Nhìn nhận đúng về sự cống hiến của giáo viên
Không biết bạn Mai Hương có đi học ở trường ở lớp nào không mà có cái nhìn coi thường sự cống hiến của thầy cô giáo như thế? Nếu có đi học thì những gì bạn có được ngày hôm nay liệu có phần nào là kết quả của sự dạy dỗ của các thầy cô không?
Tất nhiên đâu đó vẫn còn một số trường hợp cá biệt các thầy cô chưa xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ cao quý của mình. Thế nhưng nếu đọc những gì mà bạn Mai Hương viết ra, thì có cảm giác như hầu hết các thầy cô đều là những người ăn thật làm giả, làm ít hưởng nhiều: Thỉnh thoảng lên lớp giảng vài ba tiết rồi về nhà làm việc gia đình, thuê người khác giảng hộ để đi buôn, được nghỉ hè 3 tháng nhưng vẫn nhận lương… Với tư cách một người đã từng là học trò, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ của mình với độc giả và hy vọng sẽ giúp cho bạn Mai Hương hiểu thấu đáo hơn về một nghề được coi là cao quý và đáng được cả xã hội trân trọng.
Điều đầu tiên chúng ta đều cảm nhận được là, với tư cách là một người thầy, hầu hết các thầy cô luôn phải sống và cư xử đúng mực, ở mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ riêng khi đứng trên bục giảng; phải hy sinh những cám dỗ tầm thường, không cho phép mình làm những điều mà những người làm trong các nghề bình thường khác có thể làm. Chỉ với từng đó thôi cũng xứng đáng để cả xã hội ghi nhận rồi bởi vì các thầy cô không phải là thần thánh mà cũng là con người như mọi người.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Điều thứ ba chúng ta đều phải thừa nhận là để có thể đứng trên bục giảng, các thầy cô đều phải có sự đầu tư dài hạn trong quá khứ trong hiện tại và trong cả tương lai một cách thường xuyên về mặt kiến thức và nghiệp vụ; vẫn biết nhà nước vẫn luôn ủng hộ và hỗ trợ cho việc này, nhưng chắc chắn là không thể bù đắp được toàn bộ chi phí và công sức của các thầy cô đã bỏ ra; vậy thì việc bạn Mai Hương so sánh một cách khiên cưỡng 8 tiếng đồng hồ lao động giản đơn với những gì các thầy cô cống hiến cho sự nghiệp trồng người liệu có khập khiếng không? Vẫn biết mỗi nghề đều có những khó khăn và sự hy sinh khác nhau, nhưng mọi công việc đều có sự vinh quang và đáng được trân trọng, nhất là nghề giáo.
Sau cùng tôi cũng mong rằng bạn Mai Hương hãy bình tâm suy nghĩ với tầm mắt rộng hơn, để có thể thấy rằng, mặc dù các chế độ, lương thưởng chưa đáp ứng và phù hợp với những gì đáng được coi là công ơn của các thầy cô, nhưng hàng ngày, hàng giờ trên mọi miền đất nước này hàng triệu thầy cô giáo vẫn làm việc và cống hiến cho sự nghiệp “ trồng người” với ý thức trách nhiệm của mình. Có lẽ động lực để các thầy cô vượt lên mọi khó khăn về vật chất để hoàn thành nhiệm vụ của mình chính là sự ghi nhận của xã hội và những “sản phẩm” là những con người đang cống hiến và làm giàu cho đất nước ngày nay. Nhiều thế hệ học trò thành đạt luôn ghi nhớ công lao dạy dỗ của thầy cô, chứ nghề này đâu có bạc bẽo như chuyện người lái đò đưa khách sang sông!
Nhân Ngày Tết sắp đến, tôi xin phép được gửi lời tri ân đến tất cả các thầy cô giáo và mong rằng các cấp các ngành cũng như các doanh nghiệp giàu tiềm lực nên quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa về cả vật chất và tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô giáo hành nghề với tất cả sức lực và tâm huyết của mình.
Lục Hoàng Gia Linh
LTS Dân trí - Nghề giáo đúng là một nghề đặc biệt trong xã hội bởi “sản phẩm” của nghề đó là con người có nhân cách, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Vì vậy nghề giáo không phải là nghề lao động giản đơn mà đòi hỏi các thầy cô giáo vừa có tâm huyết, vừa nắm vững kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm, vừa là tâm gương mẫu mực về mọi mặt cho học sinh noi theo.
Lao động của nhà giáo cũng mang tính đặc thù. Đúng như tác giả bài viết trên đây đã thấy được công phu của nghề giáo. Nhiệm vụ của thầy cô không chỉ đơn thuần là mấy giờ lên lớp trong một ngày, mà còn phải đầu tư nhiều công sức vào việc chuẩn bị bài giảng, chấm bài của học sinh và không ngừng trau dồi tri thức để làm phong phú thêm bài giảng. Ngoài ra, các thầy cô giáo còn phải dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của mỗi học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp, nhất là đối với “học sinh cá biệt”.
Mọi người đều có một thời đi học, cho nên biết rõ công lao của các thầy cô giáo, luôn trân trọng và ghi nhớ công lao đó. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thầy cô giáo không chi là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn cần đến sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức đòan thể cũng như tòan xã hội chúng ta.