Quảng Bình:
Nhiều uẩn khúc trong vụ cưỡng chế nhà đất tại huyện Bố Trạch
(Dân trí) – “Tuổi trẻ vợ chồng tôi đã cống hiến cho cách mạng, cho tổ quốc hết cả rồi. Giờ về già, trước lúc nhắm mắt xuôi tay chỉ mong có được một miếng đất nho nhỏ để cắm thân cho yên ổn thôi!”.
Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Lê (SN 1942) và bà Phan Thị Tiến (SN 1942), ở thôn 1, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) gửi đơn thư kêu cứu đến Báo Điện tử Dân trí phản ánh:
Năm 1992, gia đình ông được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 5000m2 phần ao sâu để nuôi trồng thủy sản, phần đất còn lại đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, gia đình ông Lê vẫn sinh sống, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất đó mà không bị một lực lượng chức năng nào ngăn cản, tranh chấp. “Đơn giản vì trước đây, mảnh đất này thuộc vùng đất hoang vu, hẻo lánh, với lại điều kiện kinh tế rất khó khăn nên chẳng ai thèm đoái hoài đến làm gì”, ông Lê bộc bạch.
Thế rồi, đến năm 2008, vùng Sác bị giải tỏa làm khu neo đậu cho tàu cá cảng Gianh. Và số diện tích 5.000m2 nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Lê nằm trong khu vực giải tỏa nên bị thu hồi, còn số diện tích 6.00m2 mà gia đình ông Lê sử dụng làm đất ở, sản xuất, chăn nuôi thì không nằm trong diện giải tỏa nên gia đình ông Lê vẫn sinh sống bình thường.
Cưỡng chế một cách “trắng trợn”!
Đang yên đang lành, bỗng nhiên, ngày 23/12/2011, UBND xã Bắc Trạch đến nhà ông Lê, bà Tiến làm biên bản và yêu cầu gia đình phải tháo dỡ, giải tỏa, chặt cây,... nếu không sẽ bị cưỡng chế! Tuy nhiên, theo như văn bản mà gia đình ông Lê cung cấp cho phóng viên Dân trí thì nội dung trong văn bản không nói gì đến vấn đề bồi thường hay hỗ trợ công lao cải tạo đất đai hoang hóa cho gia đình ông Lê.
Quá bức xúc trước việc làm của chính quyền UBND xã Bắc Trạch, vợ chồng ông Lê đã gửi đơn thư nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Trong khi gia đình ông Lê đang lóng ngóng đợi chờ câu trả lời thì vào khoảng 7h 30 phút ngày 29/12/2011, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã huy động mọi lực lượng đến cưỡng chế, phá dỡ tan hoang nhà cửa, chuồng trại,… trước sự can ngăn, van xin thống thiết của vợ chồng ông Lê.
“Cuộc cưỡng chế kéo dài đến khoảng 11h 30 phút cùng ngày thì ông Tuân (Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch – PV) mới cho lực lượng cưỡng chế rút quân ra về mà không hề lập một biên bản nào, mặc cho tui nói là làm như rứa thì các ông phải lập cái biên bản để sau ni mà có việc chi thì còn có cơ sở để mà giải quyết chứ. Nghe tui nói rứa, ông Tuân bảo, chiều quay lại cưỡng chế tiếp rồi lập biên bản luôn một thể. Tuy nhiên, đến hết buổi chiều hôm đó, gia đình tui cũng chẳng thấy “tăm hơi” một vị cán bộ xã Bắc Trạch nào đến để giải quyết vụ việc. Họ (UBND xã Bắc Trạch – PV) cưỡng chế một cách “trắng trợn” quá các chú ơi!”, chị Nguyễn Hồng Phương (con gái ông Lê), bực dọc kể lại sự việc.
Qua cách làm trên của UBND xã Bắc Trạch đã cho thấy có những dấu hiệu “bất thường” trong đó. Điều “bất thường” thể hiện ở chỗ, vì sao khi kết thúc cuộc cưỡng chế (ngày 29/12/2011), chính quyền xã Bắc Trạch lại không hề lập một biên bản nào để ghi lại nội dung, diễn biến buổi cưỡng chế, và cũng không hề lập biên bản kiểm kê tài sản để giao lại cho gia đình ông Lê?. Và cho đến nay, chính quyền UBND xã Bắc Trạch vẫn “bặt vô âm tín” trong việc giải quyết những vấn đề liên quan trong cuộc cưỡng chế với gia đình ông Lê.
"Nhà cửa giờ tan hoang hết rồi, mùa mưa bão này không biết vợ chồng, con cháu tôi biết sống răng đây?!", ông Nguyễn Xuân Lê
Một điều đáng nói nữa là trong biên bản làm việc ngày 23/12/2011, giữa UBND xã Bắc Trạch với gia đình ông Lê, có nội dung: UBND xã Bắc Trạch yêu cầu gia đình ông Lê tự giác tháo dỡ các công trình như: quán tạp hóa, chuồng bò, bể chứa nước, cây trồng và một số công trình phụ khác. Tuy nhiên, trong nội dung biên bản này lại không ghi rõ các công trình tháo dỡ thuộc thửa đất, tờ bản đồ nào của địa chính xã,…?! và cũng không ghi rõ thời hạn cuối cùng mà gia đình ông Lê phải tháo dỡ hết để trả lại mặt bằng cho UBND xã Bắc Trạch là vào ngày, tháng, năm nào?!
Việc cưỡng chế một cách “trắng trợn” của chính quyền xã Bắc Trạch, không những gia đình ông Lê bức xúc mà nhiều người dân sống khu vực gần đó cũng tỏ ra rất bất bình và lên tiếng trước việc làm thiếu minh bạch, thể hiện nhiều dấu hiệu “bất thường”. Ông Lê cho biết, con số thiệt hại về tài sản sau cuộc cưỡng chế khoảng trên 20 triệu đồng. “Giờ hai thân già này và con cháu đành phải sống trong căn nhà chắp vá tạm bợ “chưa nắng đã dọi, chưa mưa đã dột” như ri chứ biết mần (làm) răng cả. Phần vì không có tiền tu sửa lại, phần có mượn được tiền để sửa sang cũng sợ bị chính quyền lại đến cưỡng chế tiếp”, bà Tiến, phân trần.
“Chỉ mong có miếng đất nho nhỏ để cắm thân những ngày cuối đời”
Những tấm huân huy chương và huy hiệu 40 năm tuổi Đảng mà Nhà nước phong tặng cho vợ chồng ông Lê, bà Tiến
Theo như thông tin mà gia đình ông Lê cung cấp và điều tra riêng của phóng viên Dân trí, số diện tích 6.00m2 mà chính quyền xã Bắc Trạch cưỡng chế, thu hồi của gia đình ông Lê là để xã dùng vào việc đấu thầu, làm đất kinh doanh. Biết vậy, gia đình ông Lê xin xem có quyết định đó hay không thì chính quyền UBND xã Bắc Trạch lại không cung cấp? “Nếu chủ trương thu hồi đất của chính quyền, của Nhà nước là đúng thì vợ chồng tui cũng đành chấp nhận chứ biết mần (làm) răng hả chú!...”.
Ông Lê chưa buông xong lời thì bà Tiến, tay vội gạt đi những dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má hao gầy, chèn giọng: “Vợ chồng tôi cũng “gần đất xa trời” rồi! Sống có được mấy hơi nữa mô các chú. Nhiều đêm nằm nghĩ mà thấy tủi thân, tủi phận lắm các chú ạ! Tuổi trẻ vợ chồng tôi đã cống hiến cho cách mạng, cho tổ quốc hết cả rồi. Giờ về già, trước lúc nhắm mắt xuôi tay chỉ mong có được một miếng đất nho nhỏ để cắm thân cho yên ổn thôi!”.
Đặng Tài - Đăng Đức