Thừa Thiên Huế
Nhiều sai phạm ở khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô Huế
(Dân trí) - Theo kết luận Thanh tra tỉnh TT-Huế ngày 11/2 vừa qua "Về việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (BQL KKT) và các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản" cho thấy nhiều sai phạm.
Mặc dù đối mặt khủng hoảng kinh tế nhưng BQL KKT này (ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) đã có nhiều cố gắng như hoàn thiện hạ tầng cơ sở, thu hút một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) với dự án Khu du lịch Laguna Huế; Tập đoàn dầu khí Việt Nam với dự án đầu tư kho xăng dầu và cảng dầu có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng…
Tuy nhiên, đã có nhiều thiếu sót, vi phạm qua thanh tra như: BQL KKT chưa xây dựng lịch lãnh đạo Ban tiếp công dân, chưa có phòng tiếp công dân. Một số khoản chi không có hóa đơn tài chính, chứng từ thanh toán chưa bảo đảm; theo dõi và tính hao mòn tài sản chưa đúng quy định; Văn phòng BQL KKT chưa thực hiện việc quyết toán tài chính năm 2012; tại Ban Đầu tư và Xây dựng (ĐTXD) số quyết toán của các khoản mục chi tiết có chênh lệch so với số theo dõi trên sổ chi tiết. Ban ĐTXD vẫn chưa thu hồi số nợ trên 126 triệu đồng của Ban Quản lý dự án Chân Mây vào ngân sách nhà nước - nhưng hiện nay Ban Quản lý này đã giải thể.
Qua thanh tra đối với 4 dự án đầu tư xây dựng có 3 dự án nghiệm thu, thanh quyết toán chưa đúng so với thực tế thi công và bản vẽ hoàn công. Trách nhiệm trên thuộc về các cá nhân tham gia nghiệm thu, thanh quyết toán công trình, các đơn vị thi công; Ban ĐTXD; Phòng Tài chính - Kế hoạng BQL KKT và liên đới chịu trách nhiệm là lãnh đạo BQL KKT.
Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu Chân Mây chưa thực hiện hợp đồng thuê đất từ khi được UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép khai thác mỏ đá Thừa Lưu trong 3 năm (từ 3/2009-3/2012); việc thông báo về Giám đốc điều hành mỏ được thực hiện sau hơn 1 năm kể từ ngày được cho phép khai thác mỏ. BQL KKT chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất với Công ty trên đã vi phạm Khoản 1, Điều 31 Luật Khoáng sản năm 2010.
Hợp tác xã Trung Tiến hết thời hạn khai thác và BQL KKT có công văn cuối năm 2012 về chấm dứt hiệu lực khai thác nhưng đơn vị vẫn chưa tiến hành hoàn trả và phục hồi môi trường tại nơi khai thác là vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo BQL KKT và Phòng Xây dựng - Tài nguyên và môi trường, liên đới chịu trách nhiệm là các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản.
Trong 6/8 đơn vị có khai thác khoáng sản ở đây cho thấy đã chưa đúng theo quy định việc kê khai và nộp vào ngân sách Nhà nước. Cụ thể đã kê khai thiếu so với sản lượng thực tế khai thác, sai đơn giá tính phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên với tổng số tiền hơn 817 triệu đồng (trong đó thuế tài nguyên là hơn 775 triệu đồng).
Qua đó, Chánh thanh tra tỉnh Trần Ngọc Cư đã đề nghị ra thu hồi gần 1 tỷ đồng tiền sai phạm ở đây; và kiểm điểm rút kinh nghiệm cá nhân, tổ chức ở BQL KKT cùng các đơn vị khai thác khoáng sản tại đây.
Đại Dương