Bạn đọc viết:
Nhiều cuộc cưỡng chế để lại những dư âm rất xót xa
(Dân trí) - Bấy lâu nay nước mình có niềm vui là rất nhiều dự án được khai trương, động thổ. Những ô đất ngon lành trong đô thị lần lượt về tay các chủ đầu tư để xây chung cư hoặc san lô bán nền.
Rồi sau đó cả những cánh đồng màu mỡ quanh năm rau lúa xanh um cũng được nhường lại cho khu công nghiệp hoặc trung tâm thương mại. Nhiều chủ đầu tư còn leo tận vùng rừng núi kiếm cả ngàn ha đất làm trang trại hoặc kinh doanh thủy điện.
Trong số đó đã có khá nhiều siêu dự án vượt qua được giông bão để cập bến an toàn như Phú Mỹ Hưng, Vũng Áng và mới đây Thủy điện Lai Châu cũng đã thỏa thuận đền bù tái định cư xong cho hơn 1.300 hộ dân để tổ chức ngăn Sông Đà đợt 1. Đất nước phát triển thì đó là những công trình hết sức cần thiết và tất yếu.
Nhưng có một điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều.
Đọc báo cáo tổng kết của ngành Thanh tra về thực thi Luật Khiếu nại Tố cáo mới được biết mỗi năm xứ mình có khoảng gần 150 ngàn lượt người tham gia đi khiếu kiện. Trong đó 70% liên quan tới khiếu kiện về đất đai và những vụ khiếu kiện về đất đai cũng thường kéo dài nhất, hao tâm tốn của nhiều nhất. Thậm chí không ít nơi chính quyền đã phải rắn tay cưỡng chế giải tỏa mới thu hồi được đất.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy?
Khi xẩy ra vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm của ông Vươn, tôi đã viết bài Chuyện này đáng học thật. Trong đó tôi thấy việc cưỡng chế của chính quyền Tiên Lãng là có nhiều khuất tất, nhưng ông Vươn cũng có cái làm trái luật. Giống như chuyện Văn Giang vừa rồi, cứ theo Luật đất đai thì không thể oán trách chính quyền bất cứ điều gì. Bởi dự án của Ecopark được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 mà việc đền bù giải phóng mặt bằng theo cơ chế thỏa thuận của Nghị định 69/2009/NĐ-CP thì mãi tới ngày 1/10/2009 mới có hiệu lực.
Tôi hỏi một vị Đại biểu Quốc hội chất lượng các bộ Luật của Việt Nam thế nào. Vị ấy đáp nhiều chuyện phải bàn lắm. Lại hỏi vậy Luật nào đã được sửa nhiều nhất và nay vẫn còn phải sửa tiếp. Lại đáp thứ đó thì nhiều, ví như Luật Đất đai được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi hai lần (1998, 2001), nay đang sửa tiếp. Rồi Luật Khiếu nại tố cáo 8 năm đã có 6 lần sửa đổi, bổ sung.
Những Luật sát sườn với cuộc sống của người dân mà nham nhở như vậy thì người dân phải gánh chịu những hệ lụy là chuyện không có gì lạ.
Nhiều luật sư đã phân tích Luật Đất đai hiện hành là rất thiếu luận cứ khoa học, thiếu tính hài hòa trong xác định quyền sở hữu về đất đai, không phù hợp với thực tiễn và là mảnh đất vô cùng màu mỡ để tham nhũng hoành hành tràn lan.
Mục đích tối thượng của nông dân khi sở hữu đất đai là để sản xuất và duy trì cuộc sống. Và cũng phải xác định sòng phẳng rằng đã gọi là nông dân thì nghề quen nhất, việc giỏi nhất là làm ruộng, tài sản quý giá nhất là đất đai, nếu vì mất đất mà phải đi kiếm cơm bằng một con đường khác thì chắc chắn đó là câu chuyện cực chẳng đã. Vậy nên với nông dân, ai cũng hiểu quyền sở hữu đất đai đi liền với sự mưu sinh và quyền sống của họ.
Tôi thấy hầu như tất cả những chuyện liên quan đến việc thu hồi đất mà người dân không chịu hợp tác thì đều có nguyên nhân từ lợi ích. Lợi ích của người dân thể hiện trên rất nhiều dạng nhưng phổ biến nhất là hai loại, loại tái định cư và loại bồi thường bằng tiền.
Tái định cư kiểu như Thủy điện Bản Vẽ hay Thủy điện Hủa Na. Bây giờ Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã kinh doanh và thu hồi được hàng trăm tỷ đồng nhưng hậu quả của người dân vẫn chưa thể có hồi kết. Hôm lên Ngọc Lâm, tôi hỏi dân sao lại bỏ khu tái định cư để trở về Bản Vẽ, chấp nhận cuộc sống không trường học, không y tế... Họ không trả lời mà hỏi lại tôi là cán bộ có yên tâm để bố mẹ con cái sống ở nơi đất đai cằn cỗi, nước nôi khan hiếm, cái ăn cái mặc bấp bênh không ? Thú thật đến đó thì tôi chịu thua.
Bồi thường bằng tiền, theo như Nghị định 69/2009/NĐ - CP là sự thỏa thuận của người dân với chủ đầu tư. Lý thuyết là như vậy nhưng thực tiễn lại khác rất xa. Có nơi dân cũng quá đáng, yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường với cái giá ngất ngưởng. Nhưng đa phần cái chuôi dao vẫn ở phía chủ đầu tư với những món lãi cao đến khủng khiếp.
Tôi không bàn đến chuyện thực thi luật pháp trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang mà chỉ nhẩm tính rằng tại thời điểm 2008 dự án Ecopark chỉ phải bồi thường cho dân theo giá quy định của Nhà nước là 135.000 đồng/m2. Nếu nông dân không phản ứng và việc bồi thường trót lọt thì 4 sau năm Ecopark chỉ cần bán 1m2 đất với giá 20 triệu đồng đã đủ bồi thường được khoảng 150.000m2 đất cho người dân Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao. Đó là chưa kể chi phí và công lao của gần 4.000 hộ dân qua gần 10 năm kiên trì chuyển đổi đất ruộng thành vườn cây, ao cá. Giá bồi thường phi lý và bèo bọt như vậy hỏi ai mà không nóng mặt.
Thành ra ngay cả khi Nhà nước đã quy định việc bồi thường là theo cơ chế thỏa thuận thì cũng cần phải có cơ quan trung gian độc lập phán quyết về giá đất hoặc giá trị khu tái định cư. Chỉ có vậy thì may ra mới có câu trả lời thỏa đáng cho những chuyện như Bản Vẽ, Hủa Na, Văn Giang và nhiều nơi khác nữa.
Khánh Linh