà hay trên vạt đất bồi ven sông Hồng. Bây giờ, cây đào chưa đến độ tuốt lá, mà người ta đang bón thúc để cho nó có lực nuôi hoa vào độ Tết.

 

Bà Nguyễn Thị Hà, ở cụm 2 Bắc Nhật Tân bắt đầu tuốt lá đào khi cách Tết chừng 30 - 45 ngày. Công việc không vất vả, cả trăm gốc chỉ làm trong vòng vài ngày, xong cái khó là phải biết tuốt lá vào đúng lúc cần thiết để nở hoa trúng dịp Tết trong khi thời tiết  thất thường, chả năm nào giống năm nào. Năm nay nhiều hôm mùa đông mà nắng chói chang như mùa hè nên người dân Nhật Tân cũng như các làng hoa có trồng hoa đào phải đắn đo, tính toán và… ngóng trời để mà chọn ngày tuốt lá đào sao cho hoa nở đúng vào lúc mong muốn.

Sắc hoa đào Nhật Tân từ mấy Tết nay còn rất ít và không đáng kể, may mà đã có khá nhiều làng hoa mới ở Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Hoài Đức, Mê Linh… Nhưng, dẫu có đủ đào cắm chơi Tết đi nữa thì ai cũng vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó ! Sự lưu luyến, nhất là của người Hà Nội, về sắc đào Nhật Tân vốn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội là điều dễ hiểu…


Ngược cầu Thăng Long, qua sông Hồng sang huyện Đông Anh và đi nữa là đến huyện mới của Hà Nội là Mê Linh - hai địa danh được coi là vành đai cung ứng hoa tươi chủ lực cho Hà Nội. Nông dân trồng hoa, ngoài uốn tỉa cây cảnh, chăm bón đào, hoa hồng, lay ơn còn đang chuẩn bị trồng các giống hoa lá ngắn ngày phục vụ Tết như: thược dược, violet, lá măng, susi… Chị Lê Thu Thủy, ở làng hoa mới Tiên Dương cho biết: “Ở làng hoa này, hầu như mọi nhà đều trồng hoa hồng và khi gần Tết là dành một khoảng nhỏ để trồng hoa, lá ngắn ngày. Những loại hoa lá này có thời gian sinh trưởng ngắn nên không tốn nhiều công, cái khó là tính lịch trồng sao cho phù hợp để thu đúng Tết là được…”. Ở các làng hoa khác của Đông Anh như Nam Hồng - Bắc Hồng, Vân Trì, Kim Chung người nông dân cũng đang hết mình chăm chút cho cây hoa, cảnh để chờ thu hoạch vào dịp Tết

Qua làng hoa hồng Mê Linh, không khí lao động khẩn trương chẳng kém gì mùa gặt, các nhà vườn thi nhau đổ ra đồng tưới hoa, phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho cành lộc mập mạp. Tết này, chủng loại hoa hồng ở Mê Linh sẽ cực kỳ đa dạng về màu sắc. Nhiều nhà đã mua giống mới của nước ngoài để trồng thử nghiệm. Ngoài hoa hồng, rất nhiều hộ dân ở đây đã trồng được hoa lys với diện tích lên tới hàng chục ngàn mét vuông. Hy vọng Tết này thị trường hoa lys tại Hà Nội sẽ ít sốt giá hơn vì có thêm nguồn hàng từ Mê Linh…

Xa hơn, tại “vựa” hoa đào mới của Hà Nội là huyện Thường Tín, nông dân các xã trồng hoa cũng đồng loạt ra đồng để tưới bón cho cây đào. Không ít hộ trồng nhiều diện tích nên mặc dù đào chưa tuốt lá họ đã lấy dây thép níu cành buộc thế cây dần dần kẻo lo không kịp. Anh Trần Văn Công, ở Thôn Nỏ Bạn, thị trấn Thường Tín, chủ nhân của gần 1000 gốc đào kể: “Sở dĩ tôi phải gò thế cây dần là vì nhà tôi trồng nhiều quá, nhân công lại neo đơn nên sợ đến cận Tết lo làm không kịp. Nếu gò thế cây trước khi tuốt lá sẽ khó hơn, thế những không sao vì ở đây mọi nhà làm đào đã được trên dưới chục năm nên đều đã có kinh nghiệm rồi…”.

Tết Canh Dần đang đến gần kề và cũng như nhiều người, nhiều ngành nghề luôn chờ Tết đến để bán được nhiều hàng. Những người nông dân trồng hoa và cây cảnh đã lao động vất vả, khẩn trương từ mấy tháng trước, mong cho thời tiết không phụ lòng người để có được nhiều lọai hoa và cây cảnh đẹp phục vụ Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhất là Tết năm nay đúng vào năm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

                                                                               

 

Lê Thu Huyền

                                                                               Khoa Báo chí-ĐHQG Hà Nội

 

LTS Dân trí - Theo truyền thống thẩm mỹ của dân tộc ta, mọi gia đình Ngày Tết đều chọn những trái cây tươi tắn, với nhiều màu sắc hòa hợp để bầy mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên; còn chọn những cây quất, cây đào, cây mai trông thật ưng mắt để trang trí cho phòng khách…

Để có được những cây cảnh và nhiều lọai hoa đẹp bầy ngày Tết, người nông dân ở các vùng trồng hoa không những tốn nhiều công sức mà còn cần có con mắt thẩm mỹ và nghệ thuật chăm sóc phù hợp để cây vừa có thế đẹp, lại nở hoa, cho quả chín và lộc xanh vào đúng dịp Tết.

Biết được công phu của người trồng hoa và cây cảnh, chúng ta càng thấy thêm ý nghĩa và giá trị của thú chơi hoa và cây cảnh Ngày Tết mang tính truyền thống của dân tộc.