Nhịp cầu bạn đọc số 6: Nhiều đơn thư của người dân cần được làm rõ!
(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc gửi đến, phản ánh nhiều vụ việc, vấn đề tồn tại tại các địa phương trên cả nước. Báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn của các bạn đọc đến các cơ quan chức năng có liên quan để được xem xét giải quyết.
Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị khẩn cấp của các ông bà Lê Thị Thanh Dung, Phạm Văn Đào, Huỳnh Thị Trang, Phan Văn Dũng, Nguyễn Văn Nguyện… cùng trú tại ấp An Trạch Đông, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre với nội dung đơn:
“Tại khu vực xây dựng gói thầu XL08 thi công xây dựng đoạn 4 từ Km6+800 – Km8+380 (gồm các cây cầu Đồng 2, Cả Chát Lớn và Rạch Đập), đơn vị thi công hiện thi công giai đoạn đóng cọc cầu Cả Chát Lớn tại địa bàn xã Thành Thới A làm rạn nứt tường bê tông, các cột bê tông chịu lực chính của ngôi nhà chúng tôi ở và làm rạn nứt hàng loạt các căn nhà xung quanh gây nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Ngày 12/3 có đoàn công tác gồm đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát công trình và đại diện cơ quan có thẩm quyền cấp huyện xuống làm việc với toàn thể người dân, nhưng buổi họp không đi đến sự thống nhất, chủ đầu tư cũng chưa có động thái gì để giải quyết cho người dân mà đã tiếp tục đóng cọc cầu khiến nhà của chúng tôi càng thêm rạn nứt, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, vô cùng nguy hiểm”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Bến Tre, UBND huyện Mỏ Cày, UBND xã Thành Thới và Chủ đầu tư công trình xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Lương Thị Tình, dân tộc Tày, trú tại thôn Hốc Xả, xã Phan Thành, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái về việc xem xét giải quyết quyền lợi hưởng chế độ tuất hàng tháng.
Đơn có nội dung: “Tôi có chồng là ông Hoàng Hỷ, sinh năm 1977 đã nhập ngũ tham gia 03 cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc với thời gian phục vụ quân ngũ 29 năm liên tục. Sau khi chồng tôi mất, tôi nằm trong diện được hưởng chế độ trợ cấp tuất hợp pháp, theo chế độ chính sách của nhà nước hiện hành tại thời điểm năm1989. Song không hiểu vì lý do mà các cấp thẩm quyền từ xã đến huyện, tỉnh lại không giải quyết chế độ phụ cấp tuất cho tôi kể từ sau khi chồng tôi mất.
Việc này đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái xác nhận là đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện được hưởng chế độ phụ cấp tuất là rất rõ ràng, không có lý do gì phải xem xét. Vậy mà đã 29 năm qua- từ lúc tôi mới 57 tuổi đến nay đã 87 tuổi, sức khỏe rất yếu, bệnh tật mà vẫn không được cơ quan nào giải quyết”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, UBND tỉnh Yên Bái, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái, UBND huyện Lục Ngạn, UBND xã Phan Thanh xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo điện tử Dân trí nhận được đơn kêu cứu của một số hộ dân như ông Trần Đức Thịnh; Trần Đăng Dương; Dương Đông Sơn; Lưu Quốc Hưng, hiện đang sinh sống ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Đơn thư cho biết: “Hiện tại gia đình tôi đang là chủ sở hữu mảnh đất số 70 và 93 tờ bản đồ số 68 thuộc tổ 5 khu Tân Bình thị trấn Xuân Mai.
Về nguồn gốc đất, gia đình chúng tôi mua lại mảnh đất của gia đình ông Ngô văn Thuận vợ là Hoàng Thị Phương từ năm 2003 cùng 14 hộ dân khách trên một mặt bằng có diện tích rộng 3.320m2, có giấy tờ mua bán đàng hoàng.
Trước đó gia đình ông bà Thuận Phương mua lại diện tích đất trên của UBND thị trấn Xuân Mai từ năm 1991 hiện tại vẫn còn lưu hoá đơn nộp tiền số 81 ngày15/12/1991.
Ngày 1/11/2000, bà Hoàng Thị Phương (vợ ông Thuận) lập hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với diện tích 300 m2 cho bà Nguyễn Thị Dung, hợp đồng được lập thành văn bản và có xác nhận của ông Nguyễn Đắc Thụ là Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Mai lúc bấy giờ. Hiện tại ông Thụ đã qua đời.
Do không có nhu cầu sử dụng nên ngày 10/10/2003 bà Nguyễn Thị Dung đã chuyển nhượng lại mảnh đất trên cho gia đình tôi và ông Trần Đăng Dương.
Trong số 14 hộ dân cùng nhau mua đất thì đến thời điểm hiện tại đã có 7 hộ xây nhà kiên cố có sổ đỏ và đang sinh sống ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Còn lại 7 hộ dân chúng tôi đất vẫn để nguyên, bên trong chỉ trồng vài cây ăn quả như xoài, rau….
Gia đình tôi và gia đình ông Trần Đăng Dương liên tục nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 2003 đến 2008. Ngày 30/1/2010 đại diện khu Tân Bình lập biên bản mượn đất làm nơi để xe hội họp với 4 hộ gia đình trong đó có tôi là người đại diện, việc làm này cho thấy khu Tân Bình đã thừa nhận quyền sử dụng đất của một số gia đình chúng tôi.
Ngày 24/7/2007 Hội đồng nhân dân thị trấn Xuân Mai ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất để xây dựng trường mầm non, diện tích đất nhà tôi cùng các hộ gia đình khác nằm trọng diện thu hồi.
Đến ngày 17/7/2012 gia đình tôi đã ký hợp đồn số 68/HĐ-UBND có nội dung UBND thị trấn Xuân Mai cho gia đình tôi thuê diện tích 133,2m2 để sử dụng trồng cây lâu năm và cây ngắn ngày nhằm phát triển kinh tế gia đình, thời hạn thuê là 5 năm kể từ ngày 1/7/2012. Sở dĩ có văn bản này là do UBND thị trấn Xuân Mai đưa ra để dụ gia đình chúng tôi rằng làm như vậy thì họ mới cấp quyền sử dụng đất.
Đến năm 2016 gia đình chúng tôi có đơn đề nghị UBND thị trấn Xuân Mai xem xét cấp quyền sử dụng đất cho chúng tôi thì bị UBND thị trấn từ chối với lý do không đủ cơ sở để cấp quyền sử dụng đất.
Ngày 7/8/2017, gia đình tôi đã làm đơn kiện UBND thị trấn Xuân Mai ra Toà án Nhân dân huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, Toà án Nhân dân huyện Chương Mỹ đã bác bỏ đơn khởi khởi kiện của gia đình tôi. Không đồng tình với việc này ngày 17/8/2017 gia đình tôi tiếp tục làm đơn kháng cáo.
Tại bản án phúc thẩm của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã huỷ bỏ hàng loạt các văn bản do UBND thị trấn Xuân Mai ký với lý do UBND thị trấn không đủ thẩm quyền đưa ra những văn bản này như thông báo số 41/TB-UBND thị trấn Xuân Mai ngày 10/6/2016, hay hợp đồng thuê đất số 68 ngày 17/7/2012 của gia đình tôi với UBND thị trấn Xuân Mai.
Trong khi vụ kiện cáo của gia đình tôi với UBND thị trấn Xuân Mai chưa giải quyết xong thì ngày 20/9/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 4985 với nội dung thu hồi 9.929,9 m2 đất nông nghiệp công ích do UBND thị trấn Xuân Mai quản lý để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án xây dựng Trường tiểu học Xuân Mai A. Như vậy phần đất của gia đình tôi và 6 gia đình khác nằm trong diện thu hồi.
Tiếp đó đến ngày 27/12/2018, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 8515 với gia đình tôi và nhiều quyết định với những hộ gia đình khác có đất trong diện thu hồi.
Đến ngày 16/1/2019 Đoàn cưỡng chế của UBND huyện Chương Mỹ đã tiến hành cưỡng chế đất của gia đình tôi và các hộ gia đình khác.
Trước sự việc như trên, gia đình chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi nhưng không được giải quyết thoả đáng. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, gia đình tôi và những hộ gia đình có đất trong diện thu hồi khẳng định hoàn toàn đồng ý với với việc thu hồi đất để xây dựng trường học.
Tuy nhiên, việc đền bù đất là không thoả đáng, theo đó gia đình tôi chỉ nhận được hỗ trợ đền bù tổng 2,8 triệu đồng trong khi đất thu hồi là đất thổ cư".
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến Sở TN&MT TP Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ xem xét, giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.
Ngọc Hân (tổng hợp)