Nhịp cầu bạn đọc số 11: Đề nghị huyện Thanh Oai giải quyết đơn thư!
(Dân trí) - Gia đình có công với cách mạng tại Thanh Oai mòn mỏi chờ giải quyết đơn; người dân huyện Ứng Hòa, các hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ cháy ở phố Ngọc Khánh kêu cứu... là nội dung đơn thư bạn đọc phản ánh
Báo Dân trí nhận được đơn phản ánh của bạn đọc Nguyễn Duy Chiểu, trú tại thôn Chua, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội, về việc lãnh đạo địa phương vô cảm, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, một gia đình chính sách, có công với cách mạng.
Nội dung đơn như sau: “Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường đi cho nhân dân, năm 2018 ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hùng và ông bí thư chi bộ thôn vào gia đình tôi vận động hiến đất mở rộng đường cho nhân dân đi lại thuận tiện (đường đi cũ chỉ rộng khoảng 0,5m).
Đồng thuận với chủ trương của thôn, nội tộc gia đình tôi đã họp và nhất trí hiến đổi 1,5m đất chiều rộng và 14m đất chiều dài để thực hiện dự án mở đường rộng 3m đổ bê tông, nhân dân đi lại rất phấn khởi.
Phần diện tích đất ao còn lại của gia đình tôi, theo hồ sơ địa chính được quản lý ở 02 tờ bản đồ giải thửa thôn Chua, xã Bình Minh: một tờ năm 1985 diện tích 247m2 và một tờ năm 1995 diện tích 312m2. Không hiểu căn cứ vào đâu mà UBND xã Bình Minh lại giao và trích lục bản đồ cho gia đình tôi là 247m2 (như vậy so với bản đồ năm 1995 gia đình tôi còn thiếu 65m2).
Gia đình đã xây tường bao quanh và bớt 3m ngõ đi vào diện tích đất. Trong khi xây dựng tường bao, liền với mảnh đất của gia đình tôi là phần diện tích đất công trũng thấp, nơi mọi người đổ rác thải rất mất vệ sinh, nên không tính thiệt hơn gia đình tôi đã tôn cao, san lấp và đổ bê tông thành 1 sân chơi rất đẹp (xây dựng tháng 1/2019).
Xong do đố kị, một số người đã mang gạch về xây chắn lối đi của gia đình tôi. Khi phát hiện, gia đình tôi đã báo với ông trưởng thôn, ông bí thư chi bộ và UBND xã. Các ông đã giao cơ quan chức năng vào kiểm tra lập biên bản, tháo dỡ vật liệu và giữ nguyên hiện trạng, đồng thời không cho nhóm người đó tiếp tục việc xây dựng trái phép trên đất của gia đình tôi nữa. Đại diện các cơ quan chức năng của xã cho biết sẽ về báo cáo lại chủ tịch để giải quyết ngõ đi cho gia đình tôi.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 1 năm, chính quyền địa phương vẫn không giải quyết lối đi cho gia đình tôi, chiều ngày 18/5/2020, một số hộ dân lại tiếp tục dùng thêm nhiều xích đu chắn ngay cửa nhà tôi, không cho gia đình tôi đi lại vận chuyển vật liệu xây dựng, gây mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến thường xuyên cãi nhau, có nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến án mạng xảy ra.
Khi xảy ra sự việc, chiều ngày 19/5/2020, gia đình tôi lại tiếp tục làm đơn gửi phòng một cửa của UBND xã, đề nghị với thôn và UBND xã Bình Minh giải quyết. Thời điểm đó là trước Đại hội đảng bộ xã, ông bí thư đảng ủy và ông chủ tịch xã Bình Minh đều hứa sau đại hội sẽ giải quyết.
Chờ đợi mãi, đến ngày 17/8/2020, gia đình tôi lại làm đơn lần thứ 3 gửi ông bí thư Đảng ủy và chủ tịch UBND xã đề nghị giải quyết, song đã hơn 01 năm trôi qua (tính đến ngày 19/8/2020) ông chủ tịch UBND xã Bình Minh không có sự phản hồi".
Báo Dân trí kính chuyển Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường, Hội Cựu Chiến binh, UBND huyện Thanh Oai xem xét giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của bạn đọc Dương Hồng Thắng, Dương Thị Bắc trú tại thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội về việc phản đối quyết định thu hồi, cưỡng chế đất của UBND huyện Ứng Hòa.
Nội dung đơn như sau: "Vào những năm đầu thập kỷ 90, tôi có ra khai hoang phục hóa ở nền cũ của sân kho hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thôn Vân Đình với sự nhất trí của chủ nhiệm HTX, tính đến nay đã được 30 năm. Đến năm 1997, nhà nước xây dựng trường tiểu học Tân Phương thì tôi chuyển ra ngay sát cạnh đó để dựng lều lán tạm để ở. Qua nhiều năm sau đó, đến nay tôi đã dựng lên ngôi nhà cấp 4 để trú nắng, trú mưa. Chúng tôi đã được cấp hộ khẩu tại đó, nộp thuế đất phí nông nghiệp.
Như vậy, căn cứ luật đất đai năm 1993, luật đất đai năm 2003, luật đất đai năm 2013, và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định: Đất đai, nhà ở được sử dụng ăn ở ổn định trước ngày 15/10/1994 (kể cả đất lấn chiếm, đất khai hoang) mà không có tranh chấp, nộp thuế cho nhà nước là đất ở và nhà ở hợp pháp, được pháp luật bảo hộ. Điều đó cũng đã được thể hiện trong bản đồ năm 2014 của UBND huyện Ứng Hòa khẳng định: Đất ở của hai gia đình chúng tôi nói trên là đất ở đô thị, các hộ gia đình đã được cấp hộ khẩu tại đây, đã được UBND thị trấn Vân Đình tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở; Đã được Công an thị trấn Vân Đình xác nhận gia đình chúng tôi thường xuyên ăn ở và sinh hoạt trên mảnh đất chúng tôi đã khai hoang, bồi đắp suốt trong quá trình 30 năm qua.
Hiện nay, tôi là trụ cột của gia đình gồm 4 người đang sinh sống trên diện tích trên. Tôi không có nghề nghiệp ổn định, cá nhân tôi 3 tháng nay mắc bệnh hiểm nghèo đang phải xạ trị tại bệnh viện K Tân Triều (U thực quản giai đoạn 3). Sức khỏe tôi giờ rất yếu, di chuyển rất khó khăn không còn khả năng lao động.
Hiện nay, UBND huyện Ứng Hòa thực hiện dự án nâng cấp sửa chữa trường tiểu học Tân Phương và thu hồi thửa đất 285 m² đất sau trường tiểu học Tân Phương của gia đình tôi, thể hiện tại văn bản số 4451 ban hành ngày 21/09/2020: “Tiếp tục thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất” của UBND huyện Ứng Hòa. Chúng tôi phản đối quyết định này vì thực hiện không đúng quy định của pháp luật”.
Báo Dân trí kính chuyển UBND TP Hà Nội, Thanh tra Sở TNMT, UBND huyện Ứng Hòa xem xét giải quyết và hồi âm đơn bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn phản ánh của bạn đọc Trần Thụ, trú tại tập thể Nhà máy cơ khí C70, ngõ 879 La Thành, Ngọc Khánh, HN, đại diện cho 20 hộ dân bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn ngày 17/9/2018 tại Khu tập thể Nhà máy cơ khí C70.
Nội dung vụ đơn như sau: “Theo thông báo của chính quyền địa phương, xuất phát điểm vụ cháy là từ dãy nhà trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp. Vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can; sau 17 tháng mỏi mòn, mãi đến ngày 04/3/2020 vụ án mới được xét xử nhưng lập tức bị hoãn đến 30/4/2020 vì thiếu nhân chứng. Tuy nhiên đến nay phiên tòa vẫn bị hoãn và chưa có lịch mở chính xác.
Vụ việc đến nay đã tròn 02 năm và dần vào quên lãng nhưng sau vụ hỏa hoạn thì cuộc sống của 20 hộ dân bao gồm 99 nhân khẩu hoàn toàn bị đảo lộn, tài sản bao đời gây dựng mất trắng, nhà cửa không xây được vì tài chính kiệt quệ và phần nữa vướng vào dự án đường vành đai 1 đắp chiếu.
Đa phần gia đình chúng tôi gồm trẻ nhỏ, người trung niên và cao tuổi nên việc thích nghi và phục hồi cuộc sống vô cùng khó khăn, rồi dịch bệnh Covid hoành hành khiến cuộc sống đã khốn nay lại càng khó hơn, mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, con trẻ mới có thể vui bước đến trường, sống bình an hạnh phúc”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn đến UBND TP Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xem xét giải quyết.