Hà Nội:

Nhiều uẩn khúc trong vụ án tranh chấp nhà thờ họ tại huyện Chương Mỹ

(Dân trí) – Tại bản án phúc thẩm số 110/2009/DS-PT ngày 29/4/2009 của TAND TP. Hà Nội kết luận: “Việc đòi lại tài sản của dòng họ Đỗ Quang là thiếu cơ sở,...”. Tuy nhiên, đến các bản án sau lại có quyết định “ngược lại” gây bức xúc cho người trong cuộc, khiến dư luận bất bình.

Nhiều uẩn khúc trong vụ án tranh chấp nhà thờ họ tại huyện Chương Mỹ - 1
Bà Loan cho rằng phán quyết trong bản án 937/2010/KN-DS ngày 13/12/2010 và Quyết định giám đốc thẩm số 312/2011/DS-GĐT ngày 27/4/2011, của Tòa án Nhân dân tối cao là chưa khách quan

Vừa qua, báo Dân trí nhận được đơn khiếu nại của bà Đỗ Thị Loan trú tại nhà số 1, dãy B2, Khu tập thể công ty sửa chữa thiết bị Thủy lợi, ngõ 10, phố Trần Phú, quận Hà Đông, TP. Hà Nội phản ánh việc: Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội; Tòa án Nhân dân tối cao “thiếu khách quan” trong việc xét xử vụ “tranh chấp nhà thợ họ” tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Theo những tài liệu mà phóng viên Dân trí thu thập được, họ Đỗ Quang (do ông Đỗ Quang Nam đại diện) có đơn khởi kiện đối với bà Đỗ Thị Loan, yêu cầu bà Loan trả lại cho họ Đỗ Quang toàn bộ tài sản gồm một ngôi nhà 5 gian trên 459m2 đất thổ cư tại thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) để họ Đỗ Quang dùng vào việc thờ cúng. Với lý do: Nhà, đất là của dòng họ Đỗ Quang, trước kia do cụ trưởng họ Đỗ Quang Tốn là đích tôn đời thứ 7 của dòng họ quản lý, sử dụng. Năm 1941 cố Tôn có làm bản di chúc khắc trên bia đá đặt tại ngôi nhà 5 gian với nội dung giao nhà, đất nói trên và đất ruộng cho cháu đích tôn đời thứ 9 là cụ Đỗ Quang Phượng quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, cụ Đỗ Quang Chư chịu trách nhiệm giám sát.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Loan không đồng ý với yêu cầu khời kiện của họ Đỗ Quang vì cho rằng nhà, đất là tài sản do cha mẹ bà để lại (bà Loan là con gái cụ Phượng, cụ Thướng), chứ không phải tài sản của dòng họ Đỗ Quang.

Ngoài nguồn gốc là tấm bia đá khắc năm 1941 đặt tại nhà, dòng họ Đỗ Quang không xuất trình được tài liệu chứng minh nguồn gốc tài sản. Căn cứ nội dung văn bia thì có cơ sở xác định nguồn gốc nhà, đất nói trên là tài sản mà cố Đỗ Quang Tốn đã từng ở và dùng vào việc thờ cúng tổ tiên dòng họ Đỗ Quang, còn cụ Đỗ Quang Phượng (bố bà Loan) là người được cố Tôn giao trách nhiệm trông nom, cụ Đỗ Quang Chư là người có trách nhiệm giám sát.

Đến năm 1950 cụ Chư mất và cụ Phượng cũng đã hy sinh từ năm 1951. Sau khi hai cụ mất, cố Tôn và dòng họ Đỗ Quang cũng không cử ai thay thế nghĩa vụ của hai cụ, nhà và đất vẫn do vợ con cụ Phượng quản lý. Năm 1956, cải cách ruộng đất cụ Thướng (vợ cụ Phượng) bị quy địa chủ nên nhà cửa, ruộng vườn đều bị tịch thu nhưng dòng họ Đỗ Quang cũng không có ý kiến gì.

Khi được sửa sai là cụ Thướng là vợ liệt sỹ nên được trả lại ngôi nhà 5 gian nói trên, còn ruộng vườn khác đều được đền bù bằng thóc. Mặc dù không có quyết định xác định việc tịch thu tài sản nhưng tại giấy chứng nhận sửa sai cụ Thướng được cấp ngày 2/2/1958 (BL83) đã chứng minh việc cụ Thướng bị quy địa chủ và tịch thu tài sản là có thật. Sau khi được sửa sai năm 1958, cho đến nay cụ Thướng rồi bà Loan đã kê khai, đứng tên tại các thời kỳ Nhà nước có chủ trương kê khai lập bản đồ địa chính. Cụ Thướng chưa bao giờ kê khai nhà, đất là nhà thờ họ và dòng họ Đỗ Quang không có ai phản đối. Quá trình quản lý, sử dụng mẹ con cụ Thướng đã nhiều lần sửa chữa và phát triển tài sản trên đất như sửa nhà, làm thêm khu phụ, dòng họ không ai đóng góp và cũng không ai phản đối. Theo bản đồ năm 1978, thì cụ Thướng cho bà Loan đứng tên thửa đất có ngôi nhà 5 gian nói trên.

Đến năm 1986, xảy ra mâu thuẫn do xuất phát từ việc tranh chấp đất giữa bà Lộc và gia đình ông Đỗ Quang Hải (là người trong dòng họ Đỗ Quang) thì cụ Thướng đã đứng đơn đề nghị UBND huyện Chương Mỹ giải quyết với lý do ông Hải có ý định chiếm đoạt nhà, đất của mẹ con cụ Thướng để làm nhà thờ họ. Tại Quyết định số 71/QĐ-UB ngày 10/3/1986 của Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã quyết định công nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất cho mẹ con cụ Thướng,... Quyết định này còn được tổ chức thực hiện vào ngày 29/3/1988, họ Đỗ Quang có biết nhưng không ai phản đối hay khiếu nại quyết định của UBND huyện Chương Mỹ (BL96-100).

Tháng 6/1988, cụ Thướng lập văn bản cho hai con gái và đến ngày 1/10/1988, cụ Thướng lập di chúc tại Phòng công chứng huyện Chương Mỹ cho tài sản con gái, phần bà Loan được hưởng là 5 gian nhà trên 459m2 đất và một thửa vườn 314m2.

Tiếp đó, bà Loan được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có ngôi nhà 5 gian năm 2001 với nội dung: “UBND huyện Chương Mỹ xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đỗ Thị Loan theo đúng trình tự thủ tục của Luật đất đai và không có khiếu nại”.

Với những căn cứ trên, tại bản án phúc thẩm số 110/2009/DS-PT ngày 29/4/2009 của TAND TP. Hà Nội kết luận: “Cho dù nguồn gốc tài sản là của dòng họ Đỗ Quang thì họ Đỗ Quang cũng đã từ bỏ quyền sở hữu tài sản của mình từ lâu và khối tài sản trên đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu cho cụ Hoàng Thị Thướng bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật từ năm 1986. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của dòng họ Đỗ Quang là không đúng pháp luật”.

Tuy nhiên, đến các bản án 937/2010/KN-DS ngày 13/12/2010 và Quyết định giám đốc thẩm số 312/2011/DS-GĐT ngày 27/4/2011, của Tòa án Nhân dân tối cao lại kết luận “hủy bản án phúc thẩm trên,... và yêu cầu bà Loan trả lại ngôi nhà 5 gian và diện tích mảnh đất trên cho dòng họ Đỗ Quang,...".

Trong nội dung đơn khiếu nại gửi báo Dân trí, bà Đỗ Thị Loan cho rằng việc các cấp tòa có những phán quyết trái ngược nhau cho thấy có nhiều uẩn khúc của vụ án cần tiếp tục được làm rõ. Gia đình bà Loan đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc, trả lại sự công bằng cho gia đình bà.

Thu Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm