Nghệ An:

Nhận tiền tỷ hứa lo nhiều suất "chạy việc", cô giáo tiểu học đột nhiên "mất tích"

(Dân trí) - Mới đây, nhiều giáo viên, người dân tại huyện miền núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã gửi đơn tới Báo điện tử Dân trí, cơ quan chức năng “tố” cô giáo Nga đã lừa tiền xin việc với số tiền lên đến cả tỷ đồng rồi bị vỡ nợ đã cao chạy xa bay đang gây xôn xao dư luận.

Người dân tố cô giáo chạy việc.

Em Vi Thị Bích và mẹ chồng bức xúc trước việc làm của cô Nga.
Em Vi Thị Bích và mẹ chồng bức xúc trước việc làm của cô Nga.

Nhiều người bị mắc lừa cho biết, sau một thời gian dài chờ đợi không có kết quả, việc đòi lại tiền cũng không khả thi… Nên nhiều gia đình trú tại huyện miền núi Quỳ Hợp đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo chạy việc của cô Lương Thị Nga - giáo viên trường Tiểu học Văn Lợi, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp. Cô Nga còn có hộ khẩu thường trú tại khối 9, thị trấn Quỳ Hợp.

Tiền mất tật mang vì chạy việc

Những ngày trung tuần tháng Tư, ở vùng núi Quỳ Hợp, biết chúng tôi lên tìm hiểu vụ việc, nhiều hộ gia đình đã chờ đợi từ sáng giữa cái trưa nắng chói chang. Gặp chúng tôi nhiều người như trút bỏ được nỗi lòng bấy lâu nay. Trong đơn gửi Báo điện tử Dân trí, người dân tỏ vẻ bức xúc và “tố” cô giáo Nga - GV Trường Tiểu học Văn Lợi đã lừa chạy việc con em họ dù đã nhiều năm qua tiền đã mất nhưng việc vẫn không được.

Nhận tiền tỷ hứa lo nhiều suất "chạy việc", cô giáo tiểu học đột nhiên "mất tích" - 2
Đơn tố cáo của em Bích gửi cơ quan chức năng và báo Dân trí.
Đơn tố cáo của em Bích gửi cơ quan chức năng và báo Dân trí.

Thấm những giọt mồ hôi đang lăn trên gò má, bà Trần Thị Tâm (SN 1967) xóm Tân Thành, xã Tam Hợp bức xúc: “Mặc dù gia đình vất vả, khó khăn nhưng vì thương con, khi biết cô Nga có thể chạy cho con vào biên chế ngành giáo dục, gia đình đã cắm sổ đỏ, vay ngân hàng số tiền 100 triệu đồng đưa cho cô ấy. Vậy nhưng sau gần 3 năm chờ đợi, việc thì không có, còn tiền cũng mất luôn”.

Theo bà Tâm thì số tiền mà gia đình giao cho cô Nga được chia thành hai đợt. Những lần giao tiền đều có giấy nhận tiền với nội dung: “Để lo cho cháu về công tác tại huyện Quỳ Hợp”

Ngồi bên cạnh với vẻ mặt buồn rười rượi, chị Vi Thị Bích (SN 1994) trú tại xóm Bản Tiệng, xã Châu Thái cho biết: “Sau gần 3 năm kể từ ngày giao nộp tiền, gia đình tôi quyết làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng để đòi quyền lợi. Từ ngày ra trường nhờ cô Nga xin việc cho đến nay tôi chưa được đi dạy một buổi nào, buồn lắm. Giờ việc không có mà tiền cũng đã mất theo, bố mẹ chồng, mẹ đẻ tôi phải vay ngân hàng để chạy việc, giờ hàng tháng phải trả lãi đều đặn”.

Đơn của gia đình bà Trần Thị Tâm gửi cơ quan chức năng tố cô Nga lấy tiền.
Đơn của gia đình bà Trần Thị Tâm gửi cơ quan chức năng tố cô Nga lấy tiền.

Được biết, Vi Thị Bích tốt nghiệp Trường CĐSP Nghệ An năm tháng 5/2015, ngành sinh hoá. Trong thời gian ở quê, mẹ của Bích bà Lô Thị Liên có quen biết và nghe mọi người giới thiệu cô Nga sẽ chạy việc được vào ngành giáo dục.

Tháng 6/2015, bà Vi Thị Tuyết (bác ruột của Bích có quen biết với cô Nga) đưa mẹ con Bích xuống gặp cô Nga để trao đổi công việc. Tại đây, hai bên đi đến thống nhất đưa cho cô Nga 160 triệu đồng để xin việc cho Bích. Ban đầu đưa 100 triệu, còn 60 triệu sau khi có quyết định gia đình Bích sẽ đưa tiếp.

Mảnh giấy giao nhận tiền đơn giản là bằng chứng tố cô Nga lấy tiền của dân.
Mảnh giấy giao nhận tiền đơn giản là bằng chứng tố cô Nga lấy tiền của dân.

“Số tiền gia đình tôi đưa cho cô Nga được chia làm 3 lần, mỗi lần 30 triệu (gồm từ tháng 6: 30 triệu, tháng 7: 40 triệu, và tháng 9: 30 triệu). Khi đưa tiền xong, cô Nga hứa tới ngày 30/10/2015 sẽ có quyết định đi dạy, nếu không xin được sẽ hoàn lại tiền. Tuy nhiên, đến ngày hẹn gia đình tôi hỏi cô Nga thì cô ta bảo sắp có quyết định rồi. Rồi kéo dài cho đến tháng 8/2016 gia đình tôi yêu cầu cô Nga gửi lại số tiền nói trên. Tuy nhiên, những lần đến nhà đòi tiền cô Nga đều lẩn tránh, tắt điện thoại… Giờ thì gia đình tôi chỉ mong công an vào cuộc làm rõ sự việc này”, chị Vi Thị Bích bức xúc tâm sự cùng PV Dân trí.

Cùng chung cảnh ngộ bị cô Nga lừa, có ông Lữ Đình Quý, trú tại xóm Cáng Điểm, xã Châu Đình cũng do quen biết và tin tưởng nên đã trót giao cho cô này 90 triệu đồng để lo việc cho con. Và kể từ ngày giao tiền cho cô Nga đến nay ông Quý vẫn chưa bao giờ gặp lại cô giáo gian xảo này.

Chị Vi Thị Bích nói: “Sau thời gian chờ đợi không có kết quả, tôi đã gửi đơn tố cáo cô Nga lên công an huyện Quỳ Hợp”.
Chị Vi Thị Bích nói: “Sau thời gian chờ đợi không có kết quả, tôi đã gửi đơn tố cáo cô Nga lên công an huyện Quỳ Hợp”.

“Năm 2013, con gái tôi tốt nghiệp Trường CĐSP Nghệ An, xin về dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Văn Lợi (nơi cô Nga đang dạy). Quá trình công tác, biết cô Nga xin được vào biên chế, nên tôi đã vay mượn đưa tiền để lo cho cháu, nào ngờ từ đó tới nay, gia đình chờ trong vô vọng, con thì không vào được biên chế, tiền thì cô Nga không trả”. Cũng giống như bà Tâm, chị Bích ông Quý khi giao nhận tiền hai bên đều có giấy xác nhận, với nội dung xin việc một cách quá sơ sài.

Ngoài các nạn nhân nói trên, qua tìm hiểu của chúng tôi, số gia đình giao tiền cho cô Nga để chạy việc còn rất nhiều như gia đình V.H.T (xã Châu Quang) giao 120 triệu đồng chạy vào BVHNĐK Nghệ An; gia đình ông C.X.T (xã Châu Quang) giao 100 triệu đồng cũng chạy vào BVHNĐK Nghệ An; gia đình bà Tr. T.T giao 100 triệu đồng chạy vào Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quỳ Hợp….

Cầm tiền và cao chạy xa bay

Theo các nạn nhân bị cô Nga nhận tiền nhưng không xin được việc, vẫn không trả lại tiền cho biết, cách thức tạo niềm tin là do quen biết hoặc người thân giới thiệu, số tiền được giao thành nhiều đợt.

Nhận tiền tỷ hứa lo nhiều suất "chạy việc", cô giáo tiểu học đột nhiên "mất tích" - 7
Đơn tố cáo và giấy nhận tiền của cô Nga.
Đơn tố cáo và giấy nhận tiền của cô Nga.

“Như anh biết đó, gia đình em giao 3 đợt, tổng số tiền là 100 triệu đồng. Biết là không xin được việc nên cô ấy cứ khất lần khất lừa …”, em Vi Thị Bích cho biết thêm.

“Khi biết mình bị lừa thì cũng là lúc cô Nga đã bỏ trốn, đến địa chỉ ghi trong giấy nhận tiền thì cửa nhà khoá trái, không có ai ở nhà, điện thoại tắt”, bà Trần Thị Tâm bức xúc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện cô Lương Thị Nga đã bỏ đi khỏi nơi cư trú và cũng không có cách để liên lạc. Theo đại diện Trường Tiểu học Văn Lợi (nơi cô Nga công tác) thì giáo viên này đã tự ý bỏ dạy vào tháng 12/2016. Phòng GDĐT huyện Quỳ Hợp cũng xác nhận, cô Nga không còn dạy ở Trưởng Tiểu học Văn Lợi.

Giấy ghi nhận tiền của chị Vi Thị Bích mà cô Nga nhận 3 lần với số tiền 100 triệu đồng.
Giấy ghi nhận tiền của chị Vi Thị Bích mà cô Nga nhận 3 lần với số tiền 100 triệu đồng.

Thiếu tá Hoàng Nghĩa Tú - Phó trưởng công an huyện Quỳ Hợp cho biết: “Chúng tôi đã nắm được vụ việc và hiện đang trong quá trình thu thập thông tin. Riêng người bị tố cáo là cô Lương Thị Nga hiện không có mặt trên địa bàn nơi cư trú nên chưa làm rõ được các phản ánh như người dân tố cáo”.

Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cho biết, mới chỉ nắm được thông tin cô Nga có nhận tiền của nhiều gia đình chạy việc. Còn chi tiết cụ thể thì huyện không nhận được.

Cũng trong đơn tố cáo, các nạn nhận đã đích thân gửi tới: Bí thư Huyện uỷ; Chủ tịch UBND huyện; Trưởng CA huyện, VKSND huyện Quỳ Hợp và Báo Dân trí cùng nhiều cơ quan báo chí khác yêu cầu làm rõ vụ việc cô giáo Nga đã nhận tiền của dân từ nhiều năm nay.

Đến nay, theo đơn người dân tố cáo, cô Nga đã lấy của các nạn nhân trên dưới cả tỷ đồng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm