Nhịp cầu bạn đọc số 13: Đề nghị Công an quận Tây Hồ làm rõ tố cáo của dân
(Dân trí) - Tuần qua, Báo Dân trí nhận được đơn công dân kêu cứu tại quận Tây Hồ, cư dân khu tái định cư CT2 quận Hoàng Mai phẫn nộ, 44 hộ dân ở Phú Thọ gần 10 năm chưa nhận được tiền đền bù...
Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của chị Nguyễn Thị Thu Hương (đăng ký HKTT: Số 13 phố Lý Thường Kiệt, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Đơn kêu cứu cho biết: Ngày 27/7/2020, tôi có làm đơn tố cáo gửi lên Công an Quận Tây Hồ trình báo về việc có đối tượng ngang nhiên coi thường pháp luật, ngang nhiên cố ý chiếm giữ trái phép tài sản của gia đình tôi.
Đến nay, ngày 15/12/2020, đã gần 05 tháng qua nhưng Cơ quan Công an Quận Tây Hồ vẫn chưa có kết quả giải quyết hay trả lời đơn thư tố cáo của tôi.
Cụ thể, ngày 23/11/2019, tôi đã ký kết Hợp đồng mua bán nhà đất tại văn phòng công chứng Quốc Dân có Hợp đồng Công chứng Số: 5057/2019/quyển số 17-TP/CC-SCC/HĐGD ngày 23/11/2019 giữa bà Nguyễn Thị Thu Hương với ông Lều Vũ Quang và vợ là bà Nguyễn Thúy Hường về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất tại: Tổ 54 cụm 8 (Số 128 An Dương Vương), phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Giấy chứng nhận QSD đất số AO 868617 cấp ngày 14/10/2009.
Ngày 29/11/2019, Tôi đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CU 271869 ngày 29/11/2019 vào sổ cấp GCN số: CS50930 đối với nhà đất: Tổ 54 cụm 8 (Số 128 An Dương Vương), phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Ngày 20/12/2019, tôi và ông Lều Vũ Quang đến để bàn giao căn nhà trên theo đúng thủ tục. Đến nhận nhà gồm có tôi và em trai là Nguyễn Quang Bắc cùng 2 người bạn đi cùng. Trong lúc tiến hành bàn giao căn nhà với ông Lều Vũ Quang thì có 2 đối tượng 1 nam, 1 nữ đã ở sẵn trong nhà tự xưng là nhà của mình và sử dụng hung khí đe dọa đuổi đánh mọi người. Sự việc chỉ dừng lại đến khi Công an Phường Phú Thượng tới nơi giải quyết sự việc và mời lên phường. Sự việc sau đó đã được tôi khai báo tại Công an Phường Phú Thượng (có biên bản lời khai tại Công an Phường Phú Thượng).
Đến ngày 27/7/2020, do không nhận được bất kỳ thông báo trả lời nào từ phía Công an Phường Phú Thượng (07 tháng kể từ ngày khai báo tại công an phường) em tôi là ông Nguyễn Quang Bắc (người được tôi ủy quyền) đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm giữ tài sản của các đối tượng này lên Công an Quận Tây Hồ.
Ngày 14/10/2020, tôi đã gửi công văn đề nghị di dời đồ đạc ra khỏi nhà Số 128 An Dương Vương tới người đàn ông này nhưng đối tương vẫn cố tình chiếm giữ tài sản trái phép mà không có bất kỳ phản hồi nào đến tôi cũng gia đình tôi.
Ngày 20/11/2020, tôi làm đơn gửi Công an quận Tây Hồ; Công an phường Phú Thượng về việc đề nghị kiểm tra về tạm trú, tạm vắng đối với các đối tượng đang sinh hoạt bất chính tại số nhà tại số nhà 128 An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn vì căn nhà trên thuộc sở hữu hợp pháp của tôi. Việc các đối tượng chiếm đoạt và ở tại căn nhà trên là hoàn toàn cố ý và trái pháp luật.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị Thu Hương đến Thành ủy - UBND TP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Quận ủy - UBND quận Tây Hồ, Công an quận Tây Hồ, Đảng ủy - UBND phường Phú Thượng, đề nghị các cơ quan kiểm tra, xử lý và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của các hộ dân thuộc diện Tái định cư (TĐC) của dự án giải phóng mặt bằng đường vành đai II đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư vọng, được UBND thành phố Hà Nội xếp về tái định cư tại CT2, Khu đô thị Hoàng Văn Thụ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đơn có nội dung: UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 2842/UBND-ĐT ngày 12/06/2017 và văn bản số 5444/UBND-ĐT ngày 30/10/2017 đề nghị các cơ quan có liên quan tiến hành thu hồi các căn hộ dùng cho tạm cư của cư dân Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên đến tận thời điểm này các cơ quan liên quan nói trên đều không hề có một động thái pháp lý nào để tiến hành chỉ thị của UBND TP Hà Nội. Mặc dù từ khi bắt đầu về tạm cư từ đầu năm 2018, cư dân CT2 đã rất nhiều lần có đơn thư yêu cầu đến các cơ quan nói trên yêu cầu họ thực hiện đúng chỉ thị của UBND TP Hà Nội nhưng đều rơi vào im lặng.
