Nhiều hình ảnh gây phản cảm nơi đất phật
Ngày 15/2, tức ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) - lễ hội dài nhất Việt Nam, chính thức khai hội.
Ngay từ 3 – 4h sáng, hàng nghìn du khách thập phương đã đổ về bến Đục để trẩy hội. Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp thì cũng có không ít hình ảnh phản cảm nơi đất phật.
Ngay từ sáng sớm cánh xe ôm đã chầu chực để bắt khách
Tình trạng chở khách quá tải vẫn còn tiếp diễn như những năm trước.
Mặc dù đã có quy định phạt 300.000 đồng nếu ném rác xuống suối Yến nhưng suối vẫn đầy rác dù mới đầu ngày trẩy hội.
Theo Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, trong ngày khai hội dự kiến sẽ có khoảng gần 6 vạn du khách về trẩy hội. Trước ngày khai hội, chùa Hương cũng đã tiếp đón tới hơn 11 vạn du khách.
Theo ghi nhận của Petrotimes, tình trạng rải tiền công đức, giọt dầu hay rải muối, gạo trắng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đã phần nào làm mất đi vẻ tôn nghiêm của khu di tích chùa Hương. Tại đền Trình, chùa Thiên Trù, cáp treo Giải Oan, du khách vãn cảnh chùa vẫn thản nhiên ném tiền xuống giếng thần, đút tiền vào các kẽ tay, dưới bàn chân những pho tượng… mặc dù Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã cho đặt khá nhiều tráp. Chưa hết, dưới chân cũng như trên mình hai chú sư tử đá cùng hai chú voi đá đặt trước cổng đền Trình trắng xóa muối và gạo, dù Ban tổ chức đã cho đặt biển cấm.
Tình trạng rải muối, gạo trắng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đã phần nào làm mất đi vẻ tôn nghiêm của khu di tích chùa Hương
Bên cạnh đó, rất đông du khách vãn cảnh chùa Hương trong những ngày phải hú vía khi bị các quán ăn chặt chém. Theo đó, một bát mì tôm trứng hay một bát phở bò có giá tới 60.000 đồng, một chai nước C2 đến 20.000 đồng, một quả trứng vịt giá 15.000 đồng.
Cảnh hàng quán di động trên suối Yến
Mặc dù đã có cam kết thực phẩm phải được bày trong tủ nhưng những quán hàng này vẫn tồn tại
Dịch vụ đổi tiền lẻ
Và cả trò bài bạc cũng được tụ tập trên xuồng chở khách ở suối Yến
Còn tại bến Thiên Trù, rồi cả đường dẫn lên động Hương Tích, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt quán ăn, nhà hàng đều có bày bán vô số những con thú như nhím, hoẵng, hươu, nai… đã được giết mổ. Nhằm câu khách, nhiều chủ quán còn sẵn sàng chọc tiết “hóa kiếp” những con vật tội nghiệp ngay trước mắt du khách.
Du khách vẫn được chứng kiến cảnh động vật bị xẻ thịt gắn mác thú rừng treo ngược trước các quán hàng
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng ban quản lý khu di tích Hương Sơn, Phó Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2013, toàn bộ số thú bị giết thịt và bày bán tại bến Thiên Trù là động vật nuôi chứ không phải động vật hoang dã. Những hình ảnh thú rừng đã gây phản cảm, nhưng là vật nuôi nên không thể cấm được mà chỉ có thể tiến hành kiểm dịch xem có đạt vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?
Theo Thiên Minh - Thành Công
(Petrotimes)