Nhịp cầu bạn đọc số 10: Đề nghị xem xét kiến nghị của doanh nghiệp về việc nộp thuế tại TP.HCM

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc gửi về tòa soạn, phản ánh một số vấn đề khúc mắc về giải quyết chế độ lương và bảo hiểm xã hội cho nhân viên, khiếu nại việc xây dựng nhà văn hóa thôn ở huyện Mê Linh lấn chiếm đất của người dân... Báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến các cơ quan chức năng để giải quyết

Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội, có trụ sở chính tại 193/11 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đơn thư cho biết: Công ty Lô Hội đang bị Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cưỡng chế hóa đơn, truy thu và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền quá hạn nộp phải cưỡng chế nợ thuế đối với Lô Hội lên đến 93.931.282.066 đồng liên quan đến việc hạch toán chi phí hoa hồng cho nhà phân phối của năm 2008. Chúng tôi cho rằng cơ quan thuế áp tỉ lệ khống chế 10% tổng chi phí khi tính thuế TNDN đối với công ty Lô Hội trong năm 2008 là không có cơ sở pháp lý và không nhất quán trong việc áp dụng pháp luật.

Đơn thư cho biết: Đến nay, Công ty Lô Hội liên tục nhận được các Quyết định số 1622/QĐ-CCT do Chi cục thuế Quận 3 ban hành ngày 12/4/2017 về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp hóa đơn không còn giá trị sử dụng (“Quyết định 1622”), Thông báo số 3955/TB-CCT ngày 12/4/2017 do Chi cục thuế Quận 3 về việc hóa đơn không còn giá trị sử dụng (“Thông báo 3955”) và gần đây nhất là Thông báo số 134494/TB-TB07-CCT do Chi cục thuế Quận 3 về số tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp của doanh nghiệp (“Thông báo 134494”) với tổng số tiền quá hạn nộp phải cưỡng chế nợ thuế đối với Lô Hội là 93.931.282.066 đồng.

Trong khoảng hơn hai năm bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn (từ năm 2017 đến nay), Công ty không thể tiếp tục sử dụng và phát hành hóa đơn để bán hàng hóa, thanh toán tiền hàng cho các đối tác nước ngoài và trả lương, duy trì hoạt động của các hệ thống bán hàng khiến hoạt động kinh doanh bị trì trệ, gián đoạn. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu của Công ty là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, v.v. đều có thời hạn sử dụng được nhà sản xuất quy định cụ thể. Vì vậy, việc không xuất được hóa đơn, không bán được hàng dẫn đến hàng hóa bị tồn kho, hết hạn sử dụng buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Lô Hội.

Trong khi đó, ngày 11/3/2011, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1218/BTP-PLDSKT gửi Bộ Tài chính khẳng định: Việc Công ty Lô hội cho rằng công ty được phép hạch toán 100% chi phí hoa hồng vào chi phí hợp lý là một cách hiểu hợp lý và cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng không có căn cứ để cho rằng cách hiểu như vậy của công ty là không phù hợp vớ hướng dẫn của Tổng cục thuế. Vì vậy, theo Bộ Tư pháp thì không có cơ sở pháp lý để cho rằng việc Công ty Lô hội hạch toán 100% khoản chi phí hoa hồng mà công ty trả cho các nhà phân phối vào chi phí hợp lý để tính thuế là hành vi vi phạm pháp luật nhằm trốn thuế.

Từ những lý do nêu trên, Bộ Tư pháp cho rằng việc truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và xử phạt đối với công ty Lô hội theo quyết định số 13645/QĐ-CT-TTr-N4 ngày 19/12/2008 Cục thuế TP HCM là không có cơ sở pháp lý.

Từ đó, Công ty Lô hội đề nghị các cơ quan thẩm quyền: Chấp nhận việc hạch toán 100% các chi phí hoa hồng cho các nhà phân phối của Lô Hội vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế TNDN đối với niên độ kế toán 2018; Hủy bỏ một phần Quyết định 20 liên quan đến việc truy thu số tiền thuế TNDN nộp thêm năm 2008 là 29.756.109.550 đồng và số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế là 28.441.256.376 đồng,

Hủy bỏ Quyết định số 1622 về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp hóa đơn không còn giá trị sử dụng, để gỡ bỏ cưỡng chế hóa đơn đối với Lô Hội.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục thuế TP.HCM, Chi cục thuế Quận 3, TP.HCM kiểm tra, làm rõ, xử lý và sớm hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Lương Ngọc Quang - Đại diện những cán bộ công nhân viên đã và đang làm việc tại Công ty Cổ phần Hằng Hà đơn vị liên kết cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện Dự án Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở Đức Giang xin được gửi tới quý báo lá đơn kêu cứu về việc chúng tôi hiện đang bị Công ty Hằng Hà nợ lương và tiền Bảo hiểm xã hội từ tháng 07/2018 đến nay.

Đơn có nội dung: “Tính đến thời điểm ngày 10/4/2019, công ty Hằng Hà chưa thanh toán lương cho người lao động đã và đang làm việc tại công ty với tổng số tiền khoảng 2,7 tỷ đồng.

Số tiền này là khoản tiền lương hàng tháng theo hợp đồng lao động nhưng công ty lấy rất nhiều lý do để giữ lại 20% lương cho đến toàn bộ lương đều không được chi trả cho chúng tôi. Việc này đã vi phạm nghiêm trọng đến hợp đồng lao động giữa hai bên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Chúng tôi đã làm đơn phản ánh tình trạng này đến các lãnh đạo của công ty nhưng đều không được giải quyết.

Ngoài việc chậm chi trả lương, công ty mới đóng tiền bảo hiểm cho người lao động đến hết tháng 7/2018 theo như thông báo của BHXH quận Tây Hồ. Tuy nhiên kể từ tháng 8/2018 đến tháng 11/2018 khi công ty thanh toán 80% lương cho người lao động thì NLĐ vẫn bị khấu trừ tiền tham gia BHXH. Việc này dẫn tới tình trạng nhiều cán bộ nhân viên khi nghỉ việc không thể chốt được sổ BHXH để giải quyết trợ cấp thất nghiệp cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đóng tiếp nối thời gian tham gia BHXH ở cơ quan mới, nhiều cán bộ nhân viên không thể sử dụng thẻ BHYT khi có nhu cầu khám chữa bệnh”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND Tp. Hà Nội, Liên đoàn lao động TP.HN, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HN, UBND quận Tây Hồ xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Thị Phán (vợ liệt sỹ) trú tại Khu 2, thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội khiếu nại việc xây dựng nhà văn hóa thôn Hoàng xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội lấn chiếm đất của người dân.

Đơn có nội dung: “Căn cứ vào nội dung đơn khiếu nại ngày 12/4/2019 tôi có gửi đơn khiếu nại việc xây dựng nhà văn hóa thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội lấn chiếm đất của gia đình tôi.

Đối với các cơ quan của TƯ, thành phố, huyện đều có văn bản phúc đáp chuyển đơn xuống cấp có thẩm quyền thấp hơn để thụ lý và giải quyết nội dung đơn (do gửi đơn vượt cấp chưa theo lộ trình). Nhưng riêng, xã Hoàng Kim chưa có thông báo phản hồi đến người có đơn về việc có giải quyết hay không để người có đơn khiếu nại không nắm được thông tin và thiếu lòng tin ở cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại.

Theo quy định tại Điều 28 (thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu) của Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Do đó, tính từ thời điểm tôi gửi đơn đến UBND xã Hoàng Kim đến nay đã quá thời hạn 30 ngày nhưng chưa thấy một động thái giải quyết nào của UBND xã Hoàng Kim.

Vậy trách nhiệm của UBND xã trong việc giải quyết nội dung đơn khiếu nại của gia đình tôi như thế nào? Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cần phải làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết chậm chễ đơn thư; không thực hiện theo chỉ đạo tại Văn bản số 422/BTCD-HC ngày 23/4/2019 của Ban Tiếp công dân huyện Mê Linh.

Ngoài ra, tôi đề nghị UBND huyện Mê Linh cần làm rõ và giải thích việc xuất hiện đội ngũ lực lượng vũ trang (Công an và bộ đội) phối hợp với UBND xã Hoàng Kim cưỡng chế các công trình trên đất của gia đình tôi và thu của gia đình tôi 3 chiếc xe rùa chở vật liệu. có cơ quan nào kết luận việc xây dựng nhà văn hóa thôn Hoàng Xá hiện nay lấn chiếm đất của gia đình tôi là không sai? Gia đình tôi có lấn chiếm đất để xây dựng công trình sai mục đích không (không xây dựng mà chỉ có nhà dựng tạm và xếp tường gạch để ngăn đất của gia đình với nhà văn hóa)? Vậy tại sao cơ quan nào chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội và UBND xã giải tỏa? (có đĩa mềm kèm theo). Đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân nếu sai phạm phải xử lý nghiêm.

Việc xây dựng nhà văn hóa thôn Hoàng xá (đã hoàn thiện nhà chính chưa xây dựng khuân viên, hàng rào) trên đất đang tranh chấp giữa gia đình tôi và UBND xã Hoàng Kim việc xây dựng nay có đúng theo quy định tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.

Gia đình tôi đề nghị các cấp chính quyền xem xét giải quyết theo đúng trình tự quy định tại các văn bản hiện hành để gia đình tôi sớm ổn định làm ăn”

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP. Hà Nội, sở TN&MT TP.HN; UBND huyện Mê Linh; UBND xã Hoàng Kim xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của người dân thuộc tổ 11 và 12, Phường 4, Tp Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị việc ông Nguyễn Minh T., hiện đang công tác tại Đội Đặc doanh - Phòng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng có hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật, có dấu hiệu ép người dân bán đất giá rẻ và mở nhà hàng kinh doanh ăn uống gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung đơn như sau: “Ông T. có các vi phạm về lạm dụng chức quyền, lấn chiếm đất đai, lừa đảo tiền của dân, vi phạm an ninh trật tự gây hỗn loạn, hoang mang trong dân nhằm thâu tóm đất đai của các hộ dân chúng tôi đặc biệt là việc chặt đốn hơn 1000 cây thông rừng trái phép và sự việc còn đang diễn ra tại thửa đất bên cạnh nhà ông Tiến.Việc vi phạm của Ông T. khiến cho cuộc sống của người dân tại Phường 4 và Phường 5, TP. Đà Lạt gặp nhiều khó khăn và gây bức xúc trong dư luận. Theo đó, người dân đã gửi nhiều đơn kiến nghị, đơn tố cáo cầu cứu tại các cơ quan chức năng tại địa phương nhưng chưa được giải quyết”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Ban lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, Chi cục VSATTP tỉnh Lâm Đồng xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Phan Tiến Dũng trú tại Buôn Dliêya A, xã Dliêya, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk gửi đơn cầu cứu về vụ việc em gái mình bị cưỡng hiếp nhưng không được các cơ quan chức năng địa phương giải quyết.

Đơn có nội dung như sau: “Anh em chúng tôi do hoàn cảnh mồ côi, năm 2001 tôi đã đưa các em rời xa quê hương Hà Tĩnh vào Đăk Lăk sinh sống, một mình tôi đi làm công nhân cao su để nuôi các em ăn học.

Đến năm 2007 thì cô em gái út của tôi tên là: Phan Thị Thanh Huyền, sinh năm 1994 lúc đó mới hơn 13 tuổi, là học sinh lớp 8 đã nhiều lần bị ông chủ nhà trọ là ông Nguyễn Xuân H. cư trú tại thôn Tân Quảng, xã Ea Toh, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk hiếp dâm nhiều lần dẫn đến có thai phải đi nạo phá thai, bản thân ông Hải là một người cán bộ giữ vị trí cán bộ xã Ea Toh vậy mà đã nhiều lần có hành vi hiếp dâm một đứa trẻ 13 tuổi dẫn đến có thai nhưng lại không có trách nhiệm gì.

Tôi đã nhiều lần làm đơn trình bào cơ quan Công an huyện Krông Năng về sự việc nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cán bộ điều tra xử lý.

Đến nay mặc dù đã có rất nhiều lá đơn cùng với tang chứng tôi có được gửi đi nhưng tôi vẫn không nhận được bất kỳ câu trả lời nào từ phía cơ quan các cấp và hiện 3 cha con nhà ông Nguyễn Xuân H. vẫn đang ung dung ngoài vòng pháp luật”

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Ban lãnh đạo công an tỉnh Đăk Lăk, huyện Krông Năng; UBND huyện Krông Năng, UBND xã Dliêya xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân (tổng hợp)