Những kẻ tranh nhau "hôi" sạch tiền của cô gái khốn khổ sẽ trả giá ra sao?

Khả Vân

(Dân trí) - Sau khi đánh rơi 30 triệu tiền vay mượn để chữa bệnh cho mẹ, cô gái van xin mọi người đừng nhặt mà hãy trả cho mình. Nhưng số tiền đã bị nhặt sạch, nhóm người tham lam này có thể đối diện án tù 2 năm

Ngày 29/1, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ đi xe máy đánh rơi tiền trên đường, tổng số tiền là 30 triệu đồng. Ngay lập tức, nhiều người dừng xe lao vào tranh cướp, nhặt hết tiền, mặc cho cô gái khóc lóc van xin. Được biết, số tiền trên người phụ nữ này đã đi vay mượn để chữa bệnh cho mẹ.

Ngay sau đó, người phụ nữ này đã đến công an trình báo sự việc, chị chia sẻ: "Ngoài cô bán nước trả lại 4 triệu đồng, em vẫn chưa nhận được thêm một nghìn nào từ những người nhặt tiền. Trong clip cũng thể hiện rõ cô bán nước nhặt được nhiều nhất nhưng chỉ trả lại cho em 4 triệu đồng. Còn những người khác, công an đang trích xuất camera.

Em chỉ mong mọi người sớm trả lại tiền để em còn trả nợ và chữa bệnh cho mẹ. Mẹ em bị bệnh tiểu đường và trầm cảm nhiều năm nay nhưng không có tiền chữa, em phải gửi con nhỏ 7 tuổi nhờ ba mẹ chăm sóc để lên Sài Gòn bán quần áo thuê. Mỗi tháng em đều gửi tiền về cho ba mẹ".

Những kẻ tranh nhau hôi sạch tiền của cô gái khốn khổ sẽ trả giá ra sao? - 1
Hình ảnh người dân hôi tiền của cô gái đánh rơi ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh cắt từ clip.

Chiều 30/1, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Quận 7 cho biết đã chỉ đạo Công an quận điều tra, xử lý vụ việc, hiện Công an phường Tân Hưng, Quận 7 (TP.HCM) cho biết, đơn vị đã trích xuất camera, lập hồ sơ vụ việc gửi Công an Quận 7 và mời những người liên quan tới làm việc.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lí, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết:

 Hành vi của nhóm người hôi của, không chịu trả lại tài sản mình nhặt được khi người này yêu cầu trả lại có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Mặt khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản thể hiện bởi hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép dưới hình thức: không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản bị giao nhầm; không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc bắt được.

Theo quy định của BLHS, thì các hành vi nêu trên chỉ bị coi là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản sau khi: Chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng người chiếm giữ tài sản vẫn không trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc bắt được. Tài sản mà người phạm tội được nhận nhầm hoặc tìm được, bắt được có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên

Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm người chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay thẳng không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc phải giao nộp cho cơ quan Nhà nước có trách nhiệm. Nhưng vì muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình nên cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền về tài sản.

Điều 176 BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt đối với người phạm tội: Quy định hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm áp dụng đối với người phạm tội chiếm giữ tài sản không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.  

Xin cảm ơn Luật sư!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm