Nhịp cầu bạn đọc số 5: Nhiều khiếu nại về đất đai cần được giải quyết

(Dân trí) - Nhiều tiêu cực về đất đai được bạn đọc tại Hà Nội, Quảng Nam, Sơn La... gửi đơn khiếu nại, cầu cứu sự giúp đỡ của báo chí. Báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn bạn đọc đến cơ quan chức năng giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân tại tổ dân phố Đống 1, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Đơn thư cho biết: Khu vực đường Phan Bá Vành cho biết dọc sông Nhuệ vốn đã hình thành khu dân cư sinh sống, sản xuất kinh doanh từ hàng chục năm nay, đơn cử như các hộ gia đình của ông Nguyễn Đức Thảo, bà Đinh Thị Kế, bà Nguyễn Thị Minh Thuý và ông Nguyễn Khắc Đường. Trong đó, đáng chú ý như diện tích đất tại địa chỉ tổ dân phố Đống 1, đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 2, được gia đình ông Nguyễn Khắc Đường khai thác, quản lý, sử dụng cũng như tạo lập các công trình trên đất (nhà ở và nhà xưởng) từ những năm 1989 đến nay, có hoá đơn đóng thuế từ năm 2000.

Việc sử dụng đất cũng như sự tồn tại của các công trình trên đất là ổn định, liên tục gần 30 năm nay và không có tranh chấp, cũng chưa bao giờ bị các cơ quan chức năng, tổ chức nào yêu cầu gia đình ông Đường phải dời ra khỏi mảnh đất. Vấn đề quản lý sử dụng của gia đình ông Đường được thể hiện qua các hồ sơ, giấy tờ: Giấy phép đăng ký ki doanh ngày 16/11/1989; Phiếu thu ngân sách xã, phường lập ngày 15/10/1993; Các biên lai thu thuế nhà xưởng từ năm 1993 đến năm 1999 với diện tích 439m2.

Do ông Đường tuổi cao đã ngoài 80, nên ông đã bàn giao lại cho các thành viên khác tiếp tục quản lý và sử dụng một phần diện tích đất và tài sản trên đất. Sau thời gian dài gia đình đã chuyển đổi mục đích nhà xưởng sang nhà ở từ lâu. Tuy nhiên, vừa qua chính quyền địa phương đã liên tiếp lập các biên bản và ban hành một loạt các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hiệu quả trong khi từ năm 1989 đến nay mới yêu cầu khắc phục hậu quả.

Cũng trong đơn thư, người dân cho biết trước khi có hàng loạt các quyết định của Quận Bắc Từ Liêm và Phường Cổ Nhuế 2, đã liên tiếp có những sai phạm liên quan đến quá trình làm việc của các cán bộ địa phương như việc ngày 06/09/2018, UBND Phường Cổ Nhuế 2 tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, tuy nhiên biên bản này đã xuất hiện những dấu hiệu vi phạm về trình tự, thủ tục, tính khách quan, trung thực của biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Tiếp đến một số biên bản khi lập sau này các hộ dân đều có mặt nhưng không đúng với thực tế, không khách quan dân chủ. Bên cạnh đó khi các hộ dân nhận được các Quyết định số 7791 và 7792 của Quận Bắc Từ Liêm và Thông báo của UBND Phường Cổ Nhuế 2 gửi tới yêu cầu phải khắc phục hậu quả nhưng trước đó không hề được biết, được giao các biên bản làm căn cứu để ra quyết định, các hộ dân cũng không hề rõ mình đang bị xử lý vì vi phạm nào, có đúng với quy định của pháp luật không...

Người dân cho rằng việc lập các văn bản xử lý, ban hành các Quyết định nêu trên là không đúng với quy định của pháp luật có liên quan đến trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính, không đảm bảo tính khách quan trung thực của vụ việc. Mặt khác các Biên bản vi phạm hành chính không tuân thủ các quy định về việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời gian dài, các hộ dân đã nhiều lần viết đơn khiếu nại và đề nghị lãnh đạọ UBND các cấp, Quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội xem xét, xác minh làm rõ sự việc và huỷ bỏ những Quyết định không đúng quy định của pháp luật đã ban hành nêu trên. Hiện tại, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, người dân mong mỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc để tránh làm thiệt hại, ảnh hưởng tới chỗ ở, tài sản của người dân.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến Sở TN&MT TP Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét, giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn phản ánh của gia đình bà Nghiêm Thị Tỳ, trú tại tổ dân phố 2 phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, phản ánh việc UBND huyện Từ Liêm (nay là Quận Nam Từ Liêm) cấp bìa đỏ cho hộ gia đình lấn chiếm và đang có tranh chấp đất.

Nội dung đơn như sau: "Năm 1957 do cải cách ruộng đất gia đình tôi được HTX Phú Đô chia cho 1 phần đất ao (thửa số 5 tờ bản đồ số 4) có diện tích 108m2. Gia đình tôi vẫn quản lý, sử dụng và tôn tạo: bờ ao trồng tre, dưới ao thả rau, bèo.

Năm 2004 gia đình bà Nguyễn Thị Chương được chia cạnh phần đất ao nhà tôi, đã tự ý đổ đất chiếm phần ao nhà tôi. Cuối năm 2007 tôi đã làm đơn gửi UBND xã Mễ Trì và xã đã hòa giải 3 lần nhưng gia đình bà Chương vẫn cố tình san lấp.

Năm 2008 gia đình tôi làm đơn đề nghị chính quyền xã giải quyết việc lấn chiếm trên và được chính quyền báo đã chuyển hồ sơ lên Tòa án huyện Từ Liêm giải quyết. 

Trong khi gia đình tôi tin tưởng và đang chờ các cấp chính quyền giải quyết thì nay lại thấy gia đình bà Chương được cấp bìa đỏ, giấy phép xây dựng và đang xây dựng vi phạm phần đất ao của gia đình tôi".

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Phú Đô xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của bạn đọc Trần Quang Tuấn, trú tại khối phố 10 phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam kiến nghị việc chính quyền TP Tam Kỳ bán quyền sử dụng đất "ảo" cho gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nội dung đơn như sau:

"Vào tháng 3/2003, tôi trúng đấu giá QSDĐ lô đất số L3-13 Khu dân cư chợ An Mỹ với số tiền là 39.050 nghìn đồng và tôi đã nộp đủ 100% tiền sử dụng đất theo thông báo vào tài khoản của phòng tài chính TP Tam Kỳ. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa được giao đất để xây dựng nhà.

Tôi đã 3 lần gửi đơn xin giao đất đến UBND TP.Tam Kỳ vào các năm 2018, 2019 nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào giải quyết hay trả lời việc làm cho gia đình tôi.

Đến ngày 02/01/2020, tôi tiếp tục gửi đơn đến Thường trực Hội đồng nhân dân TP Tam Kỳ, nhưng đến nay cũng chỉ nhận được một văn bản chuyển đơn đến UBND TP Tam Kỳ.

Đặc biệt hiện nay tôi nhận thấy ngay tại khu đất thuộc Dự án khu dân cư chợ An Mỹ mà tôi đã nộp tiền sử dụng đất từ 2003 đang được triển khai xây dựng khu dân cư và đã giao đất cho một số người đang xây dựng nhà ở.

Bản thân tôi là con gia đình chính sách, là con Liệt sĩ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc 2 tuổi và còn phải chăm sóc bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, phải vay mượn tiền nộp cho nhà nước 17 năm nay để mua đất đến nay vẫn chưa được nhận.".

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Quàng Nam, Sở Tài nguyên môi trường Quảng Nam, UBND TP.Tam Kỳ xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Vũ Ngọc Khá, trú tại bản Trại Giống, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, đề nghị xem xét việc thu hồi đất đai tại bản Trại Giống, xã Nà Nghịu.

Đơn có nội dung: "Tháng 1/1978 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tôi được điều động lên Tây Bắc (Sơn La) xây dựng Lâm trường Chiềng Khương, Sông Mã, Sơn La. Đến 1982 được điều động lên công tác tại Trại giống lúa lợn cá huyện, trong thời gian đó tôi được cấp 4.000m2 đất có sổ đỏ; trong đó có 400m2 đất thổ cư  còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Năm 2019, huyện Sông Mã có chủ trương phát triển, mở rộng thị trấn sang khu đất của gia đình tôi, sau khi được vận động tôi đã nhất trí cho kiểm đếm 2000m2 đất của gia đình để xây dựng sân vận động huyện với số tiền đền bù được thông báo là 95.667.600đ.

Tuy nhiên, trong phiên họp ngày 19/3/2020, bà Lê Thị Yến - Chủ tịch huyện không nhất trí với phương án mà Ban thường vụ huyện ủy đã thống nhất với gia đình tôi là lấy 2000m2 đất mà đòi lấy hết 4.000m2 đất của gia đình tôi đang sinh sống hiện tại và thông báo đến hết 30/3/2020 phải phá dỡ nhà cửa, các công trình trên mảnh đất 2.000m còn lại để trả cho dự án san lấp mặt bằng để phân lô bán nền để đấu giá.

Việc yêu cầu gia đình tôi phải phá dỡ nhà như các công trình, cây cối trên đất khi chưa có thông báo chính thức cũng như quyết định thu hồi và chưa được sự nhất trí của gia đình tôi có đúng quy định của pháp luật không?

Giữa cuộc họp ngày 19/3/2020, do bị sốc nên tôi bị tăng huyết áp và tim mạch đột ngột nên phải dừng họp để sơ cứu cho tôi, đến 20/3 khi sức khỏe của tôi còn yếu thì bà Yến chỉ đạo các đồng chí bên BQL dự án mang tiền sang ép tôi nhận và yêu cầu ký vào biên bản cuộc họp ngày 19/3. Do quá trình làm việc không rõ ràng, chưa thống nhất điều gì và còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ nên tôi không đồng ý ký vào biên bản.

Tôi viết đơn này khẩn cầu các cấp có thẩm quyền hãy quan tâm, xem xét cứu giúp tôi để tôi còn nhà, còn đất sống những ngày bình yên cuối đời bên con cháu...”

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Thanh tra Bộ TNMT, UBND tỉnh Sơn La, Sở TNMT tỉnh Sơn La, xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của những người dân thuộc khu tái định cư Tổ 16 phường Thạch Bàn, Q.Long Biên, Hà Nội về việc cấp trả hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu TĐC Tổ 16.

Nội dung đơn như sau:

“Chúng tôi là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang được cấp đất ở, nhà ở, hồ sơ bìa đỏ tại tổ 17 phường Phúc Đồng, Q.Long Biên để sinh sống và làm việc.

Năm 2009, chấp hành chỉ thị, thông báo và quyết định của UBND TP Hà Nội; đồng thời quận Long Biên cùng Cty CP Him Lam thường xuyên thông báo, họp nhiều lần với dân và có nhiều thỏa thuận các phương án. Người dân chúng tôi đã tin tưởng và giao toàn bộ nhà, đất ở và bìa đỏ cho quận; chúng tôi di dời về nhận đất tại khu TĐC mơí thuộc Tổ 16 Thạch Bàn, Long Biên.

Trước khi di chuyển, UBND quận và BQL hứa sẽ đảm bảo trả bìa đỏ tại khu TĐC, nhưng từ 2016 đến nay đã gần 4 năm, chúng tôi vẫn chưa được nhận, dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn cho cuộc sống. Chúng tôi liên tục viết đơn kiến nghị tới UBND quận nhưng không được giải quyết.

Nhân đây, cũng kiến nghị làm rõ một số sai phạm trong dự án khu tái định cư Tổ 16 phường Thạch Bàn như: đề nghị kiểm tra làm rõ việc thu hồi hàng trăm m2 diện tích đất ngoài sổ đỏ của dân tại khu tập thể 310 phường Phúc Đồng của người dân đang quản lí, sử dụng trước năm 1993. UBND quận đền bù có đúng luật đất đai và chủ chương chính sách của Nhà nước không?

Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch dự án có nhiều dấu hiệu sai phạm đối với dự án được phê duyệt cụ thể tại QĐ 456/QĐ-UBND ngày 29/01/2005 của UBND TP Hà Nội phê duyệt. Kết quả đơn giá có ghi rất rõ nhưng thực tế lại khác...”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc tới UBND TP.Hà Nội, Thanh tra Bộ TNMT, Sở TNMT, UBND quận Long Biên xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân  (tổng hợp)