Những đề xuất chỉ ở ta mới có
(Dân trí) - Một cơ quan tham mưu ở Hà Nội vừa có đề xuất sẽ thu phí các xe ngoại tỉnh vào Hà Nội để chống ùn tắc giao thông. Việc làm này xem ra lạc lõng trong một thế giới đang ngày càng hội nhập, mở cửa và khi Việt Nam vừa vào WTO.
Trên thế giới chỉ có một xu hướng duy nhất tiến bộ là tạo điều kiện để ngày càng thông thoáng, ngày càng thuận lợi cho việc di chuyển, cư trú, đầu tư, du lịch, đi lại. Ở các nước EU, người ta còn đang tiến tới giảm thiểu các thủ tục ở các đường biên giới cho mọi người được đi lại, cư trú tự do. Xu hướng bó hẹp lại chỉ tồn tại ở rất ít nước ưa thích mệnh lệnh hành chính. Và kết quả luôn luôn là "gậy ông đập lưng ông".
Người ta còn nhớ, năm ngoái, Quốc hội vừa thông qua Luật Cư trú, tạo thông thoáng hơn cho người dân được tự do cư trú, tuy trong thực tế chưa phải hoàn toàn tự do thì Hà Nội lại đề xuất xin hạn chế dòng người nhập cư vào Hà Nội, để giảm sức ép dân số.
Những người tham mưu các chính sách hạn chế bằng hành chính này của Hà Nội không nghĩ rằng các tỉnh khác cũng có thể sẽ làm như vậy. Anh thu phí xe của tôi vào Hà Nội, thì xe Hà Nội về tỉnh tôi, tôi cũng sẽ thu phí của anh! Anh hạn chế người của tôi vào Hà Nội, thì tôi cũng sẽ hạn chế người Hà Nội về tỉnh tôi! Người tỉnh ngoài vào Hà Nội mua nhà, nhưng số đông để tìm công ăn việc làm, cung cấp nguồn lao động rẻ, làm việc trong các lĩnh vực ô nhiễm, độc hại, vất vả mà người Hà Nội ít làm. Còn người Hà Nội về các tỉnh chủ yếu để mua đất làm nhà nghỉ cuối tuần, làm trang trại... Cái nào đáng hạn chế hơn?
Hà Nội cũng đã từng không chỉ "đề xuất chính sách", mà đã từng thực hiện việc không cho đăng ký xe máy, để hạn chế ùn tắc giao thông. Chính sách này không khác gì cấm người ta ra đường để hạn chế ùn tắc giao thông. Chỉ đến khi dư luận phản đối mạnh, Quốc hội có ý kiến, thì lãnh đạo thành phố Hà Nội mới cho bỏ chính sách kỳ quặc này. Nhưng một vị tham mưu vẫn cố bảo vệ, cho rằng "không cho đăng ký xe máy" là đúng, Hà Nội phải bỏ chính sách này chẳng qua là do sức ép dư luận và từ bên trên...
Nhưng ở nước ta, không chỉ Hà Nội có các chính sách lạ lùng, mà nhiều nơi khác, nhiều ngành cũng có. Chẳng hạn như đã từng có chính sách "khâu túi quần túi áo" để chống tham nhũng ở các trạm thu phí giao thông.
Hoặc chuyện "muốn có hộ khẩu, phải có giấy tờ nhà. Muốn có giấy tờ nhà, phải có hộ khẩu". Rất ngạc nhiên là chính sách kỳ quặc này tồn tại cả mấy chục năm liền. Và gần đây, chính sách này được "đổi mới" bằng chính sách khác, không kém phần kỳ quặc. Muốn có hộ khẩu, không cần giấy tờ nhà chính chủ, nhưng phải có ý kiến của chủ nhà cho thuê. Trước kia, người dân phải đi "xin xỏ cơ quan Nhà nước, nay phải đi xin xỏ hàng xóm".
Hoặc là cái chuyện giấy khai sinh. Không có hộ khẩu thì không có giấy khai sinh. Thế là nhiều cháu nhỏ sinh ra phải mượn tên người khác có hộ khẩu để đi học, để làm công dân... Chuyện mượn tên người khác để sống, vì không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh thì đúng là cười ra nước mắt, chỉ ta mới có. Thế rồi chuyện cấp cho dân giấy khai sinh gốc, thế thì nếu ai bị đánh rơi, bị thất lạc, bị cháy, bị mất cắp... thì làm thế nào để có bản sao? Cũng là chuyện kỳ quặc chưa có lời giải thỏa đáng.
Cái chuyện nhà xây không phép nay mai sẽ phải bị đập đi, dù đã xây cả mấy chục tầng, cũng là chuyện thật hiếm có trên thế giới. Xây nhà không phép là sai quá đi rồi. Nhưng trước khi đập nhà, cũng phải xem lại quy trình cấp giấy phép xây dựng của ta đã hợp lý chưa. Một ông cán bộ lãnh đạo Hiệp hội xây dựng còn nói công khai trên báo chí rằng ông nghe nói có chuyện để xin được cái giấy phép xây dựng đó, có nơi phải mất cả tỷ đồng. Muốn có giấy phép xây dựng, phải có sổ đỏ, sổ hồng gì đó. Mà ở nước ta, để có các loại sổ đó, thì không hề đơn giản.
Rồi còn chuyện quy hoạch treo, khiến cho nhiều nhà, nhiều công ty không thể xin được giấy phép xây dựng. Thế là xây nhà bất hợp pháp sẽ bị đập. Báo chí đã từng đưa chuyện có người suốt 10 năm đi xin giấy phép xây dựng mà không được. Không biết cơ quan cấp giấy phép nói gì.
Thế rồi cái chuyện nhà mới xây xong đã hỏng. Đường mới làm xong đã xuống cấp. Cầu làm xong không đi được. Sân vận động làm xong đã nứt nẻ. Chợ làm xong không ai vào. Công viên làm xong để đấy... Nhiều, rất nhiều chuyện kỳ quặc như vậy xuất hiện. Câu hỏi là vì sao những chuyện kỳ quặc đó lại không hiếm ở nước ta? Chung quy lại vẫn là vấn đề cán bộ. Đại hội VI của Đảng năm 1986, khi quyết sách về đổi mới, đã có tự phê bình: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân trì trệ, yếu kém, là công tác cán bộ.
Bài học "công tác cán bộ" đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cán bộ như thế nào, thì sẽ có cách quản lý tương ứng. Chừng nào người tài - đức chưa được trọng dụng, thì người không tài - kém đức vẫn nắm quyền quản lý và họ sẽ làm ra các chính sách quản lý kỳ quặc.
Minh Tuấn