Cà Mau:

Nguyên Trưởng ấp “kêu cứu” trước nguy cơ mất hết tài sản vì… giúp dân!

(Dân trí) - Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ông Nguyễn Văn Út (nguyên Trưởng ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) được sự đồng ý của cấp trên đã đứng ra đại diện ấp mua nợ tiền dầu phục vụ nạo vét 2 con kênh ở địa phương. Theo thỏa thuận đôi bên, khi nạo vét xong sẽ thu tiền đối ứng trong dân trả lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau đó việc thu đối ứng trong dân bất thành, khiến gia đình ông Út phải “ôm nợ” oan.

Gia đình ông Nguyễn Văn Út trình bày với PV Dân trí.
Gia đình ông Nguyễn Văn Út trình bày với PV Dân trí.

“Ôm nợ” vì giúp dân

Tiếp xúc với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Út (ngụ ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) trình bày: Vào năm 2004, ông là Trưởng Ban Nhân dân ấp Tràm Thẻ. Thời điểm này, người dân ở 2 con kênh Cây Bùi và Sáu Bá đề nghị nạo vét do kênh quá cạn, không thể bơm nước phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản được.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và nhận thấy việc làm trên là thiết thực, nên ông Út quyết định viết tờ trình gửi UBND xã Tân Phú, yêu cầu nạo vét 2 con kênh trên để tiện cho dân sản xuất. Việc làm của ông Út nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương sống ven 2 con kênh.

Đơn cầu cứu của ông Nguyễn Văn Út gửi cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau.
Đơn cầu cứu của ông Nguyễn Văn Út gửi cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau.

Sau một thời gian nhận được tờ trình của ông Út, ông Huỳnh Thanh Hoàng (Trưởng Ban Nông nghiệp xã Tân Phú thời điểm năm 2004) đã mời ông Út và ông Nguyễn Văn Quẽm (Bí thư Chi bộ ấp Tràm Thẻ) lên trụ sở UBND xã triển khai nạo vét 2 con kênh, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (nhà nước 70%, dân chịu 30%). Trong đó, dân chịu một mét tới là 10.000 đồng và 2 bên chia đôi ra thu mỗi bên 5.000 đồng/mét. Còn hợp đồng mua dầu cho cơ giới hoạt động là do ấp đứng ra hợp đồng mua và sau khi nạo vét xong sẽ thu tiền trả lại cho doanh nghiệp.

Ông Út và ông Quẽm đã mời dân họp để triển khai đúng theo nội dung ông Hoàng đưa ra và được sự thống nhất của người dân địa phương.

“Nhận được sự chỉ đạo của cấp trên cho nên chúng tôi đã tiến hành thuê cơ giới nạo vét 2 con kênh. Dầu cho cơ giới hoạt động thì tôi đại diện ấp mua thiếu từ doanh nghiệp xăng dầu Thanh Nhàn, tổng số 2.598 lít (giá 7.500 đồng/lít) với tổng số tiền hơn 19,485 triệu đồng. Tôi thỏa thuận miệng là khi nạo vét xong sẽ tiến hành thu tiền đối ứng trong dân để trả lại cho doanh nghiệp”, ông Út nêu trong đơn.

Nguyên Trưởng ấp “kêu cứu” trước nguy cơ mất hết tài sản vì… giúp dân! - 3
Nhiều người dân địa phương cũng đồng ký xác nhận là lúc đó do hoàn cảnh khó khăn, nên đã không đóng tiền đối ứng nạo vét kênh.
Nhiều người dân địa phương cũng đồng ký xác nhận là lúc đó do hoàn cảnh khó khăn, nên đã không đóng tiền đối ứng nạo vét kênh.

Cũng theo trình bày của ông Út, sau khi nạo vét xong, ông và cán bộ ấp đã ra sức thu đối ứng trong dân để trả cho doanh nghiệp, nhưng chỉ thu được số tiền là 11,6 triệu đồng, nên ông phải “ôm nợ” với số tiền 7,885 triệu đồng.

Về phía ông Trần Thanh Nhàn (doanh nghiệp xăng dầu Thanh Nhàn- PV), sau khi không đòi được nợ, ông Nhàn đã khởi kiện ra tòa yêu cầu ông Út phải trả lại số tiền còn thiếu theo giá thị trường.

Khi hòa giải tại TAND huyện Thới Bình, ngoài ông Út và nguyên đơn, còn có ông Huỳnh Thanh Hoàng (lúc này là Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú) đến và có “chỉ đạo” ông Út đứng ra ký biên bản nhận nợ doanh nghiệp Thanh Nhàn, rồi khi về xã sẽ bàn bạc với lãnh đạo giải quyết. Ông Nguyễn Văn Út đã đứng ra ký tên nhận nợ theo sự chỉ đạo của “sếp”.

Bất ngờ bị kê biên tài sản

Theo trình bày của ông Út, sau buổi hòa giải tại tòa, năm 2007, ông Phan Văn Thông (Chủ tịch UBND xã Tân Phú, hiện ông Thông đã nghĩ hưu- PV) có đến gặp doanh nghiệp Thanh Nhàn để thỏa thuận về việc trả tiền dầu mà ông Út đã đứng ra nhận nợ. Tuy nhiên, lúc này phía doanh nghiệp đòi áp dụng giá dầu mới là 12.000 đồng/lít (trong khi giá dầu mua trước đó chỉ 7.500 đồng/lít) nên phía UBND xã Tân Phú không đồng ý, dẫn đến vụ việc kéo dài.

“Sau buổi thỏa thuận bất thành giữa UBND xã và doanh nghiệp Thanh Nhàn, tôi cũng nghỉ làm Trưởng ấp. Đến nay đã nhiều năm, tưởng chừng phía cơ quan đã xử lý xong vụ việc, nào ngờ mới đây cơ quan thi hành án huyện Thới Bình vào kê biên tài sản của gia đình tôi trước sự chứng kiến của rất nhiều người khiến vợ tôi bị sốc đến ngã bệnh, còn bà con lân cận thì nói tôi tư túi riêng”, ông Út nghẹn ngào.

Khi cơ quan thi hành án huyện Thới Bình vào kê biên tài sản, bà Nguyễn Thị Chính (vợ ông Nguyễn Văn Út) đã bức xúc lột các phiếu niêm phong và bị lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó, người vợ này được cho là đã ngã bệnh vì quá bức xúc.
Khi cơ quan thi hành án huyện Thới Bình vào kê biên tài sản, bà Nguyễn Thị Chính (vợ ông Nguyễn Văn Út) đã bức xúc lột các phiếu niêm phong và bị lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó, người vợ này được cho là đã ngã bệnh vì quá bức xúc.

Để chứng minh cho những lời nói của mình, vị cựu Trưởng ấp cho PV xem giấy xác nhận của ông Phan Văn Thông (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú) có nội dung thể hiện: Từ năm 2005 đến năm 2010, ông Thông giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Tân Phú. Trước đó là thời kỳ ông Huỳnh Quốc Hoàng còn làm Chủ tịch UBND xã Tân Phú (hiện ông Hoàng là Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau- PV) và ông Huỳnh Thanh Hoàng là cán bộ nông nghiệp thủy lợi xã Tân Phú. Để phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản nên đã đề xuất và được cấp trên chấp thuận cho phép tiến hành thi công 2 con kênh Cây Bùi và Sáu Bá. Lúc bây giờ phải có vốn đối ứng của dân, mỗi bên bờ một mét tới dân phải đóng góp 5.000 đồng. Từ đó bên thi công có yêu cầu địa phương nhận mua và chịu nguyên liệu cho đơn vị thi công và ông Nguyễn Văn Út đã đứng ra nhận mua tại đại lý xăng dầu của ông Trần Thanh Nhàn và sẽ trả tiền dầu bằng cách thu đối ứng trong dân.

“Lúc đó, Thường trực UBND xã Tân Phú đã phân công ông Huỳnh Thanh Hoàng cùng Chi bộ, Ban Nhân dân ấp Tràm Thẻ tiếp tục thu phần đối ứng của dân để thanh toán cho ông Nhàn phần nợ còn lại. Nhưng khi đi trực tiếp thu nợ trong dân nhiều lần nhưng thu không được…”, xác nhận của nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú nêu rõ.

Xác nhận của ông Phan Văn Thông cũng thể hiện, vào năm 2007, ông và ông Út đến gặp ông Trần Thanh Nhàn để thanh toán nợ, nhưng do phía doanh nghiệp “áp giá” theo giá mới là 12.000 đồng, nâng số tiền nợ lên thành 15 triệu đồng nên xã không thống nhất.

“Lúc đó vốn đối ứng trong dân không thu đủ để thanh toán nợ, nay gia đình ông Út phải bị niêm phong, kê biên tài sản để thanh toán cho ông Nhàn là cần phải xem xét lại. Trong khi đó, gia đình ông Út không hưởng được gì trong số tiền đó, chỉ vì phục vụ cho lợi ích của dân phải đứng ra chịu trách nhiệm”, nguyên Chủ tịch xã Tân Phú Phan Văn Thông nêu quan điểm.

Giấy tường trình xác nhận lại vụ việc của ông Phan Văn Thông– Nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú.
Giấy tường trình xác nhận lại vụ việc của ông Phan Văn Thông– Nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú.

Xác nhận của ông Huỳnh Thanh Hoàng (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú) cũng thể hiện với nội dung tương tự như xác nhận của ông Phan Văn Thông; đồng thời cam kết, nếu sai ông sẽ chịu trách nhiệm.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Huỳnh Thanh Hoàng cũng xác nhận vụ việc trên là đúng sự thật.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Huỳnh Thanh Hoàng cũng xác nhận vụ việc trên là đúng sự thật.

Để làm rõ vấn đề trên, PV đã liên hệ với bà Trần Thị Hằng - Chủ tịch UBND xã Tân Phú (huyện Thới Bình) nhằm tìm hiểu thêm các thông tin liên quan. Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, bà mới nhận nhiệm vụ nên chỉ mới biết phần nào vụ việc, để bà bàn bạc lại với tập thể xã, rồi sẽ thông tin sau.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tuấn Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm