Nhổ trộm hoa về trưng thì liệu có tâm hồn để thưởng thức cái đẹp của hoa?

Hải Hà

(Dân trí) - Ở những nơi công cộng, con người có điều kiện thể hiện tính cách, lối sống và hành vi ứng xử của mình. Cũng chính vì vậy mà ở đó, người ta có thể dễ dàng nhận ra ai là người có văn hóa.

Đáng buồn là đang xuất hiện không ít những cách hành xử thiếu văn hóa ngay trong những ngày đầu năm mới. Điển hình nhất là hành vi nhổ trộm hoa nơi công cộng đang tái diễn trên một số tuyến phố của thủ đô Hà Nội.

Một hình ảnh mới đây được người dân chia sẻ trên mạng xã hội về những chậu hoa lớn được thành phố trang hoàng để đón xuân, trưng bày dọc một tuyến phố, khi chưa kịp hoàn tất sứ mệnh của nó liền rơi vào cảnh bị tranh giành, thậm chí bị giành giật, "nhổ tận gốc" bởi những người qua đường.

Nhổ trộm hoa về trưng thì liệu có tâm hồn để thưởng thức cái đẹp của hoa? - 1

Hình ảnh buồn được người dân chia sẻ những ngày đầu năm mới 2022, không ít người thiếu ý thức đã ngang nhiên nhổ trộm những chậu hoa, cây lá màu được lắp ghép, trang trí khá công phu (Ảnh: mạng xã hội).

Tuy nhiên, hành vi này cũng không phải mới xuất hiện mà từ những năm trước nó đã bị dư luận kịch liệt lên án, chỉ trích. Có lẽ do hành vi này chưa bị xử lý nghiêm nên không đủ sức răn đe, tình trạng nhổ trộm vẫn liên tục tiếp diễn.

Hành vi xấu xí đó không chỉ thấy ở Hà Nội mà diễn ra tại rất nhiều tỉnh thành, có thể điểm lại một số vụ việc tiêu biểu từng được báo chí đưa tin:

Nhổ trộm hoa về trưng thì liệu có tâm hồn để thưởng thức cái đẹp của hoa? - 2

Hàng nghìn cây hoa giấy bị nhổ trộm khi quốc lộ 19 mới khánh thành không lâu (Ảnh: Doãn Công).

Nhổ trộm hoa về trưng thì liệu có tâm hồn để thưởng thức cái đẹp của hoa? - 3

Nhiều vị trí hoa giấy bị nhổ trộm chỉ còn chỏng chơ cọc tre (Ảnh: Doãn Công).

Đầu năm 2020, tỉnh Bình Định đã khánh thành đưa vào sử dụng tuyến quốc lộ 19 mới dài hơn 17km, đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến điểm giao quốc lộ 1, thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Để làm đẹp cảnh quan tuyến quốc lộ này, tỉnh Bình Định đã cho trồng hơn 30.000 cây hoa giấy đủ màu trên suốt tuyến đường.

Tuy nhiên, khi công nhân trồng đằng trước thì phía đằng sau đã có người nhổ trộm mất, tổng số lượng cây bị mất khoảng… 3.000 cây. Người trộm hoa giấy không chỉ có ở những người đi bộ, xe đạp, xe máy mà cả người đi ô tô. Khi bị bắt quả tang, nhiều người nói hoa đẹp quá, mà không biết xin ai nên… nhổ đại một 1-2 cây về trồng.

Hay tại thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đắk nông, camera an ninh của một hộ dân đã ghi lại cảnh nữ công nhân dọn dẹp vệ sinh nhổ trộm hoa trang trí ven đường. Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo công ty nơi nữ công nhân này làm việc đã ra quyết định đình chỉ công tác để xử lý.

Nhổ trộm hoa về trưng thì liệu có tâm hồn để thưởng thức cái đẹp của hoa? - 4

Ảnh được cắt từ clip do người dân quay lại cảnh người phụ nữ lái xe ô tô đã dừng lại để nhổ trộm những bụi hoa.

 Trước đó, mạng xã hội cũng đã lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ đi ô tô trộm cây cảnh ven đường phố Hà Nội khiến nhiều người bức xúc. Cụ thể, người này bịt khẩu trang, xuống xe rồi ngồi bên đường hì hục nhổ cây cảnh được trồng nơi công cộng.

Thiếu ý thức, phản cảm, thể hiện cái tôi nhỏ bé đáng thương của người lấy trộm hoa!

Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim từng chia sẻ trên Dân trí rằng, với những người yêu cây, tìm thấy niềm yêu thích từ việc chăm sóc cây, hoa thì họ sẽ mua cây khi chưa có hoa, đưa về chăm sóc cho đến khi đâm chồi nảy lộc, nở hoa và hưởng thụ thành quả của mình thay vì việc tận dụng lấy hoa đã qua sử dụng, cũng không còn tươi đẹp nữa nơi công cộng để mang về.

Với những người lấy hoa có người có tâm lý tận dụng, thể hiện lòng tham, không muốn mất tiền mua hoa nên vơ càng nhiều càng tốt. Điều này khác với việc người ta thấy hoa bị vứt bỏ, người ta tiếc, người ta trân trọng cây hoa nên đem về chăm sóc.

"Bản thân tôi không bao giờ đi lấy hoa nơi công cộng như thế cả. Hoa để đấy, tạo cảnh quan đẹp cho đường phố, mọi người đều được hưởng chứ không nhất thiết phải lấy về. Nếu mình yêu cây, hoa thì mình sẽ tự đi mua cây tại vườn cây, mua hoa tại vườn hoa đưa về trồng chăm sóc".

Nhổ trộm hoa về trưng thì liệu có tâm hồn để thưởng thức cái đẹp của hoa? - 5

Mốt số người dân dừng xe lấy hoa gây cảnh nhốn nháo, ùn tắc giao thông trên đường Kim Mã năm 2019 (Ảnh cắt từ clip).

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) khẳng định đằng sau hành vi "hôi hoa" bị cho là thiếu ý thức, phản cảm là thói ích kỷ, thể hiện "cái tôi nhỏ bé, tội nghiệp" của một số người dân.

Không chỉ thể hiện sự ích kỷ, sự việc "hôi hoa" gây bức xúc trong dư luận còn thể hiện tâm lý đám đông, a dua, bắt chước nhau. Một người lấy, hai người lấy, nhiều người cũng ào xuống lấy. Ai cũng nghĩ, người khác lấy được thì mình cũng lấy được và sẽ chẳng ai biết, chẳng ai để ý. "Đằng sau hành vi ích kỷ, a dua và phản cảm là những cái tôi nhỏ bé và tội nghiệp", ông nhấn mạnh. 

Ngoài ra, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cũng đề cập đến vấn đề quản lý. Ông cho rằng, khi ý thức của cộng đồng còn nhiều hạn chế thì cơ quan quản lý cần có những giải pháp đảm bảo an toàn hơn.

Theo Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì hành vi tự ý lấy hoa nơi công cộng, khi chưa có sự đồng ý của người quản lý có thể coi là hành động trộm cắp tài sản theo Điều 173 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

 Cụ thể, nếu hành vi trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng có thể bị khởi tố hình sự. Với giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính ở Khoản a, Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2013 với mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Với nhiều nỗ lực trong công tác chỉnh trang, trồng hoa, cây cảnh ở những khu vực công cộng, bộ mặt của các đô thị đã dần hình thành không gian xanh, sạch, đẹp, có điểm nhấn ngập tràn sắc hoa. Vì vậy, mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, hành động đúng mực, ứng xử văn minh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm