Nguy cơ mất mạng từ trào lưu nhịn ăn, uống để chữa Covid-19

Thời gian gần đây, trào lưu chữa bệnh bằng thực dưỡng đã quay trở lại. Điều đáng nói là không ít F0 đã chọn cách nhịn ăn, nhịn uống trong nhiều ngày liền để thải độc, thanh lọc cơ thể, đẩy lùi Covid.

Theo các thông tin được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội của các hội nhóm theo trào lưu "nhịn khô" (chữa bệnh bằng thực dưỡng), bệnh tật không phải ở bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Gốc của bệnh tật sinh ra do việc ăn sai, chứa những chất độc tích tụ trong thời gian dài làm cho cơ thể bị mất cân bằng âm dương, làm bệnh tật phát sinh. Muốn cơ thể khỏe mạnh, không nạp nhiều chất độc thì phải dừng ăn, dừng uống.

"Nhịn khô" là phương pháp chữa lành cơ thể tốt nhất, nhất là đối với những người đang có nhiều bệnh tật.

Nguy cơ mất mạng từ trào lưu nhịn ăn, uống để chữa Covid-19 - 1

Chế độ ăn sơ sài của những người theo đuổi "nhịn khô" (Ảnh: CAND).

Với phương pháp này, người thực hiện sẽ kiêng hoàn toàn nước và thực phẩm trong toàn bộ thời gian làm sạch cơ thể từ 1-4 ngày, thậm chí lâu hơn, từ 14-30 ngày. Trong suốt quá trình đó, người "nhịn khô" cũng hạn chế tiếp xúc với nước như không tắm, vệ sinh răng miệng, rửa tay... để quá trình thanh lọc được thuận lợi?!

Không dừng lại ở đó, một số cá nhân còn "nhịn khô" để chữa Covid-19. Họ cho rằng, những người nhiễm bệnh có các triệu chứng mất mùi, mất vị giác chính là dấu hiệu cơ thể muốn dừng ăn vài ngày để giải phóng rác thải tế bào và làm sạch cơ thể.

Do đó, thay vì phải bổ sung vitamin tăng cường dưỡng chất cho cơ thể để có đủ sức chống chọi với bệnh dịch, thì họ chọn cách nhịn ăn uống trong nhiều ngày bất chấp những nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Hoàn ở Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, bà đã thực hiện phương pháp "nhịn khô" 2 lần. "Lần đầu sức khỏe của tôi khá tốt, cơ thể nhẹ nhõm, phấn chấn. Do vậy, khi biết tin mình bị F0, ăn không thấy ngon, tôi quyết định "nhịn khô" ít ngày.

Song chỉ sau 2 ngày không ăn, uống, trong khi cơ thể liên tục sốt cao, sức khỏe của tôi gần như bị suy kiệt, mắt hoa, chân đứng không vững và xuất hiện cảm giác khó thở. Tham khảo ý kiến bác sỹ tôi được biết, nguyên nhân là do tôi "thực dưỡng" trong lúc cơ thể đang mang bệnh cần bồi bổ để tăng sức đề kháng nên suýt gây nguy hiểm đến tính mạng" - bà Hoàn chia sẻ.

Liên quan đến các trào lưu "thực dưỡng" như "nhịn khô", Chuyên gia dinh dưỡng Lê Minh Hiền cho rằng, hiện nay một số người có quan điểm về thực dưỡng không đúng. Thực dưỡng là ăn chay bán phần hay toàn phần như người ăn cơm gạo lức, muối vừng, ít ăn thịt cá nhưng vẫn nên uống sữa, ăn trứng.

Để cơ thể hoạt động tốt cần duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, có thể hạn chế tinh bột, dầu mỡ, những vẫn phải đảm bảo đủ 4 yếu tố, chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột.

Cũng theo Chuyên gia Minh Hiền, khi nhịn ăn và uống có nghĩa ta đã cắt bỏ hoàn toàn dưỡng chất để duy trì hoạt động của cơ thể trong ngày. Điều này ảnh hưởng xấu đến các cơ quan chức năng trong cơ thể, biểu hiện qua việc cơ thể suy nhược, chóng mệt mỏi, khó tập trung...

Bên cạnh đó, cá nhân nếu "nhịn khô" kéo dài cơ thể sẽ dễ mắc bệnh, nhiễm khuẩn, nhiễm virus thậm chí có thể tử vong vì các bệnh này. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, mỗi người phải ăn cân đối, đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là người đang mắc bệnh truyền nhiễm như Covid-19 hay các bệnh hiểm nghèo khác.