Hậu quả của việc không làm theo chỉ thị của UBND TP Hà Nội như sau:
Hiện nay theo báo cáo của Ban quản lý CT2 (BQL) trong cuộc họp với UBND phường Hoàng Văn Thụ thì trong tổng số 102 căn hộ ở CT2, có 14 căn hộ tạm cư chưa trả, có 46 căn hộ đã được bàn giao cho tái định cư. Tuy nhiên vấn đề ở đây là trong số 14 căn hộ tạm cư chưa bàn giao, thì có rất nhiều căn hộ được người ở tạm cư cho người khác thuê lại, và có căn hộ lại cho thuê dịch vụ lưu trú ngắn hạn (cho bệnh nhân hiếm muộn thuê phòng theo giờ, theo ngày). Hành vi cho thuê lưu trú ngắn hạn tại CT2 là hoàn toàn trái pháp luật vì:
Do khách thuê hiếm muộn là người ngoại tỉnh đến và ở với số đông nên đã rất nhiều lần gây ra những sự việc như người thuê trọ hút thuốc lào, đốt vàng mã ở hành lang các tầng gây báo cháy, người thuê trọ đi lại tự do giữa các tầng gây mất an toàn cho cư dân, vứt rác bừa bãi qua cửa sổ các căn hộ, gây lộn xích mích với cư dân. Tất cả các sự việc phát sinh đều được báo BQL và công an khu vực ghi nhận. Tuy nhiên không hề được giải quyết.
Ngoài ra, để tận dụng tối đa không gian trong các căn hộ cho thuê hiếm muộn, chủ căn hộ tự ý đập tường ngăn, thay đổi kết cấu, khoan đục cột bê tông chịu lực của tòa nhà, dùng khung sắt, vật liệu vách nhựa để ngăn căn hộ thành các khoang nhỏ với diện tích 2-3m2cho thuê khép kín. Đây là hành vi rất nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy và an toàn về kết cấu cho toàn bộ tòa nhà, tuy nhiên không hề có một ai giám sát dù đã nhiều lần được cư dân phản ánh đến BQL CT và BCS.
Do tòa nhà CT2 đã được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nên thang máy đã xuống cấp nghiêm trọng, cộng với việc cho thuê dịch vụ lưu trú hiếm muộn với mật độ đông nên thang máy từ khi cư dân về ở liên tục hỏng kéo dài, những lần hỏng trung bình từ 2 tuần đến 1 tháng. Hiện nay từ cuối tháng 10/2020, thang máy to đã hỏng chỉ còn 1 thang máy nhỏ đang vận hành trong tình trạng rung giật, rất nguy hiểm. Cả 2 thang máy từ khi cư dân TĐC về sinh sống đã phát hiện ra là không có tem kiểm định.
Cư dân đã nhiều lần yêu cầu BCS tiến hành kiểm định chất lượng và báo cáo để cư dân biết, nhưng không hề có câu trả lời từ BCS. Việc sử dụng thang máy không được kiểm định gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân sinh sống trong CT2, nhưng BCS và sở xây dựng cố ý phớt lờ thể hiện sự coi thường pháp luật và tính mạng người dân.
Bên cạnh đó, từ khi cư TĐC về nhận nhà ở CT2 đầu năm 2018 đến nay đã hơn 02 năm nhưng BCS vẫn không hề có động thái nào về việc tiến hành cấp "sổ hồng" cho cư dân dù cư dân đã nhiều lần có văn bản và đến gặp đại diện BCS để chất vấn. BCS luôn trả lời là do bên sở TNMT chưa đồng ý cấp sổ hồng do thiếu giấy tờ pháp lý".
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, UBND quận Hoàng Mai xem xét giải quyết.
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của 44 hộ dân thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là những hộ nằm trong danh sách được bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án Hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch xóm Lấp.
Đơn có nội dung như sau: "Chúng tôi đều là những gia đình dân tộc thiểu số như Mường, Dao, Mông, đời sống kinh tế khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông- lâm nghiệp.
Năm 2013, Dự án Hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch xóm Lấp, các hang: Thổ Thần, hang Na và Thác Lưng Trời tại Vườn quốc gia Xuân Sơn được phê duyệt. Do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nhưng tin tưởng vào chủ trương của tỉnh, mặc dù chưa nhận được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật nhưng chúng tôi vẫn đồng ý cho doanh nghiệp Xuân Trường tiến hành xây dựng công trình và nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đến nay đã 7 năm trôi qua, 44 bộ gia đình bị thu hồi đất trong dự án nêu trên vẫn chưa được chi trả tiền bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Tổng số tiền mà 44 hộ dân và 2 tổ chức được bồi thường trong dự án nêu trên là 1.827.296.000 đồng.
Gần đây, các hộ dân rất phấn khởi khi nhận được thông tin: vào ngày 10/06/2020, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số: 127/BC-SVHTTDL Báo cáo công tác kiểm tra, rà soát và đề xuất nguồn kinh phí chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dự án Hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch xóm Lấp, các hang Thổ Thần, hang Na và thác Lưng Trời tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Theo báo cáo này: Ngoài kinh phí bồi thường GPMB theo quyết định số: 1538/QĐ-UBND ngày 19/3/2013 của Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn là 1.827.296.000 đồng, còn phải thêm phần kinh phí hỗ trợ chậm trả là 1.940.000.445 đồng (tính đến ngày 31/7/2020) và kinh phí thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng là 51.554.800 đồng. Báo cáo cùng nêu nguyện vọng của các hộ dân là chi trả trong tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đã hết thời hạn tháng 8 năm 2020, các hộ dân vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào về phương án chi trả.
Đến ngày 06/8/2020, các hộ dân tiếp tục nhận được văn bản số: 17/BQLDA-QHHT V/v: Trả lời đơn đề nghịghi ngày 03/8/2020 của Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ. Theo văn bản này, Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ tiếp tục hứa hẹn: "Khi UBND tỉnh bố trí vốn cho dự án, Sở văn hóa, thể thao và du lịch sẽ khẩn trương phối hợp với HĐBT, hỗ trợ và tái định cư huyện Tân Sơn, tiến hành ngay việc chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định".
Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi, qua rất nhiều lần các cơ quan chức năng hứa hẹn, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có được một câu trả lời cụ thể, thỏa đáng về thời điểm chúng tôi sẽ được nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của chúng tôi mà còn khiến chúng tôi hoang mang và bức xúc".
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Phú Thọ xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Ty, 83 tuổi, trú tại xóm Đại Lộc, thôn Diện Lộc, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để đòi lại công lý cho người chồng đã mất oan ức cách đây 28 năm.
Nội dung đơn như sau: "Tối ngày 06/9/1992, 3 đối tượng chọc ghẹo và đánh con gái tôi cùng bạn của nó, chồng tôi can ngăn thì bị các đối tượng hành hung. Sau đó, chồng tôi ngã gục và 3 ngày sau thì mất một cách oan ức và đau đớn.
Chồng tôi (Đỗ Văn Kiếm) lúc đó mới 58 tuổi, sức khỏe tốt, là trụ cột của gia đình và 8 đứa con. Vợ chồng tôi từng tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày, bị tra tấn dã man nhưng vẫn trung thành với cách mạng và được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huy chương.
1 kẻ sau đó đã bỏ trốn và công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã có lệnh truy nã; 2 tên còn lại vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật tại địa phương mà không hề bị pháp luật trừng trị. 28 năm nay tôi chưa hề nhận được một văn bản chính thức nào của cơ quan chức năng có trách nhiệm hồi đáp những lá đơn đòi công lý của tôi.
Tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng nỗi đau và cái chết của chồng tôi vẫn nhức nhối như ngày nào, tôi khẩn thiết mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đưa những kẻ giết người ra ánh sáng của pháp luật để bị xử lý thích đáng, xoa dịu phần nào nỗi đau cho gia đình tôi và vong linh người chồng đã khuất".
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Thanh tra Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ngãi, VKSND tỉnh Quảng Ngãi; Công an huyện Bình Sơn, VKSND huyện xem xét giải quyết và hồi âm đơn bạn đọc theo quy định của pháp luật.