Nhiều ý kiến tranh cãi về vụ thầy giáo ôn thi cho học sinh "trúng tủ" 80%

Trọng Trinh

(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin thầy Phan Khắc Nghệ có buổi ôn tập trọng tâm trước ngày thi giống đề tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh học chính thức đến 80%.

Ngay sau khi thông tin này được lan truyền trên mạng xã hội, Bộ GD-ĐT đã ra thông báo xác minh sự việc. Thông tin này nhanh chóng dấy lên nhiều ý kiến tranh luận trong giới giáo viên cùng những học sinh đã trực tiếp tham dự kỳ thi và cả các bậc phụ huynh.

Nhiều ý kiến tranh cãi về vụ thầy giáo ôn thi cho học sinh trúng tủ 80% - 1

Thầy Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Ảnh: Trên trang Facebook cá nhân của thầy Nghệ).

Liên quan đến vấn đề này, thầy Phan Khắc Nghệ (Hiệu phó trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã có những chia sẻ về vụ việc. Thầy cho biết, khi xem và giải đề, phần cơ bản học trò đã được ôn kỹ, làm đi làm lại khá nhiều lần. Những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, có một số câu trong đề chính thức trùng dạng với nội dung đã được ôn tập.

"Về đề thi tốt nghiệp vừa qua với những buổi ôn tập của tôi có một số câu trúng y nguyên, đây là những câu được ghi rõ trong sách giáo khoa ở mức nhận biết kiến thức. Một số câu thì có nội hàm tương tự nhau. Một số câu khi tôi giảng bài và mở rộng kiến thức thì nội dung đã được mở rộng, bao phủ phần kiến thức đó, nó có phần gần giống với nội dung kiến thức mà câu hỏi đặt ra trong đề thi", thầy Nghệ khẳng định.

Thầy Nghệ cũng nhấn mạnh thêm, đề thi cũng phát triển từ nội dung sách giáo khoa: "Tôi giảng bài, ôn bài cũng phát triển kiến thức từ sách giáo khoa, hai nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau".

Thầy Nghệ đã có kinh nghiệm đứng lớp 22 năm và bắt đầu ôn luyện thi online vào năm 2018.

Nhiều ý kiến tranh cãi về vụ thầy giáo ôn thi cho học sinh trúng tủ 80% - 2

Một thầy giáo ở Hà Nội chỉ ra sự trùng hợp giữa nội dung ôn luyện của thầy Nghệ và đề thi chính thức môn Sinh học (Ảnh: NVCC). 

Nhiều độc giả của Dân trí đã đưa ra những ý kiến cá nhân xung quanh vấn đề này, trong đó đại đa số ý kiến đồng tình với việc ôn đúng trọng tâm, "đúng tủ" là điều hết sức bình thường, như quan điểm của độc giả Trần Đình Khoa: "Tôi thấy việc quan trọng là thầy Nghệ có nằm trong Ban ra đề thi hay không. Nếu không nằm trong Ban ra đề thi, thì có nghĩa là thầy Nghệ có trình độ và có kinh nghiệm trong việc ôn tập, ôn thi chứ sao. Vì đã nhiều năm nay thầy ôn thi cho học sinh, đâu phải lần đầu".

Độc giả Đỗ Xuân Tuấn đồng quan điểm: "Ôn đúng trọng tâm mà cũng bị nói thì thật là bất thường, chẳng nhẽ các thầy cô phải cho ôn bài khác với đề thi thì mới được công nhận, hoan nghênh hay sao?. Việc thầy cho ôn đúng trọng tâm thì cần phải được tôn trọng, khuyến khích, bảo vệ... mới là đúng đắn chứ".

Độc giả có Nickname Phim Kiếm Hiệp cho biết mình cũng từng ôn trúng tủ và chuyện này hết sức bình thường: "Ơ hay thế ôn trúng tủ cũng phạm luật à? nhớ thời thi Đại học, trong đề có 5 câu thì 4 câu mình đã giải trước trong khoảng 6 tháng trước ngày thi, cách thức là như nhau chỉ khác đôi chút về số liệu. Cơ bản trong thời gian này mình cũng giải khoảng 4-5000 bài (bao gồm cả đề trong sách, báo, tài liệu và cả đề mình tự ra tự giải), việc trùng hợp là đương nhiên mà".

"Làm một giáo viên phải biết xác định những trọng tâm của yêu cầu nội dung môn học là ở chỗ nào, việc thầy giáo ôn tập cho học sinh gần trùng hợp với đề thi của Bộ GD-ĐT là chuyện bình thường. Theo tôi thầy Nghệ là một thầy giáo nắm vững những yêu cầu của bộ GD-ĐT trong kỳ thi này", bạn đọc Tony.

Khá hài hước khi so sánh với việc trúng số Vietlott, bạn đọc Toàn Lê: "Khi chơi Vietlott, bấm mò gần cả chục cặp số mà vẫn có người trúng trăm tỷ kia mà. Việc những giáo viên có kinh nghiệm ôn tập trúng tủ cho học sinh vẫn có thể xảy ra. Nhưng không phải kỳ thi nào họ cũng "mò" trúng. Giống như một người không thể trúng 2,3 lần Vietlott vậy".

Cũng có quan điểm cho rằng cần thanh, kiểm tra lại vấn đề này, như ý kiến của bạn đọc Thanh Bùi: "Nên kiểm tra, thanh tra, điều tra cho rõ ràng, trùng hợp như vậy thật bất bình thường, khó tin, mà lại ở lớp Vip. Năm 2018 tiêu cực thi cử cũng bị phát hiện nhờ việc báo chí thấy điểm thi cao bất thường tại các tỉnh có mặt bằng giáo dục không cao, không có truyền thống học hành, đỗ đạt cao".

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT chắc chắn sẽ có thông báo kết luận về vụ việc sau khi tiến hành xác minh. Ý kiến của bạn về việc này như thế nào? Hãy để lại bình luận phía dưới nhé!