Những hệ lụy từ xét tuyển giáo viên

Nhiều năm nay Sở GD&ĐT của nhiều địa phương chủ trương bỏ thi tuyển giáo viên, thay bằng xét tuyển, dựa trên bằng cấp và kết quả tốt nghiệp đại học theo nguyên tắc từ cao xuống: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Giỏi, Khá, Trung bình…


Lúc đầu, chủ trương này được dư luận hoan nghênh, vì các tiêu chuẩn đã được nêu rõ công khai minh bạch, hy vọng sẽ giảm được tiêu cực như quen biết, chạy chọt cửa sau… Tuy nhiên, thực tế trong vài năm trở lại đây chủ trương xét tuyển này lại đang bộc lộ những bất cập, phát sinh những hệ lụy, tạo nên sự không công bằng giữa người học và giữa các trường đại học với nhau.

 

Đầu tiên, đấy là việc sinh viên ý thức được tầm quan trọng của số điểm đạt được ở đại học có vai trò quyết định đến việc xét tuyển sau này, một số cố gắng học bằng thực lực của mình, nhưng cũng có một bộ phận sinh viên dùng mánh khóe, quan hệ, tiền bạc để “mua điểm”. Không phải thầy cô nào cũng làm cái việc đáng xấu hổ đó, nhưng sự thực là vẫn có một số bị chi phối bởi đồng tiền và những thứ khác. Ai dám khẳng định chuyện “đổi tình lấy điểm” là không có ở bậc đại học?

 

Mặt khác, các trường đại học đều có tâm lý mong muốn sinh viên của mình tốt nghiệp đại học xin được việc làm, điều đó sẽ góp phần nâng cao “thương hiệu” để canh tranh, thu hút người học, từ đó dẫn đến việc nới tay trong đánh giá cho điểm. Thời tôi học lấy được tấm bằng khá là khó lắm và vinh dự lắm, còn tốt nghiệp loại giỏi thì rất ít, có khi mấy khóa mới có một người. Thế nhưng bây giờ học thường thường cũng có bằng khá, lớp nào cũng có người tốt nghiệp loại giỏi, thậm chí có lớp trên 10 người loại giỏi, trong khi đầu vào không mấy xuất sắc?! Thực trạng đó cho thấy, điểm số tăng nhưng chất lượng không tăng. Ngược lại vì tác động của những điều bất công đó mà làm cho chất lượng đi xuống. Là một giáo viên phổ thông, nhiều năm hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm tôi nhận thấy sinh viên ngày càng yếu chuyên môn, kể cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng kiến thức vẫn lơ mơ, có nhiều lỗ hổng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thêm nữa, việc xét tuyển theo nguyên tắc từ trên xuống, sẽ khiến cho bao công sức nỗ lực của sinh viên trong 4 năm đại học để có tấm bằng loại giỏi trở nên vô nghĩa, bởi lẽ loại giỏi cũng xếp sau thạc sĩ. Mà thạc sĩ bây giờ không phải là hiếm, thậm chí khá nhiều. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, trung bình không trúng tuyển chỉ còn cách đi học thạc sĩ, và họ sẽ được xếp trên. Trong khi đó sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng chỉ còn cách… đi học thạc sĩ. Mà có phải ai cũng có tiền để học thạc sĩ đâu? Tốt nghiệp được đại học, nhiều sinh viên và gia đình của họ đã gánh trên vai gánh nặng nợ nần…

 

Những hệ lụy phát sinh từ xét tuyển giáo viên là có thật. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền và các nhà quản lý giáo dục nên quan tâm nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, để tạo sự công bằng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo thực sự, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục.

 

                                                               Phạm Được

                                                         phamdinhduoc@gmail.com

 

LTS Dân trí - Mỗi phương pháp tuyển chọn công chức nói chung hay giáo viên nói riêng thường có những ưu điểm bên cạnh những nhược điểm. Phương pháp xét tuyển căn cứ vào bằng cấp và kết quả tốt nghiệp thường thuận tiện, không phải tổ chức thi hoặc phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, có nhược điểm như bài trên đã nêu; hơn nữa còn dễ bị chi phối bởi yếu tố chủ quan của người có chức có quyền  trong việc xét tuyển.

 

Để bảo đảm tốt hơn sự chuẩn xác và công bằng, nên phối hợp cả hai cách thi tuyển và xét tuyển, tuy có mất thời gian và công phu hơn nhưng có thể yên tâm hơn về kết quả tuyển chọn, giảm được sự chi phối ngoại lai không lành mạnh.