Nhiều làng tái định cư còn "thoi thóp" chờ vốn hỗ trợ tại Gia Lai!
(Dân trí) - Từ nguồn vốn “nhỏ giọt” của Trung ương, Sở NN và PTNT đã thực hiện được 4 dự án tái định cư cho bà con trong vùng sạt lở, ngập lụt… Nhằm tiếp tục thực hiện di dời 3 điểm dân ra vùng tái định cư, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản xin hỗ trợ khoảng 45 tỷ đồng từ Trung ương.
Thực hiện Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 và Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính Phủ ngày 21/11/2012 về việc triển khai chương trình di dời người dân tại cùng vùng lũ ống, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất, các hộ dân nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Chương trình được thực hiện trên toàn quốc với tổng số tiền từ Ngân sách Nhà nước là 17 nghìn tỉ đồng được giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các địa phương trên toàn quốc thực hiện.
Với chủ trương giúp cho người dân tại “vùng khó” thoát khỏi cảnh nơm nướp lo sợ mỗi mùa mưa lũ về. Đồng thời, việc di dời đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao nhận thức, xóa bỏ các tập quán canh tác lạc hậu, tập trung xây dựng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thực hiện ở các tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do chờ nguồn vốn, đời sống dân vẫn còn tình trạng nghèo đói do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước…
Thực hiện Quyết định trên, từ năm 2014 tỉnh Gia Lai đã thực hiện phương án bố trí dân cư vùng thiên tai ở các huyện Kông Chro, Ayun Pa, Đăk Pơ. Cụ thể, năm 2014 tỉnh đã di dời 27 hộ dân từ vùng ngập lụt ven sông Ba tại Làng Sơ Ró (xã Sơ Ró, huyện Kong Chro). Với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng đã hỗ trợ người dân đất ở, làm nhà và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho bà con.
Năm 2015, với nguồn vốn gần 13 tỷ, tỉnh đã thực hiện di dời cho 75 hộ dân từ vùng ngập lụt ven sông Ba thuộc Thị xã Ayun Pa vào khu tái định cư gần trung tâm. Cùng năm đó, tỉnh đã di dời 19 hộ dân từ vùng ngập lụt Groi 1 (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) với tổng kinh phí hơn hơn 380 triệu.
Năm 2018, với nguồn kinh phí hơn 3 tỷ đồng, tỉnh đã thực hiện bố trí dân cư vùng thiên tai tại xã Đăk Plinh (huyện Kong Chro). Theo đó, tỉnh đã xây dựng khu tái định cư cho 60 hộ dân (100% người đồng bào Banar) từ sườn núi sạt lở sang vùng tái định cư cách đó khoảng hơn 300m. Nhằm cho bà con được “an cư, lạc nghiệp”, tỉnh đã cấp đất ở, hỗ trợ làm nhà và xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm…
Trao đổi với chúng tôi, ông Y Nguyên (Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai) cho biết: “Quan điểm khi lập các dự án bố trí dân cư là nơi ở mới phải có điều kiện tốt, an toàn hơn nơi ở cũ. Qua công tác vận động, tuyên truyền bà con đã hiểu được sự nguy hiểm khi sống gần các khu sạt lở và di dời đến khu tái định cư mới. Theo đó, khu vực bố trí vào khu tái định cư thường được bố trí cách chổ cũ khoảng 300m – 5.000m) để bà con vẫn sản xuất ở diện tích đất rẫy cũ. Đặc biệt, để bà con được “an cư, lạc nghiệp”, chúng tôi phải lấy chọn địa thế, thổ nhưỡng thuận lợi để bà con phát triển sản xuất, “thoát nghèo””.
“Tuy nhiên, một phần vì lý do khách quan khi các vùng tái định cư thuộc các huyện Đông Nam nên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cằn cỗi khiến đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Tuy được chuyển đến làng tái định cư nhưng đời sống còn thấp vì không có cây trồng chủ lực và chỉ sống dựa vào cây mì, cây lúa rẫy. Hệ thống đường sá, địa hình bao quanh là rừng núi hiểm trở, cách xa khu vực trung tâm nên còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ thiếu đói, hộ nghèo còn cao”, ông Y Nguyên cho biết thêm.
Nhằm thực hiện tiếp theo chương trình của Trung ương, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất kinh phí hơn 45 tỷ đồng để thực hiện bố trí có 3 dự án bố trí dân cư gồm: 13 hộ làng H’rách (xã Đăk Kơ Ninh, huyện Kong Chro); 75 hộ dân nằm trong đất lâm nghiệp thuộc xã Ia Le (huyện Chư Pưh). “Để thực hiện dự án thì cần có nguồn vốn cấp về. Hiện nay UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề xuất ra Trung ương. Những năm trước khi dự án từ các huyện trình lên được các cấp phê duyệt và lập nhiều đoàn từ Trung ương đến địa phương kiểm tra, thẩm định nếu được mới có kinh phí về. Chính vì vậy, trên địa bàn còn rất nhiều vùng dân cư nằm trong vùng sạt lở đang phải chờ vốn, thẩm định…thì mới tiến hành triển khai di dời được”, ông Y Nguyên cho biết.
Phạm Hoàng