Nhức nhối tình trạng công khai “xà xẻo”, lấn chiếm đất rừng tại Quảng Trị!

(Dân trí) - Nhiều khoảnh rừng bị chặt phá, các cây gỗ lớn bị đốn hạ để thay vào đó là những cây tràm chỉ vài ngày tuổi. Thực trạng người dân tự ý “xà xẻo”, lấn chiếm đất rừng diễn ra suốt thời gian dài, nhưng chủ rừng “bất lực”?

Tình trạng một số người tự ý lấn chiếm đất rừng không chỉ xảy ra tại huyện Vĩnh Linh, Đakrông, Hướng Hóa, mà gần đây dư luận tiếp tục phản ánh việc người dân công khai xâm phạm đất rừng tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

Người dân công khai lấn chiếm đất rừng

Mặc dù việc phá rừng như thế này không phải lần đầu diễn ra, nhưng điều bất ngờ là suốt thời gian dài, nhiều diện tích đất rừng vẫn bị một số người lấn chiếm bất hợp pháp, nhưng chủ rừng lại không hề hay biết?

Cây thông lớn bị chặt ngang để trồng mới.
Cây thông lớn bị chặt ngang để trồng mới.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại tiểu khu 775, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9. Theo quan sát, diện tích lớn đất rừng bị một số người phát, đốt chưa lâu, nhiều cây gỗ thông, tràm lớn bị chặt hạ để trồng cây mới. Điều này cho thấy, việc lấn chiếm đất rừng đang diễn ra hết sức công khai.

Các thân cây to được gom lại đốt.
Các thân cây to được gom lại đốt.

Theo tìm hiểu, tiểu khu 775 có diện tích 175ha, được trồng từ năm 1998, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9. Thời điểm đó, 18 hộ dân ở xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) nhận trồng, rồi nhận bảo vệ 175ha rừng phòng hộ cho đến nay.

Đến cuối năm 2017, tỉnh Quảng Trị phê duyệt phương án chuyển đổi diện tích trên từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất. Từ đó, người dân ồ ạt vào rừng chặt thông, keo tràm nhiều năm tuổi để chiếm đất.

Ông Đào Văn Lưu (trú tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) đại diện cho 18 hộ bảo vệ rừng tiểu khu 775 cho biết, lực lượng này đã tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ nhưng một số người vẫn tự ý vào chặt phá. Trước tình trạng này, đội bảo vệ rừng đã báo cáo đến chủ rừng và chính quyền địa phương.

Ghi nhận tại tiểu khu 775 cho thấy, các cây gỗ thông, gỗ tràm nhiều năm tuổi bị chặt hạ, cạnh đó là cây keo tràm được trồng mới.

Những cây giống được người dân đưa vào trồng khu vực vừa xâm lấn.
Những cây giống được người dân đưa vào trồng khu vực vừa xâm lấn.

Càng đi vào sâu, diện tích rừng bị phá càng mở rộng. Còn xuất hiện người dân với dụng cụ là rựa, cuốc đang trồng keo tràm.

Theo ông Lưu, người dân dùng rựa, cưa nhỏ để phá từng khoảnh rừng. Khi cây lớn ngã xuống, họ sẽ chặt thành khúc, rồi đưa ra khỏi rừng hoặc chất đống để đốt. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, diện tích rừng bị xâm lấn tăng lên, sơ bộ có khoảng gần 10 ha đất rừng đã bị chiếm.

Những cây gỗ tràm lớn bị đốn hạ chỉ để trồng mới.
Những cây gỗ tràm lớn bị đốn hạ chỉ để trồng mới.

Ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 thừa nhận, có tình trạng người dân phá rừng, chiếm đất rừng ở tiểu khu 775, nhưng không nắm rõ diện tích bị phá bao nhiêu.

“Đơn vị đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý”, vị này nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ xác nhận, tháng 9/2018, tiểu khu 775 có tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng. UBND huyện có giao cho xã và Công an vào cuộc điều tra, ngăn chặn.

Liên quan đến việc nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 được Nhà nước giao quản lý và sử dụng hơn 7.000ha rừng và đất rừng, ở khu vực phía Tây của huyện Gio Linh và huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

Tuy nhiên, đầu năm 2018, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 thực hiện rà soát, đã phát hiện hơn 800ha đất rừng đã bị lấn chiếm, chủ yếu trên địa bàn huyện Cam Lộ. Theo lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Đường 9, những người lấn chiếm là người dân địa phương và một số công nhân của công ty này.

Đ. Đức