Nhái thương hiệu Taxi có thể bị phạt tới 500 triệu đồng
(Dân trí) - Vừa qua vị khách người Nhật đã bị một tài xế của chiếc taxi nhái hãng xe Mai Linh lừa 650.000 đồng cho cự ly 3 km.
Việc làm này không chỉ làm xấu hình ảnh của thương hiệu taxi Mai Linh nói riêng mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh taxi Việt Nam nói chung trong mắt người nước ngoài…
Thưa ông Hồ Chương, làm thế nào để khách hàng có thể phân biệt rạch ròi giữa taxi Mai Linh và những chiếc xe dù khác?
Theo tôi được biết, lâu nay các xe taxi dù thường nhái các thương hiệu có uy tín lâu đời. Ngoài dấu hiệu bên ngoài, khách hàng có thể phân biệt giữa taxi Mai Linh và taxi nhái, taxi dù qua những yếu tố nào, thưa ông Hồ Chương?
Đúng vậy, dù có lường trước hay không thì cũng không thể tránh khỏi trường hợp nhái thương hiệu. Chúng tôi luôn cố gắng tạo cho mình những điểm khác biệt, mang nét đặc trưng của thương hiệu Mai Linh. Chúng tôi xây dựng một văn hóa doanh nghiệp đậm màu sắc Mai Linh, đơn cử như hình ảnh lái xe của chúng tôi mặc áo sơ mi trắng, quần đen đóng thùng, thắt cà vạt xanh, đi giầy tây đen, có thẻ và mã số của mỗi nhân viên được gắn trên xe. Lái xe không đeo kính đen, không hút thuốc khi phục vụ khách. Khi khách lên và xuống xe, hệ thống lời chào tự động bật và nhắc nhở khách kiểm tra hành lý trước khi xuống xe, đặc biệt giờ chúng tôi quản lý phương tiện của mình bằng hệ thống phần mềm GPS.
Những năm qua, với tư tưởng “của khách hàng cũng như của mình”, lái xe Tập đoàn Mai Linh đã luôn trung thực, trong sáng, trả lại rất nhiều tài sản bị bỏ quên cho khách hàng, tổng giá trị tài sản lên tới hàng chục tỉ đồng như anh Nguyễn Trung Dũng (Mai Linh Quảng Ninh) đã trả lại cho khách hàng 700 triệu đồng; anh Nguyễn Anh Tuấn (Mai Linh Đông Đô) trả lại cho khách hàng 150 triệu đồng... và gần đây nhất là anh Lương Như Hải (Mai Linh Thủ Đô) trả lại cho khách 45 triệu đồng.
Nếu khách đi xe của Mai Linh, khi xuống xe rồi mới phát hiện để quên đồ đạc, hành lý, chỉ cần gọi điện về tổng đài, nói số hiệu xe (số tài) được dán đềcan trên kính trước và kính sau của xe, thông báo hành trình đã đi cũng như thông tin cá nhân của khách, tổng đài và nhân viên Mai Linh sẽ có trách nhiệm thông tin đến lái xe, đưa trả hành lý thất lạc tận tay…
Thực tế lâu nay các xe taxi dù, taxi nhái thương hiệu có đặc điểm nổi bật mà khách hàng có thể nhận ra đó là giá cước đề rất rẻ nhưng thanh toán thì “chặt chém”. Vậy cước xe của hãng Mai Linh được quản lý như thế nào?
Về mặt luật pháp: Chúng tôi đã sử dụng hệ thống đồng hồ do Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam duyệt mẫu, kiểm định và cấp phép sử dụng. Đồng hồ được kiểm duyệt một lần nữa trước khi đi vào hoạt động.
Về phía Công ty: Để đám bảo độ chính xác, tránh những sai xót có thể xảy ra chúng tôi đã niêm phong kẹp chì riêng đối với từng bộ đồng hồ. Nhằm nâng cao quá trình giám sát và quản lý, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống định vị GPS giám sát hành trình hoạt động của xe 24/24 (thiết bị này đã được hợp chuẩn và được Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam cấp phép). Ngoài ra chúng tôi kết hợp với một đội ngũ thanh tra giầu kinh nghiệm để hỗ trợ trong việc quản lý xe nói chung.
Các thương hiệu lớn như Eurowindow, Vincom, Nội thất Đài Loan, Vespa LX… từng khổ sở vì bị nhái thương hiệu, nay lại đến thương hiệu Mai Linh.. khiến dư luận cũng vô cùng bức xúc. Thưa Luật sư Trương Anh Tú, từ góc độ pháp lý anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, thực trạng tồn tại việc nhái thương hiệu có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản nhất chính là do chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Lực lượng kiểm tra quản lý tuy đông nhưng cũng chưa đủ mạnh, hoạt động rời rạc, thiếu đồng bộ. Việc tồn tại việc nhái thương hiệu gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cũng như làm tổn thất về kinh tế cho doanh nghiệp.
Đối với những đơn vị, cá nhân cố tình nhái thương hiệu thì phải áp dụng chế tài như thế nào thưa luật sư?
Vi phạm về sở hữu trí tuệ bao gồm vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, sao chép công nghệ (giải pháp hữu ích), sáng chế, bản quyền…Thương hiệu bị làm nhái là vi phạm sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa. Thông thường, tên thương mại của công ty thường đăng ký ở Cục sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm có thể có các mức xử phạt hành chính, xử lý hình sự và xử lý dân sự. Xử phạt hành chính thì có quy định trong pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tối đa 500 triệu đồng.
Nếu chủ của quyền sở hữu trí tuệ kiện ra tòa thì có quyền kiện ra tòa và quyền đòi bồi thường. Chủ quyền sở hữu trí tuệ chứng minh được thiệt hại bao nhiêu sẽ được bồi thường bấy nhiêu. Đối với những nhãn mác gây nguy hiểm cho xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và tiến hành xử lý hình sự
Như vậy, việc kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vụ việc thương hiệu bị “nhái” là hết sức cần thiết. Chắc chắn rằng, việc thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc xây dựng thành công một thương hiệu bằng uy tín với khách hàng chính là động lực để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.
Ban Bạn đọc