Nhiều người mắc trầm cảm không nhận ra nó trong chính mình...

Hải Hà

(Dân trí) - Có quá nhiều tin nhắn hỏi về chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và các vấn đề tâm lý của con cái mà các bà mẹ nhắn hỏi tôi.

Tôi có phải là chuyên gia trong lĩnh vực này đâu. Tôi chỉ có thể chia sẻ với tư cách của người từng có kinh nghiệm đồng hành với những người mắc chứng bệnh này thôi.

Vậy làm gì để bớt đi những sự việc đau lòng?

TS Vũ Anh Đào (Dr Cherry Vu) - một phụ nữ được tôn vinh là người tiên phong trong lĩnh vực quản lý mở và quản lý linh hoạt, được vinh danh một trong 100 phụ nữ trên thế giới có đóng góp lớn trong lĩnh vực Lean & Agile (Quản lý Linh hoạt và Tinh gọn); cũng là quản trị viên của nhóm Đồng hành cùng con tuổi dậy thì, tác giả cuốn "Thế bây giờ mẹ muốn cái giề" chia sẻ: Khi một vụ tự tử xảy ra, tất cả mọi người xung quanh đều run rẩy và không thể tin được.

Và sau đó là những phỏng đoán, các manh mối bắt đầu xuất hiện, là đổ lỗi, là truy cứu trách nhiệm... Xót xa, giận dữ và bất lực, tất cả đến cùng một lúc.

Có một sự thật đáng buồn là trong khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt thì những nghiên cứu về tâm lý, về thần kinh học và những thứ liên quan đến bộ não của chúng ta lại phát triển cực kỳ chậm. Chúng ta có thể hiểu cả vũ trụ và dải thiên hà nhưng chúng ta không thể hiểu đầy đủ về con người.

Khi có ai đó tự vẫn, mọi thứ vốn bị che khuất trong tầm nhìn bình thường bỗng trở nên rõ ràng và mạch lạc. Chúng ta đã vô tình lờ đi những tiếng kêu yếu ớt, bỏ qua những biểu hiện mà nếu chúng ta để tâm thì có lẽ điều đáng tiếc đã không xảy ra.

Giờ đây, những chiếc mặt nạ cuối cùng cũng đã được gỡ bỏ, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có thể nhìn thấy khuôn mặt thật của nhau?

Tôi cứ ước giá như điều này là đúng.

Nhiều người mắc trầm cảm không nhận ra nó trong chính mình... - 1

Tiến sĩ Vũ Anh Đào (Ảnh: NVCC).

Chúng ta thấy gì khi nhìn vào những người trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta dễ dàng thông cảm cho những người tàn tật, những căn bệnh về thể chất nhưng chúng ta không hiểu được và không thông cảm với những ai có vấn đề với thần kinh.

Chúng ta không hiểu rằng trầm cảm là kẻ giết người thầm lặng. Nhiều người đang bị căn bệnh này thậm chí không nhận ra nó trong chính họ chứ đừng nói đến việc có thể nhìn thấy nó ở những người khác.

Khi những đứa trẻ lựa chọn chấm dứt cuộc sống, chúng ta dạy những đứa trẻ khác rằng "cần biết ơn cha mẹ đã cho con sự sống" rằng "cha mẹ đã hy sinh, đã cực nhọc như thế nào để con có cuộc sống vật chất đầy đủ. Hãy nhìn những đứa trẻ khác đang sống khốn khó ngoài kia để biết con đang may mắn như thế nào"... và nhiều nhiều thứ giáo điều khác.

Những lời sáo rỗng chẳng có ích gì. Hãy cùng mở mắt ra. Tất cả chúng ta cần dành vài phút để nhận ra sự hiện diện rất thực của sự lo lắng, buồn bã, cô độc trong bản thân và những người xung quanh. Hãy kết nối, đồng cảm và chấp nhận cảm xúc thật của chính mình, của con cái và những người xung quanh. Đừng lờ đi những biểu hiện về tâm lý.

Với người trầm cảm, nhận thức và ý thức của bản thân sẽ mở ra cánh cửa. Nhưng mở ra và bước ra khỏi nhà tù trong đầu mình vẫn chưa đủ.

Để thoát khỏi bóng tối bạn cần có đủ can đảm để yêu cầu sự giúp đỡ. Chia sẻ với những người khác về cảm giác của mình. Người trầm cảm cần được lắng nghe và cảm nhận.

Chúng ta cũng cần làm như vậy đối với con cái, với những người xung quanh. Hãy hỏi và dành thời gian để lắng nghe và cảm nhận chúng.

Không có cách chữa khỏi bệnh trầm cảm tức thì. Thế giới cần nhiều nhà trị liệu và bác sỹ tâm lý hơn nữa.

Tuy nhiên sự chữa lành hiệu quả nhất là sống trong một xã hội lành mạnh. Cách tốt nhất để chữa lành là chấp nhận và kết nối với nhau. Để yêu thương và thấu hiểu hãy kết nối theo những cách mà chúng ta chưa từng trải qua.

Đừng chỉ nhìn qua ảo ảnh của mạng xã hội và những khuôn mặt tươi cười trong gia đình bạn, tại nơi làm việc hoặc trên đường phố.

Hãy thực sự ở đó, hiện diện đầy đủ. Để yêu thương và thấu hiểu.