Những con số biết nói

(Dân trí) - Đến thời đại này, ở một đất nước đang phát triển, vẫn còn có cán bộ chính quyền mù chữ...

Công bố mới nhất của Bộ NN&PTNT khiến chúng ta phải giật mình, có 81.000 công chức xã, trong đó có 81 người mù chữ, 2,4% có trình độ tiểu học; 21,5% trình độ trung học cơ sở, 75%  có trình độ THPT. Về chuyên môn, chỉ có 9% cán bộ xã có trình độ đại học và cao đẳng, số cán bộ mù tin học chiếm 87%.

Đến thời đại này, ở một đất nước đang phát triển, vẫn còn có cán bộ chính quyền mù chữ.                    

Có thể đây là những trường hợp đặc biệt, ở những vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, không có người làm nên phải sử dụng người mù chữ. Nhưng nhìn toàn cảnh về tỉ lệ người có học hành tử tế trong đội ngũ công chức xã, mới thấy trình độ cán bộ chính quyền ở vùng nông thôn cực thấp. "Cán bộ trí" như vậy thì dân trí thế nào nhỉ? Cán bộ chính quyền không có kiến thức, lại quản lý, lãnh đạo người dân, tuyên truyền, thực thi các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thì hiệu quả của việc thực thi đó khó có thể cao, thậm chí có khi bị phản tác dụng. Người dân đến với chính quyền, mong được giải quyết các yêu cầu chính đáng của một công dân, nhưng với những cán bộ năng lực quá hạn chế đứng ra giải quyết, thì quyền lợi của người dân sẽ không thể thỏa mãn.

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, vùng nông thôn chiếm tỉ lệ cao, cho nên đa số người dân  đang sống và chịu sự quản lý, điều hành của một cấp chính quyền cơ sở gần gũi nhất, đó là xã. Lực lượng cán bộ xã hạn chế về trình độ như vậy thì chắc chắn năng lực cũng không cao. Với mặt bằng trình độ đó, họ không thể gánh vác được công việc của chính quyền. Chính vì vậy nên chất lượng giải quyết các quan hệ nhà nước - công dân ở cấp xã rất thấp. Nhiều vụ việc dân thưa kiện lên đến tính, trung ương là do những sai phạm trong việc xử lý từ cấp xã. Còn những vi phạm khác như ăn chặn tiền cứu trợ, tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo cũng xuất phát từ hạn chế về "cán bộ trí" ở cấp chính quyền này.

Một đòi hỏi đặt ra là phải thay thế người có trình độ thấp, năng lực kém bằng người có trình độ cao hơn để nâng cao chất lượng chính quyền cấp xã. Đã có đề xuất đưa ra chính sách khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đại học về vùng nông thôn tham gia vào đội ngũ công chức xã. Ý tưởng là như vậy, nhưng để vận dụng được vào thực tiễn là một khoảng cách còn quá xa. Nhiều con em của các vùng nông thôn học xong đại học không muốn quay trở lại địa phương mà kiếm việc làm ở thành phố. Làm cán bộ xã lương ba cọc ba đồng thì người có trình độ cao sẽ không mặn mà. Chính vì vậy nên "cán bộ trí" ở cấp xã vẫn cứ thấp lè tè. 

Lê Chân Nhân