Những kẻ sàm sỡ phụ nữ ngoại quốc tại Hồ Tây lãnh hậu quả gì trong lý lịch?

(Dân trí) - Nhóm thanh thiếu niên này sau khi bị xử phạt hành chính được coi là có tiền sự và nếu không chấp hành nộp phạt thì sẽ không được xóa tiền sự trong lý lịch tư pháp

Như Dân trí thông tin, từ cuối tháng 1/2021 đến cuối tháng 2/2021, nhóm thanh niên đeo khẩu trang, đi xe máy có hành động sàm sỡ nhiều phụ nữ nước ngoài.

Theo các nạn nhân trình báo, hành vi sàm sỡ và tấn công người nước ngoài ở khu vực hồ Tây đã diễn ra rất nhiều lần với số lượng nạn nhân lên đến hàng chục người. Các vụ việc này khiến nhiều phụ nữ ngoại quốc tại Hà Nội sợ hãi khi đến khu vực hồ Tây và không dám ra đường buổi tối.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ.

Những kẻ sàm sỡ phụ nữ ngoại quốc tại Hồ Tây lãnh hậu quả gì trong lý lịch? - 1
Ba thiếu niên sàm sỡ phụ nữ ngoại quốc ở hồ Tây.

Chiều 5/3, Công an quận Tây Hồ cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội làm rõ 3 đối tượng có hành vi sàm sỡ người phụ nữ ngoại quốc ở khu vực hồ Tây.

Các đối tượng được xác định là là Nguyễn Duy L. (SN 2005), Nguyễn Ngọc H. (SN 2006) và Đinh Tiến Đ. (SN 2005), đều trú tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi của nhóm thành niên sàm sỡ phụ nữ là hành vi vi phạm hành chính được quy định tại điểm a, khoản 1 điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Người thực hiện hành vi vi phạm trên có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Hành vi vi phạm hành chính của nhóm thanh niên có tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính đối với nhiều người nên nhiều khả năng mỗi cá nhân thực hiện một hành vi sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất là 300.000 đồng.

Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý thì được xác định là vi phạm hành chính nhiều lần theo khoản 6, điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính xác định rõ rằng: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Do vậy căn cứ trên thông tin người vi phạm hành chính khai về số lần vi phạm thì cơ quan công an sẽ xử phạt về từng lần vi phạm. Trường hợp này từng người vi phạm sẽ bị xử phạt nhiều lần và mức phạt tiền có thể lên tới cả triệu đồng. Nếu thực hiện 20 lần thì mỗi cá nhân có thể chịu mức phạt lên tới 6.000.000 đồng".

Ngoài ra, luật sư Lực cho biết, nhóm thành niên này sau khi bị xử phạt hành chính được coi là có tiền sự và nếu không chấp hành nộp phạt thì sẽ không được xóa tiền sự trong lý lịch tư pháp. "Người có tiền sự là người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm. Theo quy định, thời hạn xóa tiền sự là sau 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt", luật sư Lực cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm