Nhiều "góc khuất" trong vụ đấu giá dự án khu dân cư nghìn tỷ tại Bình Dương!
(Dân trí) - Nhiều điểm “mập mờ” trong vụ đấu giá dự án khu dân cư Hoà Lân với giá hơn 1.000 tỷ đồng đã được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ. Trong đó có dấu hiệu sai phạm liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ cho Nhà nước.
Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận Thanh tra số 62/KL-TTR về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản là dự án Khu dân cư (KDC) Hoà Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đối với Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn.
Theo kết luận Thanh tra của Bộ Tư pháp, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú, trụ sở tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) có vay 305 tỷ đồng và 18,634 lượng vàng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) với tổng số tiền đã quy đổi từ vàng là hơn 1.100 tỷ đồng. Để đảm bảo cho các khoản vay, Công ty Thiên Phú thế chấp dự án KDC Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với diện tích 490.765 m2.
Do Công ty Thiên Phú gặp khó khăn về tài chính nên ngày 17/4/2015, công ty này đã ký biên bản thoả thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ. Tháng 6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng 10/2915/ĐGNSG với Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn (trụ sở quận 7, TP.HCM) bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tư pháp xác định, có những dấu hiệu sai phạm của 12 phiên đấu giá, kéo dài suốt 2 năm (từ ngày 9/7/2015 đến ngày 25/5/2017) mới thành công. Kỳ lạ, trong các lần đầu giá có nội dung mâu thuẫn giữa phía ngân hàng và đơn vị thực hiện đấu giá.
Cụ thể, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 3 (ngày 16/10/2015), lần 6 (10/5/2016) và lần 7 (31/5/2016) và lần 9 (ngày 22/9/2016) đều có đơn vị tham gia đấu giá nhưng Công ty đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho Agribank Chợ Lớn biết không có khách hàng nào tham gia (!?).
Liên tiếp các khuất tất khó hiểu, dẫn đến tài sản bị giảm giá trị liên tục, theo đó qua 11 phiên thông báo bán đấu giá, sau mỗi phiên không có khách hàng tham gia, giá trị tài sản của dự án KDC Hoà Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 2% lần 2; 5% lần 3; 10% lần 4; 10% lần 5; 10% lần 7; 3% lần 8 và 1% lần 9 khiến tài sản định giá để bán từ 1.467,7 nghìn tỷ chỉ còn 1.070 nghìn tỷ. Tới phiên thông báo lần thứ 10 chỉ còn 963 tỷ đồng và lần thứ 11 còn có 900 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2016 cho đến thời điểm có đơn vị đấu giá thành công còn nhiều điểm “mập mờ” khó hiểu kéo dài. Phải đến ngày 25/5/2017 Công ty đấu giá Nam Sài Gòn khi tổ chức đấu giá dự án KDC Hoà Lân thì Cty A Đông Hải (Hiện là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM) đã trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng sau 14 vòng trả giá.
Theo quy định của Agribank Chợ Lớn, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng cho Agribank Chợ Lớn (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm) và đến nay còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5/9/2017.
Nhiều sai phạm được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra quanh thương vụ nghìn tỷ liên quan đến khu dân cư Hoà Lân.
Thanh tra Bộ Tư pháp xác định, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã có một số tồn tại, vi phạm như không kiểm tra chặt chẽ thông tin do ngân hàng cung cấp là không thực hiện đúng khoản 3 Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; Quy chế bán đấu giá và Thông báo bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán tiền mua tài sản.
Riêng đối với đơn vị trúng đấu giá, Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ từ khi bán đấu giá tài sản đến nay, Công ty Kim Oanh đã 4 lần vi phạm cam kết về thời hạn thanh toán và nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian dài nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là trái với Quy chế đấu giá
Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị Agribank Chợ Lớn khẩn trương thu hồi số tiền và lãi Công ty Kim Oanh đấu giá mua tài sản, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi Nhà nước. Trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán thì có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Liên quan đến vụ việc này, một số đơn vị đã có phản hồi, tuy nhiên còn điểm "mập mờ" xoay quanh thương vụ đấu giá nghìn tỷ cần làm sáng tỏ.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Trung Kiên