Nhiều uẩn khúc trong vụ bìa đỏ cắm hơn 10 năm bị mất đất tại Thanh Hóa

(Dân trí) - Liên quan đến vụ gia đình ông Quách Văn Dân (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) tố bị mất đất khi cắm trích lục hơn 10 năm ở ngân hàng, phía ngân hàng khẳng định thời điểm mất đất ông Dân có vay ngân hàng nhưng không cắm trích lục đất. Tuy nhiên, nhiều người dân vay cùng thời điểm cũng như cán bộ đi thu lãi ngân hàng cho rằng người dân không thể vay tiền nếu như không có trích lục.

Trước đó, như Dân trí thông tin, ông Quách Văn Dân (thôn 5, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) có một trích lục đất mang tên ông được UBND huyện Như Thanh cấp ngày 1/5/1998 với 2.623 m2. Trong đó gồm 400 m2 đất ở lâu dài, số còn lại là đất vườn tạp và đất nông nghiệp.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, ông đã dùng trích lục đất trên thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Như Thanh hơn 10 năm trời thế nhưng đến năm 2011 khi có tiền trả nợ ngân hàng và rút ra ngoài thì phát hiện bị mất 182m2 đất.

Tại trích lục ghi vào tháng 4/2003, ông Dân chuyển nhượng cho bà Dương Thị Luyện (người cùng xã và là vợ cán bộ xã này) 182 m2 đất ở. Sau khi tìm hiểu, ông Dân được biết bà Luyện đã làm được trích lục đất trên diện tích 182m2 mang tên bà. Bản thân ông Dân khẳng định ông không bán đất cho bà Luyện và thời điểm đó ông đang cắm trích lục ở ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận thời điểm mất đất ông Dân đang vay ngân hàng nhưng khẳng định thời điểm đó khách hàng không phải cắm trích lục.
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận thời điểm mất đất ông Dân đang vay ngân hàng nhưng khẳng định thời điểm đó khách hàng không phải cắm trích lục.

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Như Thanh sau khi kiểm tra thông tin đã trả lời bằng văn bản xác nhận, thời điểm mất đất cũng là thời điểm ông Dân đang vay ngân hàng. Tuy nhiên, văn bản khẳng định tại thời điểm này khách hàng vay vốn không cần thế chấp Quyền sử dụng đất.

Tại bản sao kê khế ước cho thấy ngày 9/9/2000, ông Dân vay ngân hàng với số tiền 2.500.000đ, ngày đáo hạn là ngày 9/9/2003.

Tuy nhiên, ông Dân khẳng định không có lần nào vay ngân hàng số tiền 2.500.000đ hơn nữa điều lạ lùng là rất nhiều hộ dân có tên trong danh sách mà ngân hàng liệt kê vay năm 2000 đều khẳng định thời điểm đó họ không vay tiền ngân hàng.

Ông Hồ Công Thư, người có thâm niên thu lãi ngân hàng này cho hay rằng chưa có thời điểm nào người dân vay ngân hàng mà không phải thế chấp bìa đỏ.
Ông Hồ Công Thư, người có thâm niên thu lãi ngân hàng này cho hay rằng chưa có thời điểm nào người dân vay ngân hàng mà không phải thế chấp bìa đỏ.

Ông Đinh Văn Huê, công dân thôn 6 cho biết: “Năm 2005 gia đình tôi mới vay ngân hàng lần đầu tiên. Năm đó, tôi đứng tên vay được 5 triệu nhưng tôi chỉ được vay 3 triệu còn về phân phát cho người khác. Trong danh sách của ngân hàng là không đúng vì năm 2000 gia đình tôi không có vay ngân hàng hơn nữa cũng chưa khi nào tôi vay mức 3.500.000đ”.

Không những ông Huê, mà một số hộ dân khác xã Xuân Du có tên trong danh sách ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn cung cấp đều khẳng định thời điểm đó họ không vay ngân hàng, không biết ngân hàng lấy danh sách và số liệu này ở đâu ra (!?).

Một chi tiết vô lý nữa là, tại bản sao kê khế ước của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có tên ông Đỗ Văn Hai ở thôn 6, xã Xuân Du nhưng trên địa bàn thôn 6 không có ai tên này, chỉ có tên ông Đỗ Ngọc Hải. Nhưng ông Hải cũng khẳng định gia đình ông không vay ngân hàng năm 2000.

Nhiều uẩn khúc trong vụ bìa đỏ cắm hơn 10 năm bị mất đất tại Thanh Hóa - 3
Chữ của hai lá đơn được cho là ông Dân viết và ký giống với chữ của cán bộ viết biên bản kiểm tra định giá tài sản giữa UBND xã Xuân Du và chi cục thuế huyện Như Thanh.
Chữ của hai lá đơn được cho là ông Dân viết và ký giống với chữ của cán bộ viết biên bản kiểm tra định giá tài sản giữa UBND xã Xuân Du và chi cục thuế huyện Như Thanh.

Hơn nữa, ông Hồ Công Thư – người đã có mấy chục năm trong nghề thu tiền lãi cho ngân hàng này cho biết: “Không chỉ những năm 2000 mà trước đó nữa, người dân đã vay ngân hàng là phải thế chấp bằng bìa đỏ. Có một gia đình ở xã Xuân Du thời điểm đó vay ngân hàng nhưng cho đến giờ không trả được nợ, không lấy được bìa đỏ ra”.

“Vay tập thể thì tập thể tín chấp, chứ còn vay hộ gia đình thì buộc phải thế chấp. Tôi làm việc thu tiền lãi từ những năm 1983, sau khi đi bộ đội về cho đến nay thì chưa thấy có thời gian nào mà ngân hàng cho người dân vay không cần thế chấp bìa đỏ cả” – ông Thư cho biết thêm.

Một số khách hàng vay năm 2000 như Ông Đỗ Khắc Dũng hay ông Quách Văn Danh (đều trú tại thôn 4, xã Xuân Du) khẳng định thời điểm đó các ông đều phải cắm bìa đỏ để vay ngân hàng chứ không có chuyện ngân hàng cho vay mà không cần thế chấp.

Đáng nói, kiểm tra hồ sơ chuyển nhượng đất cho gia đình bà Luyện lưu tại Phòng TNMT huyện Như Thanh thì có đơn xin chuyển nhượng đất, tờ khai nộp thuế do ông Dân đứng tên ký. Tuy nhiên, điều lạ lùng là chữ của 2 lá đơn đứng tên ông Dân lại khớp với chữ của cán bộ viết biên bản kiểm định giá, tài sản nhà đất mua bán chuyển nhượng trong đó có các bên như UBND xã, đại diện cơ quan chi cục thuế Như Thanh, cán bộ địa chính xã.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Bình Minh