Nhịp cầu bạn đọc số 7: 200 tiểu thương chợ Cầu tại huyện Ứng Hoà kêu cứu!

(Dân trí) - Một doanh nghiệp đang thoi thóp "cầu cứu" sự trợ giúp của UBND tỉnh Quảng Ninh; 200 hộ tiểu thương tại chợ Cầu, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa đồng loạt kêu cứu... là những đơn thư nổi bật tuần qua.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của 200 hộ kinh doanh buôn bán tại chợ Cầu (chợ Thanh Ấm), thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, Hà Nội trước việc chính quyền huyện Ứng Hòa và UBND thị trấn Vân Đình triển khai dự án cải tạo, nâng cấp chợ Cầu.

Đơn thư cho biết: “Lịch sử chợ Cầu đã có gần 60 năm, hiện tại có hơn 200 hộ kinh doanh buôn bán phục vụ đời sống gia đình và đời sống cư dân địa phương. Năm 1993 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định xây dựng Trung tâm thương mại tại đây do nhà nước quản lý, đã được quy hoạch tổng thể về các quầy hàng, ki ốt di BQL chợ thuộc Thị trấn Vân Đình quản lý. Trong quá trình buôn bán tại chợ, bà con chúng tôi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Năm 2012, huyện Ứng Hòa tổ chức xây chợ mới do 1 doanh nghiệp tư nhân đầu tư quản lý kinh doanh, nhưng không công khai và không lấy ý kiến của người dân. Đồng thời, huy động lực lượng tổ chức tiến hành cưỡng chế các hộ kinh doanh, đổ bê tông và rào dây thép gai quanh chợ để không cho tiểu thương vào kinh doanh.

Trước tình trạng đó, hơn 200 hộ kinh doanh đã có đơn kêu cứu lên UBND TP Hà Nội và lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo huyện Ứng Hòa phải giữ nguyên hiện trạng chợ Cầu để bà con kinh doanh.

Đến năm 2018, BQL chợ Cầu thuộc UBND thị trấn Vân Đình tự ý thu hẹp diện tích các kiot và đánh đồng thu cùng 1 mức giá cho các diện tích quầy to cũng như nhỏ, thậm chí ai đóng cũng được và ai không đóng cũng không sao, ảnh hưởng tới việc thu chi vào ngân sách nhà nước.

Ngày 23/3/2019, 200 hộ kinh doanh đã có buổi đối thoại với lãnh đạo huyện Ứng Hòa, các cơ quan chuyên môn của huyện và thị trấn Vân Đình. Buổi đối thoại không thống nhất được việc triển khai dự án cải tạo chợ Cầu, nhưng Chủ tịch thị trấn lại tổ chức lực lượng hơn 300 người để cắm biển dự án cải tạo chợ. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng quy chế tập trung dân chủ ở cơ sở.

Ngày 17/3/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 BLHS xảy ra tại thị trấn Vân Đình từ năm 2017 đến 2019. 

Sau khi nhận được kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT huyện, chúng tôi hy vọng sẽ sớm giải quyết được những tiêu cực và những hệ lụy tồn tại tại chính quyền sở tại, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết và có dấu hiệu bao che”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Công an TP Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, UBND huyện Ứng Hòa xem xét giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Thị Lệ Huyền, đại diện cho doanh nghiệp Hưng Phát đang thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Ninh, mong muốn được chính quyền tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai hoạt động.

Nội dung đơn như sau: “Doanh nghiệp chúng tôi đang tham gia gói thầu san lấp mặt bằng tại Dự án Khu công nghiệp, đô thị, khu công nghệ cao Amata, tại xã Sông Khoai, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Để triển khai thực hiện Dự án, Cty Hưng Phát chúng tôi đã ký Hợp đồng san lấp mặt bằng với phía đại diện Chủ đầu tư là Cty cổ phần TODECO Việt Nam.

Công ty chúng tôi đã phối hợp với Cty cổ phần TODECO Việt Nam, Cty TNHH Thương mại và Kinh doanh tổng hợp Uông Bí để làm các thủ tục báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các sở ngành, UBND thành phố Uông Bí về phương án, xác định tuyến đường vận chuyển đất đá. 

Tuy nhiên, vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo liên ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an tỉnh, UBND thành phố Uông Bí lập đoàn kiểm tra để tiến hành xác minh, làm rõ một số thông tin liên quan đến khai thác trái phép tại đây.

Chúng tôi xin cam kết và khẳng định rằng: các doanh nghiệp chúng tôi luôn chấp hành nghiêm mọi quy định của Nhà nước, của tỉnh và của UBND thành phố Uông Bí trong việc chuyên chở vật liệu san lấp.  Chúng tôi không hề có bất kỳ sai phạm nào trong quá trình hoạt động vừa qua.  

Ngày 04/6/2020, Ủy ban nhân dân TP Uông Bí đã có văn bản số 1366/TB-UBND Thông báo về việc dừng vận chuyển đất để san lấp mặt bằng từ dự án Khu khai thác đất tại núi Hang Hùm, Phường Quang Trung, TP Uông Bí.

Việc dừng vận chuyển này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi: hàng chục xe ô tô vận tải và lái xe đang không được hoạt động trong gần 1 tháng qua, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải chi trả rất nhiều cho các chi phí như tiền lương, tiền ăn, ở hàng ngày cho lái xe và nhân viên quản lý công trường, tiền lãi suất ngân hàng để mua xe ô tô... làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án. 

Chúng tôi cũng chưa biết cụ thể đến khi nào thì UBND TP Uông Bí mới dỡ bỏ thông báo số 1366/TB-UBND nêu trên.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên môi trường, UBND TP Uông Bí xem xét giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân sinh sống tại số nhà 50 phố Thanh Hà (số mới là 28) phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đơn có nội dung: “Ở đầu ngõ 50 có một nhà vệ sinh chung rộng chừng 5m2 đã tồn tại bao đời nay để cho các hộ gia đình trong ngõ xóm đi vệ sinh.

Ngày 21/1/2020, bà tổ trưởng tổ 39 có tổ chức một buổi họp kín với một số người trong ngõ 50 để bán lại khu vệ sinh chung của ngõ với số tiền là 500 triệu đồng để tự chia nhau. Sau đó, người mua khóa cửa nhà vệ sinh đó lại không cho ai sử dụng.

Đây là việc làm sai trái, tự ý bán đất chung để chia nhau. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên UBND phường Đồng Xuân để giải quyết nhưng tới hơn 3 tháng nay không có hồi âm, trong khi đó người mua đã tự ý phá nhà vệ sinh chung để xây làm của riêng mình mà không có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền địa phương”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Đồng Xuân xem xét giải quyết và hồi âm đơn bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn bạn đọc Đỗ Văn Toàn, trú tại thôn Phúc Trung, xã Ninh Phúc, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

Nội dung đơn như sau: “Vào năm 1987, gia đình tôi có mua lại đất của cụ Nguyễn Thị Tơi và anh Đỗ Văn Nghĩa đi vùng kinh tế mới bán lại và gia đình tôi được cấp giấy tạm thời sử dụng đất.

Đến 2005 gia đình anh Sáng, chị Ngải có hành vi lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép hoàn toàn trên phần đất của gia đình tôi, chúng tôi nhiều lần làm đơn lên các cấp chính quyền và đã có các phiên tòa xét xử vụ việc kéo dài hơn 10 năm.

Cho đến nay bản án và quyết định thi hành án của Chi cục THADS TP Ninh Bình có hiệu lực từ 04/01/2019, nhưng anh Sáng vẫn tiếp tục xây dựng trái phép hoàn toàn thêm một nhà nữa lên phần đất của chúng tôi, có sự bảo kê và phớt lờ của các cơ quan có thẩm quyền”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình, chi cục THADS TP.Ninh Bình, Thanh tra sở TNMT tỉnh Ninh Bình, UBND xã Ninh Phúc xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo đúng quy định của pháp luật.

Ngọc Hân (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm